Liên thông kết quả xét nghiệm - bước đột phá trong y tế:

Bài 2: Labo xét nghiệm các bệnh viện phải cùng đạt chuẩn

Thứ Bảy, 25/02/2017, 18:50
Liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện (BV) là một chính sách lớn để bảo vệ quyền lợi của người bệnh, vì thế, các BV đều đồng ý với chủ trương này. Tuy nhiên, làm thế nào để thực hiện việc liên thông kết quả xét nghiệm một cách hiệu quả và bền vững, mới là gốc của vấn đề. Hy vọng, ý kiến của 2 vị lãnh đạo ở 2 BV lớn nhất cả nước dưới đây có thể giúp các nhà quản lý tham khảo để đưa ra những biện pháp phù hợp.

GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức:

Quan trọng là phải nâng chuẩn của các bệnh viện

Tôi hoàn toàn ủng hộ việc liên thông kết quả xét nghiệm để tạo thuận lợi và giảm chi phí cho người bệnh. Tuy nhiên, cần có cái nhìn tổng thể về việc không công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau hiện nay, từ đó, có biện pháp pháp phù hợp.

Thực tế, cũng có sự lạm dụng xét nghiệm ở người bệnh, như một số BV giao cho các khoa tự chủ tài chính, dẫn đến bác sĩ “vắt kiệt” người bệnh bằng bắt làm các xét nghiệm, dù đã có kết quả ở tuyến dưới, thậm chí người bệnh kết quả xét nghiệm ở khoa khác cùng trong BV. Do đó, BV Việt Đức quản lý tài chính chung, bệnh nhân chỉ đến một cửa và kết quả xét nghiệm dùng chung cho các khoa trong BV.

GS, TS Trần Bình Giang- Giám đốc Bệnh viện Việt Đức.

Tuy nhiên, việc không công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau còn có lý do khác. Đó là sự khác biệt về chất lượng xét nghiệm giữa các BV. Kết quả xét nghiệm phụ thuộc vào 3 điều kiện quan trọng: máy xét nghiệm, hóa chất và chuẩn của máy, mà các yếu tố này hiện mỗi BV một khác. Những BV làm ăn nghiêm túc thì máy móc phải đúng nguồn, xuất xứ từ hãng mới đảm bảo chất lượng, còn có nơi mua máy “bãi rác” về sử dụng; hoặc mua máy cũ tân trang lại rồi đưa qua nước thứ ba và thành máy mới; máy móc của Trung Quốc nhưng sửa lại thành máy của các nước G7. 

Việc kiểm chuẩn máy định kỳ rất quan trọng nhưng tốn kém nên các BV có làm không?  Hóa chất cũng phải của chính hãng bởi hiện có nơi dùng hóa chất của nước sản xuất bán với giá rất rẻ thì liệu có đám bảo. Một số BV có dịch vụ lấy xét nghiệm tại nhà và trả kết quả qua mạng liệu có thể tin tưởng, khi giá dịch vụ do Bộ Y tế quy định nên muốn có lợi nhuận thì phải giảm chi phí. Vậy hóa chất họ sử dụng có đảm bảo chất lượng để cho kết quả chính xác?

Do đó phải có hệ thống kiểm chuẩn quốc gia để kiểm tra tất cả các máy móc, nhằm đảm bảo chất lượng máy giữa các BV tương đương nhau. Nếu không có chuẩn thì người cuối cùng dựa trên những kết quả đó đưa ra quyết định điều trị sai, mổ sai thì ai chịu trách nhiệm, khi cuối cùng người bệnh vẫn phải chịu thiệt thòi? 

Hiện BV Việt Đức vẫn sử dụng lại kết quả xét nghiệm của BV lớn, có uy tín, nhưng chủ yếu bằng lòng tin nên rất khó. Vì vậy, đòi hỏi phải có Hội đồng gồm các chuyên gia hàng đầu kiểm tra chất lượng máy móc, trình độ nhân lực của các BV theo tiêu chuẩn ISO và Hội đồng kiểm chuẩn phải chịu trách nhiệm trước việc đánh giá các kết quả xét nghiệm.

