Không tiêm phòng đúng lịch, bé trai 10 tuổi bị viêm não Nhật Bản phải thở máy
Bé trai 10 tuổi ở Nam Sách, Hải Dương đã tiêm 3 mũi vaccine viêm não Nhật Bản, nhưng mũi thứ 3 lẽ ra phải cách mũi thứ 2 là 1 năm thì cháu bé lại được tiêm cách 2 năm. Từ đó đến nay cháu không tiêm nhắc lại. Hơn 10 ngày trước, cháu bị sốt cao, đau đầu, buồn nôn, co giật, yếu tay chân và được chẩn đoán bị viêm não Nhật Bản, bệnh tình diễn biến nặng, phải thở máy.
- Xuất hiện bệnh nhi biến chứng viêm não sau mắc cúm
- 80 giờ lọc máu liên tục cứu sống một tân binh bị viêm não mô cầu
- Nhiều ca viêm não Nhật Bản phải thở máy
- Tiêm bổ sung vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 6 – 15 tuổi
Liệt nửa người do không tiêm nhắc lại
Trưa 28-5, tại phòng bệnh của Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, bé trai 10 tuổi V.T.K (Nam Sách, Hải Dương) đã tỉnh táo sau 10 ngày nhập viện. Tuy nhiên, bé vẫn chưa nhận thức và nhớ được nhiều thứ xung quanh. Chân và tay trái của bé vẫn còn yếu, đó là di chứng của bệnh viêm não Nhật Bản mà bé đang mắc phải.
Chị N.T.H (30 tuổi, mẹ bé K) dịu dàng con hỏi “có nhận ra mẹ không?”. Bé K chỉ ngước mắt nhìn mẹ nhưng không trả lời. Viêm não Nhật Bản đã khiến một cậu bé nhanh nhẹn, khỏe mạnh rơi vào hôn mê, phải thở máy, sau khi hồi phục thì di chứng để lại là liệt nửa người trái.
Theo lời kể của chị H, từ nhỏ cháu K rất ít đau ốm. Cách đây hơn 10 ngày cháu bị sốt, đau đầu, họng đỏ, nghĩ con bị viêm họng chị mua thuốc về cho con uống. Nhưng ngày thứ 2 cháu sốt cao hơn và buồn nôn. Sang ngày thứ 3 cháu sốt 40 độ, co giật, nôn, uống thuốc giảm sốt không đỡ, yếu nửa người bên trái, chị cho con tới Bệnh viện Nhi Hải Dương khám và được chẩn đoán viêm não Nhật Bản. Một ngày sau, cháu được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương.
Ths.BS Đào Hữu Nam, Trưởng Khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới trẻ em cho biết: Bé K vào nhập viện trong tình trạng phù não rất nặng do có tổn thương ở vùng não phải. Khi chuyển tới cấp cứu tại BV Nhi Trung ương, bé trong tình trạng phải thở ôxi, li bì và hôn mê.
Ths.BS Đào Hữu Nam đang thăm khám cho bệnh nhi V.T.K |
Trung tâm đã điều trị thuốc kháng virus và chống phù não, hạ sốt, dinh dưỡng cho cháu. Hai ngày đầu vào nhập viện, tiến triển bệnh của cháu bé nặng hơn, phải đặt ống nội khí quản, thở máy và điều trị tăng áp lực sọ liên tục.
Hai ngày sau, cháu đã đỡ hơn và được rút ống nội khí quản sau 3 ngày điều trị. “Hôm nay là ngày thứ 10 điều trị, sức khỏe của bệnh nhi đã tốt hơn, cháu đã hết sốt, tỉnh táo, tuy nhiên biến chứng là yếu tay, chân bên trái, không đi lại được. Ngày mai chúng tôi sẽ cho cháu xuất viện và chuyển cháu sang Viện Châm cứu Trung ương để cháu tiếp tục điều trị phục hồi chức năng”, BS Đào Hữu Nam cho biết.
Theo BS Nam, những ngày đầu mới vào sức khỏe cháu diễn biến rất nặng, nhưng sau đó tiến triển rất tốt, nếu gia đình kiên trì điều trị phục hồi chức năng theo đúng phác đồ, khả năng 6 tháng sau cháu sẽ dần phục hồi sức khỏe.
BS Nam cho hay, với những trường hợp viêm não Nhật Bản biến chứng nguy kịch như cháu K, nếu không điều trị kịp thời tăng áp lực sọ não thì nguy cơ tử vong là rất lớn. Trường hợp bệnh nhi K đã tiêm 3 mũi vaccine viêm não Nhật Bản, nhưng mũi thứ 3 lẽ ra phải cách mũi thứ 2 là 1 năm thì cháu bé lại được tiêm cách 2 năm. Từ đó đến nay cháu không tiêm nhắc lại.
Báo động viêm não do vi khuẩn
TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới Trẻ em cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, BV Nhi Trung ương tiếp nhận gần 100 ca mắc viêm não. Trong đó, nhiều nhất là viêm màng não do vi khuẩn.
