Lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được vaccine cúm
Trong bối cảnh mỗi năm cả nước có gần 2 triệu người mắc cúm thì thông tin Viện vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) ở Nha Trang vừa báo cáo Bộ Y tế về việc đã chế tạo và sản xuất thành công vaccine cúm ở quy mô công nghiệp là một tin rất mừng trong công tác dự phòng. Đây là lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được vaccine cúm.
- Sử dụng vaccine cúm gia cầm đúng cách để phòng chống dịch
- “Khan” vaccine cúm gia cầm khi dịch bệnh bùng phát
- WHO: Quá tải đơn đặt hàng vaccine cúm A/H1N1
- Sản xuất thêm 5.000 liều vaccine cúm A (H5N1)
Vaccine cúm do IVAC sản xuất có tên gọi IVACFLU-S, có thể ngừa được 3 chủng virus cúm thông thường gồm: chủng A/H1N1/09; A/H3N2 và cúm B. Quy trình sản xuất chủng vaccine được thực hiện bằng cách cấy chuyền nhiều đời trên trứng gà có phôi với chủng virus cúm phù hợp với khuyến cáo của WHO hàng năm.
Kết quả kiểm định chất lượng và nghiên cứu tiền lâm sàng trên các mô hình động vật thí nghiệm cũng cho thấy vaccine cúm IVACFLU-S đạt tiêu chuẩn chất lượng cũng như đáp ứng yêu cầu về an toàn, dung nạp tốt theo đường tiêm bắp, tạo được đáp ứng miễn dịch tốt trên động vật thí nghiệm phù hợp với khuyến cáo của WHO và quy định của Việt Nam.
Nếu vaccine cúm của IVAC được Bộ Y tế nghiệm thu và cấp phép, từ 2019 Việt Nam sẽ không phải nhập khẩu vaccine cúm như hiện nay, mà hoàn toàn chủ động được nguồn vaccine, đồng thời còn đủ khả năng cung cấp vaccine cho các nước trong khu vực khi có đại dịch cúm. Do sản xuất trong nước nên giá vaccine cúm sẽ rẻ chỉ bằng 1/3 so với giá vaccine nhập khẩu, tức là 80-120.000 đồng/liều. Điều này sẽ giúp tạo được thói quen dùng vaccine cúm mùa, phủ rộng được số người sử dụng vaccine sẽ góp phần ngăn chặn dịch cúm hiệu quả.
Hệ thống thiết bị tinh chế vaccine cúm tại IVAC |
Theo PGS.TS. Lê Văn Bé, Viện trưởng IVAC, dây chuyền này có thể sản xuất và cung ứng trên quy mô lớn với công suất 3-5 triệu liều, sẵn sàng ứng phó khi có các biến virus cúm mới gây dịch hoặc đại dịch xuất hiện.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, PGS.TS. Lê Văn Bé cho biết việc tiến hành nghiên cứu và chế tạo vaccine cúm mùa được IVAC bắt đầu từ năm 2007 với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức quốc tế khác.
Trước đó vào năm 2005, khi dịch cúm A/H5N1 bùng phát trên gia cầm và đã xảy ra một số trường hợp mắc cúm ở người gây tử vong, năm 2007, WHO đã xây dựng chương trình hành động toàn cầu (GAP) ứng phó với nguy cơ đại dịch cúm, vận động các nước chủ động xây dựng các nhà máy để sản xuất vaccine tại chỗ. Bởi các nhà máy sản xuất vaccine chủ yếu ở châu Âu mà nếu xảy ra đại dịch cúm, họ sẽ chỉ đủ khả năng cung cấp cho người dân châu Âu. IVAC là một trong 4 nhà sản xuất vaccine tại Việt Nam khi đó đang nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước trên công nghệ này nên đã kêu gọi WHO hỗ trợ.
Kết quả nghiên cứu vaccine cúm A/H5N1 và A/H1N1/009 mà IVAC tiến hành trước đó là tiền đề quan trọng để được hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ WHO, nguồn tài trợ của BARDA, về chuyển giao công nghệ và đầu tư nhà máy sản xuất vaccine phòng đại dịch cúm. Với nguồn lực 25 triệu USD, WHO và các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ IVAC từ thiết kế đến xây dựng nhà máy, chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ, thử nghiệm lâm sàng cũng như thuê các tổ chức quốc tế giám sát.
Các nhà khoa học của IVAC đã hợp tác nghiên cứu với WHO và các nhà khoa học Mỹ để nghiên cứu và chế tạo cúm mùa, đồng thời, đã thử nghiệm lâm sàng ở 3 giai đoạn trên hơn 880 người. Kết quả cho thấy chất lượng vaccine đảm bảo tiêu chuẩn của WHO.
Nuôi cấy virus trên trứng gà có phôi |
Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), việc nghiên cứu và sản xuất thành công vaccine cúm mùa rất có ý nghĩa vì Việt Nam là nước có số người mắc cúm mỗi năm rất cao, từ 1,5 đến 1,8 triệu người và số người chủ động dùng vaccine cúm mùa còn thấp. Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng dễ biến chứng. Trên thế giới mỗi năm có khoảng 3-5 triệu trường hợp bị cúm mùa biến chứng nặng. Những người dễ bị biến chứng nặng và nguy hiểm là trẻ nhỏ và những người bị bệnh mạn tính về tim mạch, hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, phụ nữ có thai. Đặc biệt trên thế giới, theo WHO mỗi năm có khoảng 5%-10% người lớn và 20-30% trẻ em mắc cúm với số người tử vong do virus cúm mùa khá cao, tới 250.000-500.000 người, chủ yếu ở châu Âu.
PGS.TS. Lê Văn Bé cho hay, cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Vì thế, tiêm phòng vaccine là một biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh cúm.
Vaccine cúm do VN lần đầu tiên sản xuất |
Từ sản xuất thành công vaccine cúm, PGS.TS. Lê Văn Bé còn cho biết thời gian tới, IVAC sẽ tiếp tục phát triển sản xuất các dạng vaccine cúm theo công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi; ứng dụng quy trình “lõi“ nghiên cứu sản xuất vaccine cúm mùa đa giá trị dạng mảnh trên các chủng chuẩn thức theo khuyến cáo của WHO; dự trữ vaccine cô đặc và nghiên cứu các dạng vắc xin mới, nghiên cứu tá chất. Riêng trong năm 2018 sẽ đăng ký lưu hành 2 loại vaccine cúm.
Hy vọng, với việc chủ động được nguồn vaccine lại với giá rẻ, tới đây, vaccine cúm mùa có thể được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng, thay vì người dân phải tiêm phòng trả phí dịch vụ như hiện nay.