Lo ngại bệnh tay chân miệng bùng phát trong thời gian tới
- Bệnh tay chân miệng vẫn diễn biến phức tạp
- Bệnh tay chân miệng ở ĐBSCL tăng nhanh, tập trung ở trẻ dưới 2 tuổi
- Quảng Ngãi đã có hơn 1.300 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng
- Phát động phòng chống bệnh Tay chân miệng – Sởi – Sốt xuất huyết
Năm học mới bắt đầu hơn một tháng, thời tiết giao mùa dễ dàng thuận lợi cho virus tay chân miệng phát triển nếu không vệ sinh phòng bệnh tốt. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh tay chân miệng là điều “xa xỉ” khi trẻ học cả ngày ở trường, trong khi nhiều trường học không có xà phòng để học sinh rửa tay, nhà vệ sinh xuống cấp.
Theo ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh tay chân miệng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát rộng, đặc biệt trong các tháng 10, 11. Nguyên nhân bệnh tay chân miệng có thể gia tăng nhanh do trẻ em, học sinh tập trung trở lại vào năm học mới, vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi học tập, vui chơi của trẻ chưa được đảm bảo, nhất là tại các trường mầm non, cơ sở giáo dục đào tạo…
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh tay chân miệng. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vài năm trước, một số trường học trên địa bàn Hà Nội triển khai lắp hệ thống vòi nước để học sinh rửa tay. Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình lắp một loạt vòi nước rửa tay phía ngoài phòng học tầng 1. Nhưng sau khi triển khai một thời gian, theo phản ánh của phụ huynh học sinh, có vòi hỏng, có vòi không chảy nước.
Một phụ huynh khác có con học ở đây cho biết, con chị nhiều lúc phải “nhịn” đi vệ sinh vì vừa bước vào mùi khai xộc lên. Có lúc nhà cầu bị tắc khiến học sinh phải bỏ chạy. Bồn nước rửa tay đôi lúc không có nước, không có xà phòng, nhà vệ xây dựng đã lâu, xuống cấp, chật chội, chen chúc mới vào rửa tay được. Đến nỗi, nhắc tới nhà vệ sinh trường học, con chị coi đó là “nỗi ám ảnh tuổi thơ”.
Với điều kiện như vậy, việc phòng bệnh tay chân miệng trong trường học là điều vô cùng khó khăn. Với học sinh mầm non và tiểu học, cả ngày ở trường, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, nhưng có con không rửa tay, chứ chưa nói là phải rửa tay thường xuyên, rửa tay bằng xà phòng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều trường học ở Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự, học sinh rửa tay thường xuyên rất khó thực hiện. “Nếu lấy lý do mua xà phòng rửa tay liên quan đến kinh phí thì nhà trường lấy từ khoản thu quỹ trường của phụ huynh học sinh đầu năm đóng góp mà mua.
Trong khoản thu đầu năm học vừa qua, nhiều trường ở Hà Nội thu quỹ trường trung bình 300.000đ/học sinh/năm học, có trường thu tới 500.000đ. Vậy tiền này chi vào việc gì, chi cho các con hay chi vào đâu. Lấy quỹ trường mà phụ huynh đóng góp để mua xà phòng cho các con rửa tay. Đây là biện pháp phòng chống dịch” –anh Cao Xuân Phong, quận Tây Hồ, Hà Nội đề nghị.
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, thường có khả năng tự khỏi và ít gây biến chứng. Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng do virus Enterovirus 71 (EV71) được coi là nguy hiểm bởi kèm theo nhiều biến chứng khác. Biến chứng nguy hiểm nhất của EV71 đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của trẻ là viêm não, màng não. Hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng bệnh.
Vì vậy, theo khuyến cáo ngành y tế, cả cha mẹ và trẻ em phải hình thành thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước đang chảy nhiều lần trong ngày; trước khi bế trẻ, chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, thay bỉm; vệ sinh miệng, họng cho trẻ sạch sẽ; vệ sinh đồ chơi, vật dụng cầm nắm của trẻ thường xuyên. Các trường học tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở học sinh rửa tay bằng xà phòng để ngăn ngừa bệnh hiệu quả.
Ngoài ra, tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc với người bị tay chân miệng hoặc những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Với trẻ đang bị mắc tay chân miệng cần cách ly trẻ ở nhà 10 ngày, không nên đưa trẻ đến lớp hay nơi tụ tập đông người để phòng lây nhiễm sang các trẻ khác.