Liên tiếp nhiều vụ trẻ bị tai nạn nhập viện do người lớn bất cẩn

Thứ Ba, 19/04/2016, 18:49
Trong những ngày vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã liên tiếp cấp cứu nhiều trường hợp trẻ bị tai nạn, mà trường hợp mới nhất là bé trai 1 tuổi bị kim khâu diều đâm sâu vào khớp nhập viện ngày 18-4. May mắn, các trường hợp đều được các bác sĩ cứu sống. Thông tin này do Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết vào ngày 19-4.

Tai nạn xảy đến với bé trai Nguyễn Hữu T. (Ninh Bình) khi cháu ngồi chơi bên cạnh anh trai 10 tuổi đang khâu diều. Nghe con khóc toáng lên, mẹ cháu chạy ra và hoảng hốt khi phát hiện chiếc kim khâu dài 3cm đâm sâu vào đầu gối của cháu. Mẹ cháu vội vàng rút chiếc kim ra, nhưng một nửa chiếc kim vẫn mắc kẹt bên trong khớp gối của bé. Cháu bé lập tức được gia đình chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương và các bác sĩ đã nhanh chóng chụp phim, làm các xét nghiệm, đồng thời chỉ định phẫu thuật.

Theo Ths. Lê Tuấn Anh, Khoa Chỉnh hình Nhi, là người trực tiếp phẫu thuật cho bé T. thì đây là một trường hợp khó, do đoạn kim nằm trong khớp rất dễ bị di chuyển đến vị trí khác nên việc xác định chính xác vị trí không dễ dàng gì. 

Ảnh chụp đoạn kim khâu mắc trong khớp gối của trẻ.

Thực tế, khi các bác sĩ mở bao khớp gối của trẻ thì không thấy đoạn kim nào nhưng khi sử dụng máy X-quang tăng sáng, hỗ trợ định vị dị vật, mới phát hiện đoạn kim đã găm vào xương bánh chè của cháu. Phải mất hơn 1 giờ đồng hồ, các bác sĩ mới gắp được đoạn kim dài chừng 1,5cm ra khỏi cơ thể cháu. Hiện nay, cháu Toàn vẫn đang được các bác sĩ chuyên khoa Chỉnh hình chăm sóc và theo dõi.

Ths. Lê Tuấn Anh khuyến cáo các phụ huynh cần lưu ý, kim khâu là vật dụng rất nhọn nên có thể đi vào cơ thể qua da rất nhẹ nhàng, không gây đau đớn nhiều. Nhưng khi đã ở trong cơ thể thì kim có thể chạy đến rất nhiều cơ quan khác nhau như cơ, khớp, phổi thậm chí chạy vào tim. 

Vì vậy, người lớn cần cẩn thận trong khi sử dụng vật dụng này, tránh để rơi rớt kim ra sàn, chăn, chiếu. Trong trường hợp nhà có trẻ lớn thì phải hướng dẫn trẻ cất kim gọn gàng sau khi sử dụng tránh xảy ra tình huống đáng tiếc như trường hợp của bé Toàn.

Trước đó một ngày, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã phẫu thuật ghép nối thành công dương vật bị đứt rời cho cháu bé Nguyễn Văn L. (3 tuổi, ở Bắc Ninh), cứu bệnh nhi thoát khỏi cơn nguy kịch. Theo gia đình, cháu L. bị người chú ruột mắc bệnh chứng tâm thần phân liệt dùng dao cắt “chim”. Do vết thương chảy rất nhiều máu, cháu Lâm được đưa đến Bệnh viện Sản – Nhi Bắc Ninh rồi được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu.

TS. Phạm Duy Hiền, Trưởng khoa Ngoạ (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết,  cháu L. vào viện trong tình trạng tổn thương rất phức tạp: vết thương gây lóc toàn bộ da dương vật và bìu trái, lộ tinh hoàn trái, thân dương vật đứt bán phần bên trái, vạt da lóc thiểu dưỡng tím. 

Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành các xét nghiệm cơ bản cho cháu bé và quyết định ghép nối ngay trong đêm. Các bác sĩ đã tiến hành các kỹ thuật khâu phục hồi vật hang, vật xốp, nối động mạch, tĩnh mạch và thần kinh dương vật dưới kính hiển vi điện tử, sau đó xử trí vạt da lóc, khâu nối tĩnh mạch, tạo hình gốc dương vật bằng vạt da tại chỗ. Sau 5 tiếng liên tục bên bàn mổ, các bác sĩ đã ghép nối thành công.

Yếu tố quyết định để ca ghép thành công là Bệnh viện có đầy đủ các ê-kíp chuyên khoa sâu như ngoại, ngoại tiết niệu, gây mê hồi sức, vi phẫu tạo hình… với các bác sĩ có trình độ tay nghề, có kinh nghiệm phối hợp nhịp nhàng, nên đã được huy động khẩn trương để cùng thực hiện phẫu thuật cho cháu bé ngay sau khi cháu được đưa đến Bệnh viện. Đến nay, “của quý” của cháu bé đã hồng hào, vết mổ khô, vạt da sống cấp máu tốt, nước tiểu trong và các bác sĩ đánh giá là tình trạng cháu đã hoàn toàn ổn định.

Phẫu thuật cho bệnh nhi.

Các thầy thuốc khuyến cáo người dân cần đặc biệt chú ý nếu trong nhà có người bị tâm thần phân liệt - một chứng bệnh kinh niên, gây rối loạn chức năng não bộ nghiêm trọng khiến người bệnh bị ảo giác hoặc rối loạn suy nghĩ và có cách hành xử rất bạo lực. Do đó không để cho trẻ chơi cùng với người bệnh, tránh các hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong khoảng 1 tháng gần đây, Bệnh viện liên tục tiếp nhận các trường hợp tai nạn trong sinh hoạt ở trẻ em, đều từ 6 tháng đến 3 tuổi. Hầu hết các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra đều do sự bất cẩn của người lớn khi trông nom, chăm sóc các cháu nhỏ, như trường hợp bé 2 tuổi ở Hà Nội ngộ độc do uống nhầm thuốc nhỏ mũi, bé gái 6 tháng tuổi ở Hoài Đức gãy xương hàm mặt do sự cố xe tập đi, hay cháu bé 3 tuổi ở Vĩnh Phúc bị viêm màng não mủ do chọc đũa ăn vào mũi và mới nhất là trường hợp bé trai 1 tuổi bị kim khâu diều đâm sâu vào khớp. Vì thế, các gia đình cần đặc biệt lưu ý khi trông nom trẻ, không để tai nạn đáng tiếc xảy ra có thể gây dị tật suốt đời thậm chí tử vong cho trẻ.

Thanh Hằng
.
.
.