Nâng cao hiệu quả giám định pháp y tâm thần, cần sửa đổi Nghị định cho phù hợp

Thứ Năm, 12/11/2020, 19:37
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị định 64/NĐ-CP về Hướng dẫn quy định việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, một số quy định còn chưa đầy đủ, rõ ràng và cụ thể, có thể dẫn đến những cách hiểu khác nhau; 

Ngày 12/11, Bộ Y tế, Cục quản lý Khám, chữa bệnh đã tổ chức Hội nghị sơ kết và xây dựng tài liệu chuyên môn lĩnh vực giám định pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, lĩnh vực giám định pháp y tâm thần là lĩnh vực khó khăn, phức tạp, ngoài yêu cầu trình độ chuyên môn, cán bộ làm công tác giám định còn phải có kiến thức về pháp lý, kỹ năng giao tiếp, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Chủ đề giám định pháp y tâm thần và điều trị bắt buộc chữa bệnh có tầm quan trọng đặc biệt và nhận được quan tâm của toàn xã hội.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị

Công tác chuyên môn về pháp y tâm thần được giao cho 2 viện là Viện Pháp y tâm thần Trung ương, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa và 5 Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực. Các đơn vị này, ngoài thực hiện chức năng do Bộ trưởng Bộ Y tế phân công, còn phải tuân thủ theo sự điều chỉnh của Luật Giám định tư pháp, Luật Thi hành án hình sự. 5 Trung tâm pháp y tâm thần khu vực, giai đoạn hiện nay mới chỉ thực hiện công tác giám định pháp y tâm thần theo trưng cầu và theo yêu cầu của cơ quan tư pháp.

Đối với Viện Pháp y tâm thần Trung ương và Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, ngoài thực hiện giám định còn phải tiếp nhận điều trị bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 64/2011/NĐ-CP (NĐ64) về Hướng dẫn quy định việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Việc điều trị bắt buộc chữa bệnh còn triển khai tại Bệnh viện tâm thần Trung ương 1, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.

 Qua thực tiễn cho thấy, nếu thực hiện tốt công tác giám định pháp y tâm thần và công tác điều trị bắt buộc sẽ hạn chế tối đa khiếu nại, tố cáo vượt cấp, qua đó góp phần bảo đảm ổn định an ninh, trật tự xã hội.

Tại Hội nghị, hầu hết các ý kiến của đại biểu đều cho rằng, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện NĐ 64 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, một số quy định còn chưa đầy đủ, rõ ràng và cụ thể, có thể dẫn đến những cách hiểu khác nhau. Bên cạnh đó, có những quy định không còn phù hợp với thực tiễn và cả những quy định cần được điều chỉnh do có những chính sách mới được ban hành như Luật thi hành án hình sự có hiệu lực từ 1/1/2020.

Đại tá Vũ Quốc Thắng, Phó Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết, Nghị định 64 cần thiết đến lúc sửa đổi vì quá trình thực hiện có những bất câp. Chẳng hạn, quản lý người bắt buộc phải chữa bệnh nhưng lại không rõ trách nhiệm đơn vị nào quản lý. Nhiều đối tượng án chung thân, án cao liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người khác, cần thiết phải có cơ chế quản lý. 

Đại diện Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị

Bà Nguyễn Thị Thụy, Trưởng phòng Thanh tra bổ trợ tư pháp và Quản lý giám định tư pháp, Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho biết: Điều 9 NĐ 64 giao trách nhiệm cho Bộ Y tế quản lý đối tượng tâm thần, các bác sĩ chỉ làm chuyên môn khám chữa bệnh, nêu ý kiến chuyên môn trong vấn đề giám định pháp y tâm thần, giúp cho cơ quan tố tụng xác định chính xác là có bệnh hay không có bệnh. Trong vấn đề đảm bảo an toàn, lưu giữ các đối tượng, đặc biệt là các đối tượng đặc biệt nguy hiểm, liệu các bác sĩ có đảm đương được không? Đây là vấn đề không khả thi. NĐ 64 lại giao trách nhiệm cho Bộ Y tế quản lý các đối tượng này, đây là việc làm quá sức, không phù hợp với bản chất và nguyên lý của vấn đề. 

"Đã đến lúc chúng ta cần kiến nghị, tổng kết và đánh giá lại toàn diện nguyên lý và bản chất của vấn đề của NĐ 64. Quản lý đối tượng này phải kiến nghị trả về cho lực lượng Công an. NĐ 64 có quá nhiều bất cập, không phù hợp với thực tế, cần được bổ sung hoặc cần được thay thế bằng NĐ khác. Bộ Y tế cần nghiên cứu và có văn bản gửi lãnh đạo Bộ Công an đề nghị phối hợp giải quyết một số vướng mắc khó khăn liên ngành, trong đó đề nghị Bộ Công an có tổng kết đánh giá quá trình thực thi NĐ 64”, bà Thụy nói.

Tại Hội thảo, hầu hết các đại biểu đều kiến nghị sửa đổi NĐ 64 là một yêu cầu bức thiết, để việc triển khai quy định thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh thật sự phù hợp với thực tiễn.

Để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống tổ chức pháp y tâm thần theo hướng chú trọng yếu tố trọng điểm, khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực pháp y, pháp y tâm thần cả về số lượng và chất lượng chuyên môn, kiến thức pháp lý đáp ứng yêu cầu của công tác giám định tư pháp trong tình hình mới, Bộ Y tế đề nghị các Bộ, ngành, đặc biệt như Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện KSNDTC tiếp tục đồng hành cùng Bộ Y tế trong công tác giám định pháp y tâm thần và điều trị bắt buộc chữa bệnh.



Trần Hằng
.
.
.