Bệnh tay chân miệng ở ĐBSCL tăng nhanh, tập trung ở trẻ dưới 2 tuổi

Thứ Hai, 15/10/2018, 16:05
Khác với mọi năm, bệnh thường tập trung chủ yếu ở trẻ từ 3-5 tuổi, thì năm nay bệnh tay chân miệng (TCM) xuất hiện nhiều ở trẻ từ 1- 2 tuổi, chiếm 95,4% số ca mắc bệnh. 

Ngày 15-10, Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, từ đầu tháng 8 đến nay, bệnh tay chân miệng (TCM) trên địa bàn thành phố bùng phát mạnh và số trẻ từ 1-2 tuổi mắc bệnh được ghi nhận tăng nhanh chưa từng có. 

Một bệnh nhi mắc TCM đang điều trị tại BVNĐ TP Cần Thơ. 

Tính đến nay, Cần Thơ ghi nhận trên 650 ca mắc TCM. Có 3/9 quận, huyện là Bình Thuỷ, Cái Răng và huyện Vĩnh Thạnh có số ca mắc TCM tăng mạnh nhất. Khác với mọi năm, bệnh thường tập trung chủ yếu ở trẻ từ 3-5 tuổi, thì năm nay bệnh TCM xuất hiện nhiều ở trẻ từ 1- 2 tuổi (chiếm đến 95,4% số ca mắc bệnh).

Cụ thể, trẻ 1 tuổi trên địa bàn Cần Thơ mắc bệnh là 495 ca; trẻ 2 tuổi mắc bệnh là 117 ca; có 14 ca mắc bệnh nặng ở độ 2B và độ 3, tăng 8 ca so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, Cần Thơ chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do bệnh TCM gây ra…  

Do lượng bệnh nhi nhập viện nhiều nên có đến 2, 3 bệnh nhi phải nằm 1 giường.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng (BVNĐ) TP Cần Thơ, cứ 5 bệnh nhi nhập viện thì có 1 ca nghi mắc TCM. Mỗi ngày, Khoa Nhiễm của BV tiếp nhận từ 50-60 trường hợp mắc bệnh TCM tại TP Cần Thơ và một số tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Chỉ tính từ đầu tháng 10, số ca mắc bệnh TCM nhập viện là trên 1.300 ca, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. 

Mỗi ngày, BV tiếp nhận hơn 200 ca mắc bệnh TCM, lúc cao điểm lên đến 300 ca. Đa số bệnh nhi mắc bệnh nghiêm trọng thường dưới 2 tuổi. Hiện BVNĐ Cần Thơ có 500 giường đáp ứng cho 500 bệnh nội trú, riêng Khoa Nhiễm có 60 giường mà số bệnh nhi quá đông nên quá tải. 

Bệnh viện phải điều động thêm giường tại các khoa có ít bệnh nhi, rồi kê thêm ngoài hành lang. Thậm chí dời bệnh nhi sang nằm tạm tại khoa khác nhưng vẫn không đáp ứng đủ vì số ca nhập viện ngày một tăng cao. Lúc đỉnh điểm, mỗi giường phải chen chúc đến 5 bệnh nhi. 

Thậm chí phải nằm ở ngoài hành lang. 

Không chỉ có người bệnh, người nuôi mệt mỏi mà cả đội ngũ nhân viên y tế cũng làm việc vượt công suất để kịp thời điều trị cho bệnh nhân. Đa số ca TCM xét nghiệm năm nay mắc chủng virus EV71. Có nhiều trường hợp chuyển độ nhanh và đột ngột; chỉ trong 1 giờ có thể chuyển từ độ 1 sang độ 4.

Để phòng chống bệnh TCM, thời gian qua ngành Y tế các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền công tác phòng chống bệnh, như: vệ sinh sạch sẽ sàn nhà, nơi các bé học tập, sinh hoạt; rửa tay thường xuyên với xà phòng... Song song đó, các Sở Y tế đã tăng cường công tác giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời, triệt để có hiệu quả các ổ dịch, các điểm nóng, các nơi có bệnh nhân mắc tay chân miệng, kiên quyết không để bệnh lây lan và bùng phát thành dịch...

Đức Văn
.
.
.