Nắng nóng kéo dài, nhiều người ngộ độc thực phẩm, sốc nhiệt vào viện

Thứ Hai, 17/06/2019, 10:35
Nắng nóng đỉnh điểm kéo dài suốt hơn tuần qua khiến nhiệt độ ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc luôn đạt ngưỡng cao từ 38-40 độ C. Ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, say nắng, sốc nhiệt, tai biến mạch máu não, thậm chí cả cúm mùa đã gia tăng trong những ngày thời tiết oi bức.

Ngộ độc, bệnh trái mùa gia tăng

Suốt cả tuần qua, nắng nóng đỉnh điểm kéo dài, nhiệt độ ngoài trời tại Hà Nội vào giờ trưa lên tới trên 40 độ, thức ăn đường phố dễ dàng ôi thiu nếu không được bảo quản đúng cách.

Có mặt ở một số điểm chuyên bán thức ăn đường phố cạnh Trường ĐH Ngoại thương, xung quanh các bệnh viện như Bạch Mai, Việt Đức, Phụ sản Trung ương… chúng tôi thấy, do nhu cầu quá lớn nên mặc dù trời nóng bức nhưng các hàng quán vẫn đông nườm nượp.

Thức ăn chín bày bán ngay trên nền đường, không che đậy, người bán hàng sử dụng tay không bốc thức ăn cho khách. Với nền nhiệt độ cao như những ngày vừa qua, thức ăn để cả ngày bày bán ngoài trời rất dễ bị ôi thiu, nhiễm nấm, nhiễm vi khuẩn. Đây là nguyên nhân làm gia tăng số ca bị tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm phải vào nhập viện.

Có mặt tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, phía ngoài chờ khám dịch vụ Nhi, bé Nguyễn Phương Anh (5 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) đang ôm bụng nhăn nhó kêu đau.

Bệnh nhân bị đột qụy vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai.

Chị Phạm Hồng Nhung (mẹ bé Phương Anh) cho biết, cháu bị đau bụng, tiêu chảy 5 lần/ngày, nôn, gia đình lo quá nên đưa vào viện. Theo chị Nhung vì chưa khám nên chưa xác định nguyên nhân do đâu, nhưng trước khi cháu bị tiêu chảy cả nhà chị có đi ăn hàng, 4 tiếng sau cháu kêu đau bụng, buồn nôn.

Theo BS Nguyễn Thu Hường, Phòng khám dịch vụ Nhi theo yêu cầu, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, nắng nóng kéo dài bệnh nhi vào khám nhiều nhất là bệnh tiêu chảy, hô hấp và sởi, trung bình khoảng 400 ca/ngày.

Trong đó, riêng bệnh nhân bị tiêu chảy tới viện nhiều (khoảng 10 bệnh nhân/ngày). Nguyên nhân bị bệnh thường liên quan đến việc ăn thức ăn nhiễm vi khuẩn, ôi thiu do nắng nóng. Qua khai thác tiền sử, nhìn chung các các ca bệnh đều ăn ngoài hàng quán, chủ yếu rơi vào trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi.

“Phụ huynh phải đảm bảo cho trẻ ăn uống vệ sinh, tránh ăn thức ăn để lâu. Không chỉ thức ăn đường phố mà ngay cả thức ăn trong gia đình, không được để thức ăn lâu bên ngoài, không ăn hết phải bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ phù hợp” - BS Hường khuyến cáo.

Nắng nóng cũng khiến trẻ bị tiêu chảy do virus Rota gia tăng. Trong tuần qua, mỗi ngày Bệnh viện Medlatech có vài trường hợp cả người lớn và trẻ em bị tiêu chảy tới khám. Bệnh viện này cũng cho biết, nắng nóng còn khiến bệnh truyền nhiễm cúm mùa gia tăng. Cúm mùa là bệnh thường chỉ mắc vào mùa đông - xuân, nhưng hiện nay lại xuất hiện “trái mùa”.

BS Trần Thị Kim Ngọc, chuyên Khoa Nhi, Bệnh viện Medlatech cho biết, gần đây bệnh viện gặp nhiều bệnh nhi mắc cúm vào mùa hè. Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A thuộc các chủng H1N1, H5N1, H7N9 gây nên. Bệnh thường gặp ở thời đểm giao mùa đông xuân. Tuy nhiên, gần đây bệnh xuất hiện nhiều ở mùa hè, điều này có thể do biến đổi khí hậu đã làm thay đổi dịch tễ học của bệnh.

