Một sản phụ mang tam thai có vết mổ cũ “vượt cạn” thành công

Thứ Tư, 18/04/2018, 18:54
Lúc 14h5 ngày 18-4, Bệnh viện Phụ sản (BVPS) TP Cần Thơ phẫu thuật thành công một trường hợp sản phụ tam thai vết mổ cũ vượt cạn “Mẹ tròn con vuông”.

Sản phụ là chị L.P.D.Ph (32 tuổi, ngụ tại thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang), được Trung tâm Y tế huyện Châu Thành (Hậu Giang), chuyển đến trong tình trạng đau bụng, vết mổ cũ, chưa chuyển dạ sinh.

BSCKII Đỗ Thị Minh Nguyệt, đang thăm khám cho 3 bé gái. 

Sau khi thăm khám, xác định sản phụ Ph. nằm trong nhóm thai kì nguy cơ cao cho cả mẹ và con, do sản phụ mang tam thai 37 tuần, con lần 2, vết mổ cũ, 2 bánh nhau, 3 buồng ối.

Các bác sĩ (BS) đã nhanh chóng hội chẩn viện và ra quyết định xử trí với sự phối hợp sẵn sàng của các BS chuyên khoa, gồm: Sản khoa, Gây mê hồi sức, Huyết học truyền máu, Sơ sinh… để có kế hoạch can thiệp một cách nhanh chóng, tích cực với đầy đủ phương tiện hồi sức mẹ và sơ sinh. 

Cuộc phẫu thuật lấy thai được tiến hành vào lúc 13h30 cùng ngày với sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý của ekip phẫu thuật, gồm: BSCKII Đỗ Thị Minh Nguyệt, BS Lê Thị Bích Tuyên, BS Lê Thị Mỹ Tiên, BS Thạch Công Danh cùng các bộ phận có liên quan và các điều dưỡng, nữ hộ sinh nhiều kinh nghiệm. 

Sau 40 phút tập trung, ca phẫu thuật “Mẹ tròn con vuông” với sự chào đời của 3 bé gái xinh xắn có cân nặng lần lượt là 2.500 gram, 2.700 gram và 2.900 gram trong niềm hạnh phúc vỡ òa của gia đình sản phụ Ph. và các BS tại BVPS Cần Thơ. Sau sanh, 3 bé gái được tiếp xúc da kề da với mẹ và kẹp dây rốn muộn.

Ba "công chúa" chào đời khỏe mạnh trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình chị Ph. và các BS BVPS Cần Thơ. 

Hiện tại, tình hình sức khỏe của mẹ và 3 bé ổn định. Mẹ có các chỉ số sinh hiệu tốt, cả 3 bé gái da hồng hào, khóc to, thở đều tự nhiên không cần hỗ trợ, phản xạ bú tốt và đang được thực hiện phương pháp Kangaroos cùng với sự hỗ trợ của gia đình tại Khoa Phẫu thuật gây mê - Hồi sức tích cực - Chống độc. 

Theo BSCKII Đỗ Thị Minh Nguyệt - Phó Trường khoa Sản bệnh, trường hợp tam thai tự nhiên rất hiếm gặp với tỉ lệ 1/8000 ca. Thai kỳ đa thai luôn là một thai kỳ nguy cơ cao. Người mẹ dễ bị cao huyết áp, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật; tăng nguy cơ tai biến do diện nhau bám rộng làm đờ tử cung, băng huyết… 

Đa thai cũng thường dẫn đến sinh non, nguy cơ đối với trẻ non tháng là ngạt sau sinh, hạ thân nhiệt, suy hô hấp, hạ đường huyết, vàng da sơ sinh, nhiễm trùng, bệnh lý võng mạc, chậm tăng trưởng thể chất, trí tuệ…

Chị Ph. hạnh phúc ngắm nhìn 3 "công chúa", sau ca phẫu thuật "Mẹ tròn con vuông". 

“Chăm sóc những trường hợp đa thai khá giống những trường hợp đơn thai. Tùy từng trường hợp mà sẽ có lịch khám thai, nội dung khám và xử trí cụ thể. Tuy nhiên, trường hợp mang đa thai cần được lưu tâm nhiều hơn để phát hiện và xử trí kịp thời khi có những dấu hiệu bất thường. 

Vì thế, quá trình mang đa thai sản phụ cần được theo dõi định kỳ, khám thai đều đặn để đánh giá sự phát triển của thai nhi, sức khỏe của mẹ cũng như phát hiện được sớm các nguy cơ để xử trí kịp thời” – BS Nguyệt chia sẻ thêm.

Văn Đức
.
.
.