Liên thông kết quả xét nghiệm - bước đột phá trong y tế:

Bài 1: Bệnh viện không công nhận kết quả lẫn nhau vì lợi ích riêng

Thứ Bảy, 25/02/2017, 17:46
Dư luận từng kêu trời vì việc các bệnh viện (BV) không chịu công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, khiến người dân vừa tốn kém không cần thiết, vừa vất vả, lại mất thời gian chờ đợi, rất phiền hà mỗi khi phải chuyển từ BV này sang BV khác. Vì thế, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc phải thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc các BV trực thuộc Bộ Y tế trước ngày 1-7-2017 thực sự là một tin vui với người bệnh.

Lâu nay, các kết quả xét nghiệm của các BV tuyến tỉnh về BV tuyến Trung ương hầu như không được chấp nhận. Các BV cùng tuyến trên địa bàn Hà Nội cũng vậy. Ngay cả các BV tuyến Trung ương cũng không phải đều chấp nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau. Dù rằng, theo GS.TS. Nguyễn Văn Thông, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, nhiều BV tuyến Trung ương đã đạt chuẩn quốc tế với ISO 15189… và 23 BV vệ tinh của BV Bạch Mai ở các tỉnh đều có các labo xét nghiệm đạt chuẩn quốc gia. Các BV tư, phòng khám tư thì hầu như càng không chấp nhận kết quả xét nghiệm của bất cứ BV nào.

Chị Đỗ Thị Kim Oanh (phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên) đưa cháu về Hà Nội chữa bệnh. Mặc dù khi bị tai nạn, cháu đã được BV đa khoa Trung ương Thái Nguyên cấp cứu, chụp chiếu và làm các xét nghiệm nhưng khi về một BV tuyến Trung ương ở Hà Nội, bác sĩ vẫn yêu cầu làm lại tất cả từ đầu.

Vì thế, người nhà lại tất bật đưa bệnh nhân đi xét nghiệm. Vì lần đầu đi BV ở Hà Nội, nên việc tìm chỗ xét nghiệm, rồi xếp thứ tự chờ đến lượt xét nghiệm, sau đó lại chờ lấy kết quả, mãi đến chiều mới xong. Có được kết quả xét nghiệm rồi cũng là lúc bác sĩ nghỉ, lại phải đợi đến ngày hôm sau. Mà ở tỉnh về, thệm một ngày đêm ăn chực nằm chờ là cả một vấn đề khi còn bao nhiêu việc ở nhà bị lỡ, con nhỏ không ai trông nom vv…

Khi kết quả xét nghiệm liên thông, người bệnh phải làm xét nghiệm ít hơn

Ông Nguyễn Văn Tám (Nghĩa Hưng, Nam Định) cho biết, mới đây ông bị đau đầu, chóng mặt, mất ngủ và mệt mỏi nên đến BV tỉnh khám. Các bác sĩ đã khám, cho làm các xét nghiệm và kết luận ông bị huyết áp cao. Nhưng con trai ông muốn yên tâm nên đưa ông lên BV tuyến trên ở Hà Nội khám bệnh. Sau khi nghe ông kể bệnh và đưa các kết quả xét nghiệm trước đó ra, bác sĩ vẫn bảo ông phải làm lại các xét nghiệm. Kết quả chẩn đoán cuối cùng vẫn là bị huyết áp cao, mất ngủ do tuổi tác. “Thôi thì bác sĩ cứ bảo sao thì nghe vậy chứ biết thế nào. Họ bảo làm mấy xét nghiệm cũng phải làm chứ đố ai dám cãi?” – Ông Tám kể lại.

Không phải chỉ có các BV ở tỉnh không được BV tuyến trên thừa nhận kết quả xét nghiệm, mà nhiều BV ngay trên địa bàn Hà Nội cũng không thừa nhận kết quả xét nghiệm của nhau. Chị Nguyễn Thị Thoa (phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội ) cho biết, chị từng đi khám bệnh tại BV Việt Nam - Cu Ba và được chỉ định làm các xét nghiệm. 

