Kháng thuốc kháng sinh: Bác sĩ cũng bất lực

Thứ Năm, 05/01/2017, 21:58
Ngày 5-1, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các liên quan kiểm tra thực hiện kế hoạch chống kháng thuốc, trong đó, tập trung vào nhóm thuốc kháng sinh. Điều này một lần nữa cho thấy, vấn đề kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam đã trở nên hết sức cấp thiết.

Theo một nghiên cứu do WHO công bố, tỉ lệ kháng penicillin của Streptococcus pneumoniae ở Việt Nam tới 71,4%, đứng thứ nhì là Hàn Quốc với 54,8% và Hồng Kong 43,2%, Đài Loan 38,6%. Vi khuẩn kháng với caphalosporin thế hệ 3,4 cũng tăng theo từng năm. Tỉ lệ dùng kháng sinh không phù hợp ở Việt Nam tới 74%.

Việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết trong điều trị. Song việc lạm dụng kháng sinh, dùng kháng sinh khi không mắc bệnh nhiễm khuẩn đã làm tăng tình trạng kháng thuốc, tạo ra sự thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt thuốc điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng. Việc kháng thuốc đang làm tăng tỉ lệ tử vong, tăng chi phí và kéo dài thời gian điều trị nhiều lần, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đó là lý do WHO và nhiều cơ quan quốc tế chỉ ra rằng, kháng thuốc kháng sinh là mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức điều trị trong tương lai.

Khoảng 90% thuốc kháng sinh được bán không cần đơn

Hơn 30 năm nay, chỉ có một vài kháng sinh mới ra đời, trong khi tỷ lệ kháng của vi khuẩn ngày càng gia tăng. Đáng lo ngại khi hiện đang có nhiều bệnh mới nổi mà các vi khuẩn kháng thuốc ngày càng tăng lên. PGS.TS. Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhiệt đới Trung ương lưu ý: Kháng thuốc kháng sinh đã trở thành hồi chuông cảnh báo về những bệnh thông thường mà có thể tử vong nhanh nếu không có thuốc kháng sinh điều trị. Sẽ có khoảng 10 triệu người chết mỗi năm vào năm 2020 nếu không giám sát chặt chẽ việc sử dụng kháng sinh.

PGS.TS. Nguyễn Văn Kính cho biết, một nghiên cứu của BV Nhiệt Đới Trung ương và Đại học Oxfod, Đại học Nông nghiệp I đã phát hiện tới 11 loại kháng sinh dùng cho người đang sử dụng trong chăn nuôi. Đáng nói là có cả loại kháng sinh bị cấm dùng trong chăn nuôi vẫn được trộn với thức ăn cho cá, lợn và gia cầm để phòng bệnh. Điều này rất nguy hiểm bởi chúng ta ăn phải các loại thực phẩm tồn dư kháng sinh và tích tụ trong cơ thể làm cho vi khuẩn nhờn thuốc. Khi vi khuẩn tăng độc lực thì không có kháng sinh nào diệt  nổi nữa.

Trước đây, chỉ cần một liều kháng sinh nhẹ đã đủ điều trị bệnh, thì nay, nhiều trường hợp tăng liều cao nhất mà bác sĩ vẫn bất lực. Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Kính, tại BV Nhiệt đới Trung ương có những bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn đã kháng thuốc, đến mức, BV cho dùng loại kháng sinh thế hệ mới nhất cũng không hiệu quả, phải kết hợp với kháng sinh khác. Nhưng loại kháng sinh kết hợp lại là loại thuốc đã sử dụng trong chăn nuôi và chính bệnh nhân này đã hấp thụ từ thịt lợn, cá, gà vv… dẫn đến nhờn thuốc. Khi bác sĩ đã thất bại trong điều trị thì bệnh nhân chỉ còn con đường duy nhất là đến … nghĩa địa.

Cũng theo Bộ Y tế, ký sinh trung sốt rét Falciparrum kháng với artemisinin đang nổi lên ở Đông Nam Á, kháng với Chloroquinin phổ biến ở hầu hết các nước lưu hành sốt rét. Kháng thuốc HIV cũng ngày một gia tăng. Khoảng 15% người bệnh được điều trị HIV đã phải dùng đến các thuốc phác đồ điều trị bậc 2 và bậc 3 đối với các nhiễm khuẩn kháng. Tại Việt Nam, vi khuẩn kháng thuốc với Cephalosporin thế hệ 3 và 4 Fluroquinine và aminosid tăng lên theo từng năm. Sự đa kháng thuốc kháng sinh ở các BV khiến cho nhiễm khuẩn BV đang gia tăng.

Theo các chuyên gia, ở nước ngoài, muốn mua thuốc kháng sinh phải có đơn. Còn ở Việt Nam, đến bất cứ cửa hàng dược phẩm nào đều có thể mua được kháng sinh với số lượng không hạn chế. Một khảo sát của ngành y tế cho thấy có tới 50% người dân thường mua kháng sinh mà không có đơn. Tại nhiều nhà thuốc, có tới 88- 91% thuốc kháng sinh được bán không cần đơn, trong đó, nhiều nhất là ampicillin/amoxicillin, cephalexin và azithromycin. Sự dễ dãi trong mua kháng sinh góp phần làm tăng kháng thuốc kháng sinh vì bị sử dụng tùy tiện, thậm chí, lạm dụng.

Nhiều người có thói quen tự chữa trị và lấy đơn thuốc của người khác để mua thuốc về điều trị cho mình chính là tự làm kháng thuốc vì việc sử dụng kháng sinh tùy tiện; không tuân thủ hướng dẫn liều dùng, thời gian điều trị bằng kháng sinh.

Theo GS.TS. Nguyễn Văn Kính, việc lạm dụng kháng sinh của bác sĩ khi kê đơn thuốc cũng khiến cho tình trạng kháng thuốc tăng cao. Nhiều bác sĩ còn chỉ định sử dụng kháng sinh theo yêu cầu của …. người bệnh, hoặc biết là chưa cần thiết vẫn chỉ định sử dụng kháng sinh. Không ít bác sĩ còn kê đơn thuốc kháng sinh cho các bệnh không cần kháng sinh cũng điều trị được.

Việc dùng kháng sinh, thuốc kích thích, thậm chí, thuốc ngoài danh mục lưu hành, để thúc đẩy tăng trưởng và phòng ngừa bệnh tật trong chăn nuôi, nhưng lại không kiểm soát hợp lý, góp phần gây ra kháng thuốc ở người. Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Kính, chăn nuôi lợn và gia cầm thường được bổ sung kháng sinh tetracycline và tylosin.

Vì thế, để ngăn chặn kháng thuốc kháng sinh, chúng ta đã có “Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020”, đòi hỏi không riêng  Bộ Y tế mà còn phải có sự chung tay của nhiều bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ NN&PTNT, cũng như ý thức của từng người dân, trong đó vai trò không nhỏ của các bác sĩ. 

Thanh Hằng
.
.
.