Nằm cùng phòng với bé K có 3 ca bệnh mắc viêm màng não do vi khuẩn, các bé dưới 1 tuổi, đều là những ca nặng, đang điều trị bằng thuốc kháng sinh. Theo Ths.BS Đào Hữu Nam, ca bệnh nhỏ tuổi nhất đang điều trị là bé gái 2,5 tháng tuổi, mắc viêm màng não do vi khuẩn. Nguyên nhân do trẻ nhiễm trùng trong quá trình sinh nở, vi khuẩn đi vào đường máu và dần di chuyển vào não, tới nay mới phát bệnh. Viêm màng não do vi khuẩn có kháng sinh điều trị, nếu phát hiện sớm, điều trị đúng thuốc sẽ khỏi bệnh hoàn toàn. Nhưng nếu phát hiện muộn, bệnh nặng dễ dẫn đến biến chứng gây dây dính não, não tụ dịch và ảnh hưởng thần kinh khu trú, nặng hơn sẽ liệt và yếu. “Nếu trẻ nhiễm trùng nặng còn gây sốc nhiễm khuẩn và tử vong”, BS Nam cho hay.
Theo Trưởng Khoa Điều trị tích cực ca bệnh nặng nhất từ đầu năm đến nay là bệnh nhi 5 tháng tuổi ở một tỉnh phía Bắc, vào nhập viện cách đây 1 tháng. Bệnh nhi bị cả viêm não và viêm màng não do vi khuẩn E.coli. Bệnh nhi bị hoại tử não, hôn mê sâu, tiên lượng tử vong và cách đây 3 tuần gia đình đã xin đưa bệnh nhi về.
Viêm não và viêm màng não do E.coli là căn bệnh có nguy cơ tử vong cao, để phòng tránh, theo BS Nam trong lúc mẹ sinh con phải đảm bảo công tác vệ sinh sạch sẽ. Khi chăm sóc trẻ sơ sinh, cha mẹ cho con ăn, uống phải rửa tay sạch, dụng cụ như bát, thìa, cốc…cũng phải sạch, nếu không dễ bị nhiễm khuẩn đường ruột và vi khuẩn đi vào máu gây viêm màng não.
Phòng tránh bằng cách nào
TS.BS Nguyễn Văn Lâm cho biết, mùa hè là cao điểm của bệnh viêm não Nhật Bản, mọi năm tháng 5-7 là mùa dịch, nhưng năm nay do dịch COVID-19 nên bệnh nhân chủ yếu điều trị ở tuyến dưới, ca nặng mới chuyển lên tuyến trên. Những năm trước, trung bình BV Nhi Trung ương tiếp nhận từ 300-500 ca viêm não/năm, trong đó 1/5 là viêm não Nhật Bản. Tuy nhiên, gần đây cha mẹ đã có ý thức tiêm phòng viêm não Nhật Bản cho con tốt hơn, nên số ca mắc đã giảm, khoảng 250-300 ca viêm não nói chung/năm.
Tại Việt Nam, viêm não Nhật Bản đứng hàng đầu, bệnh lây qua mỗi đốt, chủ yếu mắc là trẻ từ 2-8 tuổi, tuy nhiên vài năm gần đây lại rơi vào người lớn tuổi (ca bệnh nhiều tuổi nhất mà BV điều trị là 15 tuổi).
Cha mẹ phải cho con tiêm đúng lịch 3 mũi vaccine viêm não Nhật Bản, tiêm nhắc lại sau 3-5 năm |
Nguyên nhân là do người bệnh tiêm phòng vaccine chưa đầy đủ và không tiêm nhắc lại. “Viêm não Nhật Bản, viêm màng não do mô cầu đã có vaccine, để phòng tránh, cha mẹ phải cho con tiêm đầy đủ. Trẻ sau khi tiêm đủ 3 mũi viêm não Nhật Bản thì sau 3- 5 năm phải tiêm nhắc lại đến năm 15 tuổi, có thế mới đảm bảo phòng bệnh. Tuy số ca mắc năm nay có xu hướng giảm so với các năm trước, nhưng giờ mới bắt đầu bước vào mùa viêm não nên chưa thể nói trước được, do vậy các bậc phụ huynh phải hết sức cảnh giác”, BS Lâm cho biết.
Viêm não có tỷ lệ tử vong chiếm 5-7%. Tuy nhiên, tỷ lệ xác định căn nguyên viêm não tại Việt Nam cũng chỉ 60%, tỷ lệ biến chứng của viêm não chiếm 25-40%, trong đó di chứng cao nhất là và viêm não herpes và viêm não Nhật Bản…“Với những cháu đã tiêm phòng viêm não Nhật Bản, viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu, nếu không may mắc bệnh, bệnh sẽ nhẹ hơn”, TS Nguyễn Văn Lâm cho biết.