Hầu hết phụ nữ nhiễm HIV ở Bến Tre lây nhiễm từ chồng
Mặc dù không phải là tỉnh giàu, nhưng Bến Tre lại là một điểm nóng về dịch HIV/AIDS. Số người nhiễm HIV đã được phát hiện đến nay là 2.467 người, trong đó có 1.521 người chuyển sang AIDS và có 935 người tử vong.
- Phát miễn phí bao cao su và bơm kim tiêm để hạn chế lây truyền HIV
- Dùng kim tiêm dọa lây truyền HIV cướp tài sản của phụ nữ
- Bác sĩ… lây truyền HIV cho 90 bệnh nhân
- Nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con
Hiện HIV đã “phủ sóng” khắp tỉnh Bến Tre khi 100% quận, huyện đều có người mắc HIV. Trong số 164 phường xã ở tỉnh, chỉ có 3 phường chưa có người mắc, tức là tỉ lệ phường có HIV/AIDS chiếm tới 98,2%. Trong số các trường hợp mắc HIV, nam chiếm đa số và vẫn tập trung ở độ tuổi 15 - 49 tuổi, chiếm 97%.
Tại cuộc họp ở Bến Tre, Lê Thị Kim Thoa - Giám đốc Trung tâm phòng HIV/AIDS tỉnh Bến Tre cho biết: Trong khi ở phía Bắc, việc lây truyền HIV chủ yếu qua máu, thì ở Bến Tre việc lây truyền lại chủ yếu qua đường tình dục, chiếm tới 85%. Vì thế, việc kiểm soát rất khó khăn.
Mặc dù nhiều tỉnh đã giảm số mắc HIV thì chỉ từ đầu 2017 đến nay, Bến Tre đã phát hiện thêm 96 người nhiễm HIV (trong đó, 65 trường hợp phát hiện mới, 31 trường hợp nhiễm từ các năm trước và từ các phòng khám ngoại trú ở các tỉnh khác chuyển về), 16 trường hợp ngoài tỉnh. Nam quan hệ tình dục đồng giới có chiều hướng gia tăng đang trở thành mối lo rất lớn của Bến Tre trong khi hiện mới quản lý được khoảng 600 người.
Điều trị nghiện ma túy bằng Methadone để giảm lây truyền HIV |
Công tác phòng chống HIV/AIDS ở Bến Tre đang có nhiều nan giải, khi một số địa phương vẫn còn sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong công tác phòng chống HIV/AIDS, thì Bến Tre đang phải “tự lực” vì không còn nguồn hỗ trợ. Điều này có thể được chứng thực qua con số gần 25% người mắc HIV ở Bến Tre là phụ nữ, mà theo BS. Lê Thị Kim Thoa, hầu hết các chị mắc HIV đều sống ở vùng nông thôn xa xôi, không phải là gái mại dâm, không tiêm chích, mà họ mắc bệnh do lây từ người chồng. Rất nhiều phụ nữ bị nhiễm HIV cũng không biết cho đến lúc sinh con, được xét nghiệm máu mới biết.
Cho đến nay, toàn tỉnh Bến Tre đã phát hiện 155 ca phụ nữ mang thai nhiễm HIV, tập trung nhiều nhất ở huyện Châu Thành 34 ca, Mỏ Cày Bắc 22 ca, Bình Đại 21 ca, TP Bến Tre 17 ca vv… Nhiều phụ nữ mang thai nhiễm HIV còn rất trẻ, có tới hơn 7% ở độ tuổi từ 15 - 19; 20 - 29 tuổi chiếm 63,9%.
Người nhiễm HIV được tư vấn tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bến Tre |
Trước tình hình trên, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bến Tre đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành trong việc phòng chống HIV/AIDS và có nhiều mô hình can thiệp toàn diện.
Bến Tre có 3 đồn biên phòng ở 3 vùng cửa biển, tàu bè thường xuyên ra vào nên Trung tâm đã phối hợp với bộ đội biên phòng để truyền thông, động viên những người nghiện ma túy đi cai nghiện. Khi tàu thuyền ra khơi, bộ đội biên phòng cũng tổ chức truyền thông và phát bao cao su trước khi người dân đi biển.
Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh cũng phối hợp với lực lượng Công an để lấy mẫu xét nghiệm HIV hàng quý cho các phạm nhân ở trại giam Châu Bình, trại giam của Công an tỉnh, học viên tại Trung tâm khám chữa bệnh Giáo dục –Lao động Xã hội -LĐXH. Nhờ đó các trường hợp nhiễm HIV đều được phát hiện và điều trị ARV kịp thời, hạn chế được sự lây lan trong môi trường trại giam.
Trung tâm còn lấy mẫu xét nghiệm cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang được nuôi dưỡng tại một số ngôi chùa và chưa phát hiện trường hợp nào ở chùa nhiễm HIV.
Một biện pháp để Trung tâm phòng chống HIV/AIDS thực hiện nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch HIV là tổ chức điều trị nghiện ma túy bằng Methadone. Hiện đã có 464 bệnh nhân được khởi liều điều trị, 287 người bệnh nhân đang điều trị là, đạt 86,9% so với kế hoạch. Tỉ lệ bỏ điều trị Methadone ở Bến Tre không cao.
Chính quyền tỉnh Bến Tre cũng phê duyệt mua thẻ BHYT cho 100% bệnh nhân HIV từ năm 2018 và tạo điều kiện về thủ tục cho bệnh nhân HIV được mua thẻ BHYT.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn trong việc phòng chống HIV/AIDS ở điểm nóng Bến Tre, mà theo BS. Lê Thị Kim Thoa, tệ nạn mại dâm, mua bán và sử dụng ma túy ngày càng diễn biến phức tạp, khó quản lý, kiểm soát và tiếp cận, đã tác động đến nguy cơ lây truyền HIV trong cộng đồng ngày càng cao.
Ma túy tổng hợp gia tăng nhiều trong khi kiểm soát HIV ở nhóm đối tượng này rất khó. Kinh phí hỗ trợ lương cho các đồng đẳng viên còn thấp, khó khăn cho việc tuyển chọn và hoạt động của đồng đẳng viên. Tỷ lệ bệnh nhân AIDS mua BHYT còn thấp với tâm lý sợ lộ thông tin khi chuyển tuyến từ huyện lên tỉnh và cán bộ y tế không tiếp cận được với số không ở địa phương.