Mưa bão làm sạt lở đất đá, nhiều tuyến đường miền núi bị ách tắc
Cụ thể các tuyến còn tắc giao thông là vị trí cầu Bản Cóc Km8+200/QL.43, tỉnh Sơn La do mưa có cường lực lớn, nước trong suối tập trung chảy xiết gây xói thêm phần sau mố (M1) phía thượng lưu, tạo thành hàm ếch, làm sập bản vượt đầu cầu, nứt vỡ mố đá xây.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo Sở GTVT Sơn La cử người trực, theo dõi, rào chắn không cho các phương tiện đi qua, đồng thời, chỉ định đơn vị thi công khẩn trương thi công phần mố bị sập và tổ chức phân luồng từ xa cho các phương tiện tham gia giao thông.
Hình ảnh sạt lở do cơn bão số 3 gây ra làm ách tắc giao thông. |
Cũng trên địa bàn tỉnh Sơn La, tại Km90+700/QL.279D, có khoảng gần 1.000m3 đá sụt gây tắc giao thông, hiện tại Ban chỉ huy phòng chống bão lũ và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La đã chỉ đạo Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Sơn La giao lực lượng công binh nổ phá đá sụt để thông tuyến sớm nhất.
Trên quốc lộ 6 đoạn Km 203+600, tỉnh Sơn La, vào hồi 9h05 phút ngày 26-7 sạt lở taluy dương khoảng 1.000m3, gây tắc giao thông, đã thông xe vào hồi 9h55 phút cùng ngày nhưng vẫn có nguy cơ tắc đường nếu tiếp tục mưa.
Ngoài các tuyến đường trên, thiệt hại tính đến cuối ngày 27-7, trên hệ thống quốc lộ đã sạt lở 35.562m3 taluy dương; 343md taluy âm; 5567m2 nền mặt đường hư hỏng, cầu hỏng 1 cái; hư hỏng rãnh dọc hơn 1315md cùng nhiều vị trí hộ lan, biển báo ngập nước. Tổng kinh phí ước tính để khắc phục thiệt hại bước 1 trên hệ thống quốc lộ khoảng 20,215 tỷ đồng.
Với hệ thống đường địa phương, theo thống kê, trong mấy ngày qua, mưa bão cũng làm sạt lở hơn 132.000m3 taluy dương; 424md taluy âm; hư hỏng nền, mặt đường gần 60.000m2; cống tràn hư hỏng 10 cái, cầu hư hỏng 1 cái... Tổng kinh phí ước tính để khắc phục thiệt hại trên hệ thống đường địa phương dự tính khoảng 34 tỷ đồng.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo các Sở Giao thông vận tải, các Cục Quản lý đường bộ 1, Cục Quản lý đường bộ 2 và các đơn vị thực hiện công tác bảo trì đường bộ tổ chức trực gác 24/24h tại những vị trí nguy hiểm, bố trí hệ thống an toàn giao thông tại hai đầu đoạn bị ngập, đồng thời phối hợp các lực lượng chức năng của địa phương tổ chức điều tiết bảo đảm giao thông; tập trung lực lượng thu dọn mặt đường các đoạn đường bị ngập, kiểm tra hệ thống an toàn giao thông; sửa chữa các vị trí hư hỏng mặt đường và bị sụt lở ta luy âm để thông xe.