Cẩn trọng với các bệnh nắng nóng

Sốc nhiệt, say nắng, đột quỵ thường gặp vào những ngày nắng nóng. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, say nắng là căn bệnh nghiêm trọng nhất do nắng nóng và có nguy cơ xảy ra rất cao trong những ngày nắng nóng, với tất cả mọi người, không loại trừ cả trẻ em. Say nắng có thể dẫn tới tử vong hoặc tàn phế vĩnh viễn nếu không được điều trị cấp cứu kịp thời.

Tại Khoa cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai liên tiếp cấp cứu cho các ca sốc nhiệt, đột quỵ vào nhập viện, đặc biệt gia tăng vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm.

Đáng chú ý là những bệnh nhân có bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi mãn tính, suy thận… Với những bệnh nhân có sẵn bệnh lý nền như vậy, nắng nóng sẽ là yếu tố thuận lợi gia tăng tình trạng đột quỵ, nhồi máu não nếu bệnh nhân không có kiến thức để tự chăm sóc và kiểm soát tốt các bệnh lý có sẵn này.

Tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn vào đợt nắng nóng đỉnh điểm, khám nội trung bình khoảng 800 ca/ngày, tăng hơn 200 ca so với ngày thường, tăng cả số bệnh nhân nhập viện. Có đêm bộ phận cấp cứu tiếp nhận tới 5 ca tai biến mạch máu não.

Bệnh nhân Nguyễn Văn N. (65 tuổi, ở Sóc Sơn, Hà Nội) có tiền sử cao huyết áp, sau bữa cơm tối có biểu hiện méo miệng được người nhà phát hiện và cấp tốc đưa vào Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị tắc động mạch cảnh trong, bệnh nhân nhanh chóng được lấy huyết khối. Sau 2 ngày, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn và được theo dõi hồi sức. Theo bác sĩ, đây là trường hợp cấp cứu kịp thời trong “giờ vàng” nên sức khỏe hồi phục rất tốt.

ThS.BS Nguyễn Thúy Hằng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, người bệnh đái tháo đường do nắng nóng dễ mắc bệnh sốt virus, viêm phổi hoặc người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính dễ có những đợt bội nhiễm cấp phải vào nhập viện.

Do vậy, người dân hạn chế ra đường vào những ngày nắng nóng, nhất là môi trường nhiệt độ thay đổi đột ngột, đặc biệt với người bệnh tăng huyết áp dễ dẫn đến tai biến mạch máu não. BS Hằng cũng đặc biệt khuyến cáo với những người có thói quen tắm liên tục trong thời tiết nắng nóng, hoặc tắm muộn rất dễ gây tai biến mạch máu não.

“Tắm khuya đều không tốt cho người già và em nhỏ. Phụ huynh hết sức lưu ý, khi trẻ sốt (từ 38,5 độ) phải cho trẻ hạ sốt ở nhà rồi hãy đưa trẻ tới viện, không được đem con đang sốt cao đến viện sẽ gây co giật. Người già cần uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, nghỉ ngơi hợp lý, tránh ra ngoài nắng. Khi có bất thường phải đến bệnh viện ngay”, BS Hằng nói.

Theo ThS.BS Nguyễn Thúy Hằng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn lên phương án chống nắng cho bệnh nhân bằng việc thay đổi giờ làm việc sớm hơn 30 phút so với trước (từ 7h30 xuống 7h) để bệnh nhân về nhà không quá trưa nắng.

Còn theo khuyến cáo của TS.BS Nguyễn An Tuấn, Trưởng phòng Cấp cứu tổng hợp, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai), khi thấy một người nghi ngờ sốc nhiệt, say nắng với biểu hiện như: mặt đỏ bừng, da nóng, khô, mệt lả, đau đầu, nôn ói thì phải khẩn trương sơ cứu hạ thân nhiệt cho người bệnh như nhanh chóng đưa bệnh nhân tới khu vực có bóng mát, bỏ bớt quần áo và thực hiện các biện pháp chườm mát vào vùng cổ, nách, bẹn, lau người toàn thân.

Thậm chí có thể dùng vòi nước mát hay xô nước mát xối lên người…, sau đó gọi xe cấp cứu đưa người bệnh tới bệnh viện. Tuyệt đối không dùng thuốc hạ sốt cho bệnh nhân vì không có giá trị khi bị sốc nhiệt. Việc sơ cứu ban đầu cho người sốc nhiệt rất quan trọng, quyết định đến việc điều trị và di chứng sau này.

Trần Hằng
.
.
.