Ngoài ra, cũng có xét nghiệm vẫn phải làm lại vì có thời hạn. Ở BV Việt Đức, bệnh nhân mổ thì sau một tháng phải xét nghiệm lại. Do đó, cần qui định thời hạn vì kết quả xét nghiệm đều có thời hạn.

Để liên thông kết quả xét nghiệm, vấn đề quan trọng là phải nâng chuẩn xét nghiệm của các BV lên, tránh dẫn đến điều trị sai cho bệnh nhân.

GS.TS. Phạm Minh Thông, Phó Giám đốc BV Bạch Mai:

Kiểm chuẩn quốc gia là cơ sở để liên thông

 Điều kiện liên thông kết quả xét nghiệm là các BV phải có các labo đạt chuẩn, được khẳng định qua các lần nội kiểm và ngoại kiểm. Tốt nhất là đạt chuẩn quốc tế ISO 15189, nếu chưa thì tối thiểu phải đạt chuẩn quốc gia, vì hiện tuyến tỉnh chưa đạt ISO 15189. Trong đó, việc nội kiểm liên tục là rất quan trọng, làm cơ sở để các BV tương đương nhau về kết quả.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, không phải khi bác sĩ cho làm lại xét nghiệm là đều là lạm dụng. Nhiều xét nghiệm cần làm lại để đảm bảo tính chính xác, nhất là các bác sĩ ở BV tuyến sau phải đưa ra các quyết định điều trị và chịu trách nhiệm về sức khỏe của bệnh nhân. Vì cùng một người làm, cùng một loại máy, nhưng ở 2 nơi sẽ cho kết quả không giống nhau hoàn toàn. Hơn nữa, bệnh nhân chuyển từ tỉnh về Hà Nội, sau vài tiếng, các chỉ số và tình trạng bệnh có thể thay đổi nên kết quả xét nghiệm sẽ không còn giá trị.

GS.TS. Phạm Minh Thông- Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

Với người kiểm tra sức khỏe thì không cần, nhưng với bệnh nhân nặng thì phải làm xét nghiệm hàng ngày, thậm chí, vài lần/ngày để theo dõi diễn biến bệnh. Có một số xét nghiệm về sinh hoá, công thức máu có thể sử dụng lại, nhưng không phải tất cả các bệnh đều như nhau nên có bệnh nhân phải làm lại, có người không. 

Tuy nhiên cần hiểu rằng, khi đã liên thông kết quả xét nghiệm rồi cũng không phải toàn bộ kết quả cùa tuyến dưới chuyển lên là không cần làm lại, mà phải căn cứ vào bệnh trạng để chỉ định làm xét nghiệm lại hay không. Chỉ nên coi có việc lạm dụng là khi tuyến trên cho làm lại toàn bộ các xét nghiệm của tuyến dưới.

BV Bạch Mai đã quán triệt việc sử dụng tối đa các kết quả xét nghiệm của tuyến dưới, hơn nữa, labo của các BV vệ tinh đều có chất lượng, nên ít phải làm lại. Còn kết quả của các BV có đóng dấu ISO 15189 như BV Medlatec, BV Vinmec, BV Việt Đức …đều được sử dụng lại.

Để liên thông kết quả đòi hỏi phải kiểm chuẩn quốc gia. Chúng ta đã có các labo tham chiếu kiểm chuẩn là BV Bạch Mai, BV Đại học y Hà Nội, BV Trung ương Huế … Phần lớn các tỉnh cũng đạt chuẩn quốc gia, do được giao lưu học hỏi từ các BV tuyến trên và các hãng cung cấp thiết bị vv… 

Cũng phải tăng cường chuyên môn cho các tuyến để đạt chuẩn. Việc này không khó khăn vì từ mấy năm trước, Bộ Y tế đã có kế hoạch thực hiện để liên thông kết quả xét nghiệm và liên thông kết luận. Điều này làm lợi cho cả bệnh nhân và bác sĩ khi dựa vào kết quả xét nghiệm có thể biết được tình trạng bệnh tật của bệnh nhân ở tuyến dưới.

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.