Luật Khám bệnh, chữa bệnh vẫn còn không ít hạn chế, bất cập

Thứ Hai, 29/07/2019, 15:01

Sáng 29-7, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết 9 năm Luật Khám bệnh, chữa bệnh  (KBCB).



Đây được xem là hội nghị đặc biệt quan trọng nhằm phát hiện các tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện để làm cơ sở cho việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật về KBCB năm 2009; là tiền đề để Bộ Y tế và Ban soạn thảo xây dựng dự thảo Luật mới (Luật KBCB sửa đổi) đáp ứng những đòi hỏi, yêu cầu thực tiễn. 

Hội nghị là tiền đề để Bộ Y tế và Ban soạn thảo xây dựng dự thảo Luật mới.

Tại hội nghị, TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đã báo cáo tổng kết 9 năm thi hành Luật KBCB. Đồng thời, các Cục Quản lý khám, chữa bệnh; Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, cũng đã trình bày về thực trạng cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động KBCB; về thực trạng đào tạo và sử dụng nhân lực y tế… 

GS.TS Nguyễn Viết Tiến cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Luật cũng đã có một số hạn chế, bất cập.

Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, nhấn mạnh Luật KBCB được Quốc hội thông qua ngày 23-11-2009 và có hiệu lực ngày 1-1-2011. Đây là đạo luật đầu tiên thể chế hóa quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về KBCB cho nhân dân; tạo hành lang pháp lý cho hoạt động KBCB, đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực KBCB. 

Việc ban hành Luật cũng nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong hoàn cảnh Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới và cũng đã tham gia một số hiệp định quốc tế trong lĩnh vực hành nghề y khoa.

Luật đã góp phần chuẩn hóa kỹ năng thực hành y khoa gắn với chất lượng dịch vụ KBCB thông qua việc quy định điều kiện tối thiểu để cấp chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề và giấy phép hoạt động cho các cơ sở KBCB và tạo hành lang pháp lý để y học Việt Nam tiếp cận và phát triển các kỹ thuật y khoa tiên tiến, hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến thảo luận xoay quanh những bất cập của Luật.

Tuy nhiên, cũng theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Luật cũng đã có một số hạn chế, bất cập như một số quy định chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam cũng như một số nội dung chưa đảm bảo tính hội nhập quốc tế; Việc chứng chỉ hành nghề được cấp suốt đời là không phù hợp và một số yêu cầu quá khắt khe mà tính thực thi, thực tiễn không cao.  

Do đó, cần phải rà soát lại 9 năm qua những gì tốt đẹp và thành công của Luật KBCB để giữ lại; còn những gì bất cập và tính khả thi chưa cao, chưa phù hợp với một số luật khác mà hiện đang còn có hiệu lực tại Việt Nam hay một số điểm chưa phù hợp với quốc tế, cần phải xem xét, sửa lại một cách khách quan, nghiêm túc, trách nhiệm và khoa học để thời gian tới Luật KBCB hoàn thiện hơn, thúc đẩy công tác KBCB ngày càng phát triển…


Phú Lữ
.
.
.