Sau đó, do tình trạng bệnh, chị phải chuyển sang BV Phụ sản Hà Nội và ở đây, các kết quả xét nghiệm của BV Việt Nam - Cu Ba không được chấp nhận nên chị phải làm lại toàn bộ. Mỗi lần xét nghiệm là một lần lấy máu, bệnh phẩm, rất mất thời gian chờ đợi, rồi còn phải chi phí thêm một lần nữa cho chính các xét nghiệm vừa mới làm. 

Khi đi khám bệnh tại một BV của TP Hà Nội, bà Nguyễn Thị Dạ (Hà Nội) đã được chỉ định phải làm các xét nghiệm máu, nước tiểu. Sau đó, khi bà chuyển sang bệnh viện tư là các kết quả xét nghiệm cũ bị coi như vô giá trị. Bà bảo, tiền của bỏ ra cũng xót, nhưng quan trọng hơn là việc phải làm lại các xét nghiệm khiến bệnh nhân và gia đình đi cùng phục vụ rất mệt mỏi, phiền phức. Với các gia đình thu nhập không cao, thì khoản tiền phải chi trả cho mỗi lần xét nghiệm cũng không hề nhỏ.

Việc các BV không công nhận kết quả của nhau được lý giải với nhiều lý do. Có chỗ, bác sĩ cho biết, qui định của BV là thế. Cứ vào viện là phải xét nghiệm, không cần biết đã làm xét nghiệm ở đâu. Có chỗ, bác sĩ lại giải thích là phải làm xét nghiệm lại vì sợ tình trạng bệnh nhân thay đổi. Thậm chí, kết quả xét nghiệm nhóm máu của BV mà bệnh nhân điều trị trước đó cũng không được chấp nhận. Thế nhưng, dù có làm lại với các lý do khác nhau, thì kết quả xét nghiệm của các BV này hầu như không khác nhau

Có hay không việc không công nhận kết quả xét nghiệm giữa các BV là lạm dụng xét nghiệm, để “moi tiền” bệnh nhân? Câu trả lời là có. Thực tế cho thấy, khi các BV được giao quyền tự chủ, hầu hết các BV đều muốn bệnh nhân gia tăng các dịch vụ, trong đó, có xét nghiệm, để tăng nguồn thu. Và thiệt thòi vẫn thuộc về người bệnh.

Bệnh nhân kêu ca, phàn nàn đã đành mà chính kết quả thanh, kiểm tra của BHXH Việt Nam cũng cho thấy, trong số hàng ngàn tỷ đồng bội chi quỹ BHYT năm 2016, có một tỉ lệ không nhỏ là việc gia tăng sử dụng dịch vụ xét nghiệm. Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, nhiều xét nghiệm không cần thiết cũng được chỉ định và đáng lưu ý là đều từ nguồn máy móc xã hội hóa hay của đơn vị trúng thầu hóa chất cho mượn. 

Thống kê của BHXH Việt Nam cũng chỉ ra, trong toàn bộ chi khám chữa bệnh thì chi phí dành cho chụp chiếu, xét nghiệm chẩn đoán chiếm khoảng 20%. Mỗi năm, các BV làm tới 400-450 triệu xét nghiệm – một con số không hề nhỏ.

Vì thế, việc thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả người bệnh lẫn quỹ BHYT. Trước hết là người bệnh sẽ không mất thời gian, tiền bạc để làm xét nghiệm  một cách lãng phí. BHYT sẽ không phải chi trả cho các xét nghiệm trùng lặp, không cần thiết. Do đó, theo ông Phạm Lương Sơn, việc liên thông sẽ giảm ít nhất giảm 5-10% chi phí cho các xét nghiệm. Bên cạnh đó, việc liên thông đòi hỏi các BV phải nâng cao chất lượng đạt chuẩn để không bị BV khác từ chối kết quả xét nghiệm.  

Thanh Hằng
.
.
.