Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết

Thứ Sáu, 19/07/2019, 12:25
Ngày 19-7, tại Viện Pasteur TP HCM, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết năm 2019. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì. 


Theo báo cáo của Bộ Y tế, 6 tháng đầu năm tình hình dịch sốt xuất huyết trên cả nước diễn biến phức tạp, số bệnh nhân tăng cao, có khoảng 87.000 ca sốt xuất huyết, cao gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2018; có 7 người đã tử vong tại các tỉnh, thành phố phía Nam. 

Trong 5 tuần gần đây số bệnh nhân tăng nhanh tại 34 tỉnh, thành phố thuộc miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Riêng TP Hồ Chí Minh từ đầu năm đến nay ghi nhận xảy ra 27.153 ca, tăng 166,7% so với cùng kỳ năm 2018 (tăng 10.182 ca), có 5 trường hợp tử vong.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai quyết liệt các hoạt động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tổ chức tâp huấn trực tuyến toàn quốc với trên 700 điểm cầu két nối tới các quận, huyện; tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát tại các địa bàn trọng điểm; chỉ đạo triển khai tháng hành động hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết tại 47 tỉnh thành phố trọng điểm; truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; cấp hoá chất, tang thiết bị phòng chống dịch cho các địa phương… tuy nhiên, sốt xuất huyết vẫn tăng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì hội nghị

Nguyên nhân chính được cho là do thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn các đợt mưa, tốc độ đô thị hoá nhanh, nhiều công trình xây dựng, đất bỏ hoang, nhà trọ, lán trại, nghĩa trang… là môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh và lăng quăng phát triển, truyền bệnh, khó kiểm soát triệt để.

Theo Bộ Y tế, sự vào cuộc của chính quyền địa phương và sự phối hợp, chủ động của các ban ngành đoàn thể một số nơi trong phòng chống sốt xuất huyết chưa cao. Bên cạnh đó, ý thức của cộng đồng về phòng chống sốt xuất huyết cũng chưa được nâng lên, người dân không chủ động diệt bọ gậy ngay trong hộ gia đình, thói quen tíc trữ nước, không lật úp dụng cụ và diệt lăng quăng hàng tuần… làm cho công tác kiểm soát véc tơ, phòng bệnh gặp nhiều khó khăn. 

Chế tài xử phạt cá nhân, đơn vị làm phát sinh ổ bọ gậy truyền bệnh còn thực hiện hạn chế, đa số chưa được áp dụng tại các địa phương. Chiến dịch diệt bọ gậy còn mang tính hình thức và không được duy trì lâu dài.

Các đại biểu dự hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung bàn về các giải pháp cơ bản trong phòng chống dịch sốt xuất huyết. Ông Vũ Mạnh Cường, Phó vụ trưởng Vụ tuyên truyền và thi đua khen thưởng - Bộ Y tế cho rằng cần có nội dung và hình thức tuyên truyền sinh động, gần gũi, phù hợp với từng nhóm đối tượng, không tuyên tuyền chung chung; tổ chức các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ với nhiều hình thức hướng dẫn cụ thể để người dân biết các phòng chống dịch sốt xuất huyết một cách chủ động; tổ chức 3 đợt chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy quy mô lớn tại tất cả các tỉnh thành phố từ nay đến cuối năm.

Ông Nguyễn Hữu Tài, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho rằng cần tăng cường tuyên tuyền thông qua các buổi họp tổ dân phố, tổ nhân dân, các tổ chức đoàn thể, tôn giáo, chú trọng tuyên truyền trong các trường học và huy động học sinh tham gia dọn vệ sinh, diệt lăng quăng nơi công cộng và tại hộ gia đình.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội thì chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết của Hà Nội, như lập đội xung kích diệt bọ gậy chống dịch sốt xuất huyết, mỗi đội từ 2 – 3 người gồm cán bộ tổ dân phố, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, cộng tác viên dân số; mỗi đội phụ trách từ 30 – 50 hộ gia đình, có đội phụ trách khu vực công cộng riêng. 

Đội xung kích có nhiệm vụ kiểm tra, hướng dẫn hộ gia đình, cơ quan cách giệt bọ gậy; tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về sốt xuất huyết, tần xuất kiểm tra 7 ngày/1 lần, giám sát phát hiện người nghi mắc sốt xuất huyết… Đồng thời duy trì mạng lưới cộng tác viên và giao cho đoàn thanh niên phụ trách, mỗi cộng tác viên phụ trách không quá 80 hộ gia đình, tổ chức giệt bọ gậy ít nhất mỗi tháng 1 lần tại mỗi xã…

Hiện nay đang là cao điểm sốt xuất huyết 

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng công tác tuyên tuyền của bộ phận truyền thông ngành y tế các địa phương chưa hiệu quả cao, trước giờ không có hướng dẫn cụ thể để người dân biết mà chỉ nói chung chung, mới chỉ nói được là cần phát quang bụi lậm, khai thông cống rãnh… nên hiệu quả thấp. 

Trong khi đó, loại muỗi gây bệnh sốt xuất huyết là muỗi “quý tộc”, nó sinh đẻ ở những nơi có nước sạch như bình hoa, cây cảnh, hòn non bộ… Do đó, cái chính là hướng dẫn người dân biết phòng chống như thế nào, cần định hướng lại cách thức truyền thông, cần sáng tạo trong tuyên truyền, phải biết lồng ghép tuyên truyền phòng chống bệnh sốt xuất huyết vào các chương trình người dân thường xem, đăng tải lên mạng xã hội… với những nội dung thiết thực để người dân hiểu.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện cần phân loại không để bệnh nhân nằm la liệt, người bị bệnh nặng nằm chung với người mới bị bệnh. Đồng thời, cần nhận biết bệnh nào nặng nhẹ phân loại để khám chữa cho phù hợp, những bệnh nhân ở độ 3, độ 4 thì chuyển về bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện vệ tinh, không tập trung tất cả bệnh nhân tại bệnh viện tuyến trên, khi đông bệnh nhân quá sẽ không thể kiểm soát hết được. “Phải chặn đứng bệnh sốt xuất huyết, không để xảy ra chết người”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.



Nhân Sơn
.
.
.