Lần đầu tiên triển khai mổ bệnh lý “xốp xơ tai” tại Bệnh viện 30/4

Thứ Sáu, 18/09/2020, 16:41
Ngày 18/9, các bác sĩ Bệnh viện 30/4 vừa phẫu thuật thành công một trường hợp bị “xốp xơ tai” bằng kỹ thuật chỉnh hình xương con với sự giúp đỡ của các chuyên gia đến từ Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Đây là bệnh hiếm gặp, thường xuất hiện ở nữ giới và lần đầu tiên được triển khai tại Bệnh viện 30/4.


Đó là trường hợp một bệnh nhân nữ, sinh năm 1982, nhập viện trong tình trạng thính lực kém được chẩn đoán bị xốp xơ tai hai bên, trong thời gian khá dài. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị tổn thương tai trong. Các bác sĩ đã quyết định sử dụng phương pháp chỉnh hình xương tai con để tái tạo lại thính lực cho bệnh nhân dưới sự giúp đỡ của chuyên gia Tai - mũi - họng Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh. 
Ca phẫu thuật kéo dài hơn 1 giờ đã giúp bệnh nhân hồi phục hơn 50% thính lực. Trong ca mổ đầu tiên này, Bệnh viện 30/4 đã mời bác sĩ Lý Xuân Quang- Trưởng khoa Tai mũi họng Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh sang mổ. 
Ekip các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện 30/4 cùng tham gia trong ca mổ cho bệnh nhân vào sáng 18/9

Cùng mổ với các Chuyên gia Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh là bác sĩ Lê Xuân Quang –Trưởng khoa Tai - mũi - họng của Bệnh viện 30/4. Bác sĩ Quang cho biết: Bệnh xốp xơ tai là bệnh rối loạn chuyển hóa xương do gen chi phối. Tuy nhiên, rối loạn này chỉ xảy ra ở xương con thính giác và mê đạo xương (tai trong). Bệnh đặc trưng bởi sự phá hủy và lắng đọng bất thường của cấu trúc xương, dẫn đến nghe kém ở người bệnh. Nguyên nhân chính xác gây bệnh vẫn còn chưa được biết rõ. Yếu tố di truyền có thể được xem là căn nguyên của bệnh. Nghiên cứu cũng cho thấy, có đến 2/3 bệnh nhân có bệnh xốp xơ tai có tiền sử gia đình nghe kém. Ngoài ra, nhiễm trùng cũng có thể liên quan đến bệnh lý này”.

Cũng theo bác sĩ Lê Xuân Quang, bệnh xuất hiện từ từ và có xu hướng tăng dần. Trong đó, nghe kém và ù tai là 2 triệu chứng chính của bệnh. Tuy nhiên, tiến triển của bệnh lại thay đổi theo từng cá nhân. Có bệnh nhân chỉ nghe kém đến một mức độ nhất định rồi giữ nguyên, bệnh không nặng thêm. Nhưng lại có người nghe kém tăng nhanh. Việc nghe kém nặng, kéo dài ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập, khả năng giao tiếp và hòa nhập xã hội của người bệnh. Trong đó, ù tai là chứng thấy thường nhất. Triệu chứng này rất khó chịu cho người bệnh. Ù tai cũng có thể mất đi sau khi được phẫu thuật.

Các bác sĩ cho biết, đây là kỹ thuật mổ khó đòi hỏi các bác sĩ phải được đào tạo và có kinh nghiệm chuyên sâu về tai. Kỹ thuật này lần đầu tiên được triển khai tại bệnh viện 30/4, cho thấy sự tiến bộ và làm chủ các kỹ thuật mới của các bác sĩ Bệnh viện 30/4.

H.Nga
.
.
.