Gia tăng đột ngột các trường hợp mắc, tử vong do sốt xuất huyết

Thứ Tư, 09/09/2015, 10:10
Nếu như vào thời điểm này năm ngoái, tại Khoa Sốt xuất huyết (SXH) Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, TP Hồ Chí Minh chỉ có từ 30 tới 40 trường hợp SXH phải nằm điều trị nội trú, thì hiện nay, con số bệnh nhi mắc SXH tại đây luôn duy trì trên 100 ca nằm nội trú.


Th.S-BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa SXH của BV Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho biết: “Trong tổng số 102 trường hợp mắc SXH đang nằm nội trú trong khoa thì có 13 trường hợp SXH nặng, nhiều em phải thở máy, có em nặng phải truyền máu, truyền huyết tương, trong tình trạng nguy kịch. Từ đầu năm tới nay, trong số 16 ca tử vong do SXH trên toàn quốc thì có 6 ca là các trường hợp  tử vong do SXH tại BV Nhi Đồng 1, chủ yếu do nhập viện quá trễ.

Ngày 7/9 ghi nhận tại khoa này, nhiều bệnh nhi phải nằm thở ôxy, truyền dịch trong khi thời tiết tại thành phố đang rất nóng nực. Chị N.T.T. Anh (ngụ quận Bình Tân) đang có con trai bị SXH nằm tại Khoa cho biết: “Khi thấy con sốt cao đã đưa khám chuyên khoa tai mũi họng tại một BV ở thành phố, được chẩn đoán là viêm amidan, bác sĩ cho uống thuốc, 2 ngày không thấy đỡ, lại nhập BV khác, cháu lại được chẩn đoán là rối loạn tiêu hóa, được cho về, nhưng cháu tiếp tục sốt cao, gia đình cho nhập Bệnh viện Nhi Đồng 1, kết quả xét nghiệm phát hiện cháu SXH đã vào ngày thứ 4 và đã trong tình trạng sốt, ói, tay chân lạnh phải thở máy”.

Trên 100 trẻ mắc sốt xuất huyết đang được chăm sóc tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 ngày 7-9, trong đó có 13 trường hợp bệnh nặng.

Theo BS Nguyễn Minh Tuấn, trong khoa có 90 giường bệnh nhưng đang phải điều trị cho tổng số 176 ca bệnh nhiều loại. Trong đó 102 ca là SXH. Nếu lấy mốc từ giữa tháng 6/2015, theo thống kê trên cả nước có 10.000 trường hợp SXH, 10 ca tử vong, thì cho tới thời điểm hiện tại, tức sau 2,5 tháng, số trường hợp mắc SXH trên cả nước đã tăng lên 25.000 trường hợp và 16 trường hợp tử vong do SXH. Tức là sau 2,5 tháng, số trường hợp SXH trên cả nước đã tăng trên 250% và số ca nặng, số ca tử vong do SXH cũng gia tăng đột ngột.

Trong Khoa SXH của BV Nhi Đồng 1 đang điều trị 13 ca SXH nặng gồm: sốc SXH và sốc SXH nặng. Các BS đang chăm sóc tích cực cho các bé, truyền dịch chống sốc, truyền chất điện giải, trong đó nhiều ca nặng buộc phải thở máy và truyền máu, huyết tương, truyền dung dịch cao phân tử, truyền tiểu cầu… bằng nhiều biện pháp để cứu sống bệnh nhi. Riêng từ tháng 8 tới nay tại Khoa Hồi sức tích cực của BV, tùy theo từng lúc mà luôn có từ 4 tới 10 ca các bé bị SXH nặng phải thở máy.

Cũng theo BS Tuấn, dự báo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong năm 2015, dịch bệnh SXH sẽ diễn biến phức tạp, rơi vào chu kỳ từ 3 tới 5 năm/lần. Từ tháng 6 tới tháng 11 là mùa mưa, cũng là mùa dịch SXH. Thời điểm hiện tại mới là đầu mùa mưa, nên tình trạng trên sẽ là dấu hiệu cảnh báo, số ca mắc SXH sẽ còn tăng cao trong những tháng sắp tới. 

Không riêng gì trẻ em là đối tượng dễ mắc mà kể cả người lớn nếu mắc mà không được phát hiện sớm sẽ rất dễ tử vong. Bệnh mắc ở trẻ em thì diễn tiến rất nhanh và gây nguy cơ tử vong rất cao, khi SXH nặng, gây suy đa cơ quan, sốc, trụy tim mạch hoặc suy hô hấp nặng. 

Ngoài lý do nhập viện trễ, thì một lý do muôn thuở, đó là, một bộ phận người dân vẫn không có ý thức phòng chống SXH, muỗi có cơ hội sinh sôi, gây dịch bệnh, nhất là khu vực đông dân cư, vệ sinh kém, nhiều ao tù, nước đọng, sinh lăng quăng. Đặc biệt nhiều ca nhập viện cho thấy, ở lứa tuổi đang đi học, thấy trẻ bị sốt cao, nhiều bà mẹ cứ nghĩ con bị cảm hoặc bị sốt siêu vi, viêm họng, viêm phế quản… cho uống vài viên thuốc là tự khỏi nên hậu quả là khi tới BV quá trễ, bệnh diễn tiến quá nhanh không cứu được.

Sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng ở Hà Nội

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, năm nay, dịch sốt xuất huyết diễn ra trên 29/30 huyện, quận, thị xã, chỉ huyện Phúc Thọ không có bệnh nhân bị sốt xuất huyết. Số ca mắc ghi nhận cao tại một số quận, huyện như Thanh Trì, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông với gần 300 ca/quận, huyện.

Cũng theo ông Hạnh, các ổ dịch đa phần xuất phát ở các dự án đang xây dựng, khu vực dự án bỏ hoang…

Do vậy, Hà Nội chưa thể dập được dịch hoàn toàn mà chỉ có thể dự báo sớm để chủ động phòng ngừa. "Sốt xuất huyết chưa có vaccines điều trị nên vẫn phải phòng dịch là chính. Chỉ riêng ngành y tế không thì không thể dập dịch được mà người dân phải cùng tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, giữ gìn vệ sinh nơi ở… để hạn chế nơi trú ngụ của muỗi gây bệnh", ông Hạnh khuyến cáo.                  

N.Y.

Huyền Nga
.
.
.