Hạn chế tử vong vì sốt xuất huyết, không thể lơ là phòng chống
Bộ Y tế phải họp khẩn về tăng cường phòng chống dịch sốt xuất huyết tại các tỉnh phía Nam, đồng thời Bộ trưởng có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo quyết liệt công tác diệt bọ gậy, loăng quăng trong tháng 7. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch tại cơ sở không chỉ hô hào, đặc biệt là phải thay đổi được nhận thức của người dân thì công tác phòng chống mới có hiệu quả.
Làm gì để hạn chế tử vong vì sốt xuất huyết
Chỉ một nốt muỗi cắn, xuất hiện sốt, nhưng do không điều trị kịp thời, sốt xuất huyết (SXH) ở thể nặng, biến chứng và gây tử vong. Trường hợp SXH tử vong gần đây nhất vào ngày 11-7 là anh T.V.C. (26 tuổi, trú tại ấp Tân Trạch, xã Phước Thiện, huyện biên giới Bù Đốp) sau hơn nửa tháng điều trị. Bệnh nhân C. được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp trong tình trạng sốt cao, đau đầu, đau nhức cơ xương khớp, đau vùng hạ sườn phải…
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị SXH Dengue, sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân diễn biến nặng và được chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cấp cứu. Mặc dù bệnh nhân được điều trị tích cực 14 ngày, nhưng bệnh tình không cải thiện, tiên lượng xấu nên người thân xin về và tử vong tại nhà.
Hà Nội kiểm tra nước tồn đọng ở nơi để phế liệu nhằm diệt diệt bọ gậy. |
7 trường hợp tử vong vì SXH từ đầu năm đến nay đều là những trường hợp đáng tiếc. Nhiều người bệnh chủ quan, nghĩ rằng hết sốt là hết bệnh. Theo Ths.BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, 3 ngày đầu tiên bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, mỏi người, nhức mắt. Tuy nhiên, đây không phải là thời gian nguy hiểm nhất và không xuất hiện các biến chứng. Ngày thứ 4 mới là thời điểm nguy hiểm nhất. Bệnh nhân sẽ không còn sốt cao như 3 ngày trước và người bệnh cho là sắp khỏi nhưng chính giai đoạn này có thể có những biến chứng nặng.
Biến chứng nguy hiểm của SXH là tăng tính thấm mạch và cô đặc máu; xuất huyết giảm tiểu cầu. Tất cả các bệnh viện địa phương đều có khả năng xét nghiệm, điều trị được cho bệnh nhân, không nhất thiết phải đến tuyến Trung ương, mất thời gian, gây nguy hiểm cho bệnh nhân và gây quá tải bệnh viện. Chỉ trong những trường hợp bệnh nhân bị sốc, suy tạng, y tế tuyến cơ sở hồi sức ban đầu và chuyển bệnh nhân lên tuyến Trung ương.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, phải làm tốt công tác chẩn đoán, chăm sóc và điều trị bệnh SXH từ tuyến cơ sở, để tránh tình trạng bệnh nhân đổ dồn lên tuyến trên, gây quá tải bệnh viện và lây chéo. Hiện nay, một số bệnh viện tuyến cuối ở TP Hồ Chí Minh đang trong tình trạng báo động. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh thực kê chỉ có 1.924 giường nhưng đến hiện tại đã có 2.034 bệnh nhân đang nằm nội trú. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, số chênh lệch giữa giường bệnh và bệnh nhân đã hơn 130 người. Quá tải bệnh viện trong điều trị dẫn tới việc cán bộ y tế lơ là trong việc sàng lọc và phân loại bệnh, để bệnh nhân SXH nặng nằm lẫn với bệnh nhẹ và bệnh nhân mắc các bệnh khác.
Chúng ta đã có bài học dịch sởi năm 2014, lây chéo khi người bệnh đổ dồn đến viện đã gây ra dịch bùng phát, không khống chế kịp, con số tử vong lớn. Do vậy, những bệnh nhân nhẹ hoàn toàn có thể theo dõi, điều trị ở tuyến cơ sở. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, để không còn bệnh nhân tử vong và chết oan vì SHX, ngoài phòng dịch ở cộng đồng, phải khắc phục ngay công tác phân loại bệnh, các y, bác sĩ cần phải nhân định chính xác tình trạng của bệnh nhân SXH, tránh việc xử trí khiến bệnh nhân tử vong.
Tuyên truyền để tránh hiểu lầm về bệnh
Phòng chống SXH trong cộng đồng là vô cùng quan trọng, ngoài chiến dịch diệt loăng quăng (bọ gậy), phun hóa chất diệt muỗi, còn cần chính sự vào cuộc của người dân, của từng gia đình trong việc bảo vệ sức khỏe và tính mạng của chính mình. Theo Bộ Y tế, dự báo dịch bệnh SXH trong thời gian gới còn có thể diễn biến phức tạp, bùng phát trên diện rộng nếu không triển khai các giải pháp quyết liệt.
Lấy máu xét nghiệm SXH. |
Do vậy, Bộ Y tế sẽ mở 3 chiến dịch diệt loăng quăng quy mô lớn tại các tỉnh, thành phố ngay từ tháng 7 đến cuối năm. Bộ trưởng Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, TP chỉ đạo quyết liệt công tác diệt bọ gậy, loăng quăng trên địa bàn trong tháng 7, duy trì hoạt động 1 tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/lần tại khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng, bọ gậy cao và 1 tháng/lần tại các khu vực còn lại.
Tuy nhiên, chiến dịch phòng chống SXH tại nhiều địa phương chưa được triển khai sâu rộng, công tác nắm thông tin ở những nơi có ổ dịch, nơi có người mắc SXH còn chậm trễ; công tác tuyên truyền tới người dân còn chưa sâu sát, dẫn tới không làm tốt phòng dịch, để SXH lây lan trong cộng đồng. Nhiều người dân còn hiểu lầm muỗi truyền bệnh SXH chỉ sống ở nơi ao tù, nước đọng, cống rãnh nhưng không phải, muỗi truyền bệnh cứ trú ở những nơi nước trong để lâu ngày ngay trong chính ngôi nhà chúng ta ở như: bể cá cảnh, bình cắm lọ hoa, nước để trên bàn thờ, nước mưa đọng tại những mảnh vỡ trêm xóm, ngõ, sân thượng, hòn non bộ. Vì vậy cần chú ý thay nước, rửa dọn đồ vật trong nhà, không để nước đọng, không cho muỗi sinh sản và phát triển.
Điều đáng nói là người dân còn có những hiểu lầm về bệnh SXH như đã mắc SXH rồi là không mắc lại, chủ quan đi ngủ không mắc màn, không diệt muỗi, bọ gậy. Ths.BS Nguyễn Trung Cấp cho biết, hiện lưu hành 4 tuýp virus SXH nên bệnh nhân mắc rồi chỉ có khả năng tạo miễn dịch suốt đời với chủng virus đó, vẫn có thể mắc lại với chủng virus còn lại, thậm chí còn nặng hơn lần trước. Hơn nữa, nhiều người khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên của SXH như đau đầu, đau người, đau cơ khớp, đau đầu, sốt…đa phần đều nghĩ đến cúm, hoặc sốt do virus và tự ý mua thuốc giảm đau về sử dụng, trong đó có 2 loại là aspirin và ibuprofen.
Hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng cháy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy tuyệt đối không uống 2 loại thuốc kể trên khi nghi ngờ bị SXH. Bác sĩ khuyến cáo, khi xuất hiện triệu chứng của bệnh SXH phải đến cơ sở y tế thăm khám.