Số ca mắc sốt xuất huyết sẽ còn tăng cao

Thứ Hai, 07/09/2015, 18:02
Thời điểm hiện tại mới là đầu mùa mưa, mà Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM đã có 102 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Đây là dấu hiệu cảnh báo, số ca mắc sốt xuất huyết sẽ còn tăng cao trong những tháng sắp tới.

ThS-BS Nguyễn Minh Tuấn-Trưởng khoa sốt xuất huyết (SXH) của Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho biết: “Trong tổng số 102 trường hợp mắc SXH đang nằm nội trú trong khoa thì có 13 trường hợp SXH nặng, nhiều em phải thở máy, có em nặng phải truyền máu, truyền huyết tương, trong tình trạng nguy kịch. Từ đầu năm tới nay, trong số 16 ca tử vong do SXH trên toàn quốc thì có 6 ca là các trường hợp  tử vong do SXH tại BV Nhi Đồng 1, chủ yếu do nhập viện quá trễ”.

Trong 102 ca mắc sốt xuất huyết đang được chăm sóc tại Bệnh viện Nhi đồng 1 ngày 7/9, có 13 trường hợp là nặng.

Ngày 7/9, ghi nhận tại Khoa này, nhiều bệnh nhi phải nằm thở oxy, truyền dịch trong khi thời tiết tại thành phố đang rất nóng nực.

Chị N.T.T. Anh (ngụ quận Bình Tân) đang có con trai bị SXH nằm tại Khoa cho biết: “Khi thấy con sốt cao đã đưa khám chuyên khoa Tai mũi họng tại một BV ở thành phố, được chẩn đoán là viêm amidan, bác sĩ cho uống thuốc, 2 ngày không thấy đỡ, lại nhập BV khác, cháu lại được chẩn đoán là rối loạn tiêu hóa, được cho về, nhưng cháu tiếp tục sốt cao, gia đình cho nhập BV Nhi đồng 1, kết quả xét nghiệm phát hiện cháu SXH đã vào ngày thứ 4 và đã trong tình trạng sốt, ói, tay chân lạnh phải thở máy”.

Các bác sĩ cảnh  báo: “Số ca mắc sốt xuất huyết sẽ còn tiếp tục gia tăng vào những ngày tới”.

Theo BS Nguyễn Minh Tuấn, nếu lấy mốc từ giữa tháng 6/2015, theo thống kê trên cả nước có 10.000 trường hợp SXH, 10 ca tử vong, thì cho tới thời điểm hiện tại, tức sau 2,5 tháng, số trường hợp mắc SXH trên cả nước đã tăng lên 25.000 trường hợp và 16 trường hợp tử vong do SXH. Tức là sau 2,5 tháng, số trường hợp SXH trên cả nước đã tăng trên 250% và số ca nặng, số ca tử vong do SXH cũng gia tăng đột ngột.

Cũng theo BS Tuấn, dự báo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong năm 2015, dịch bệnh SXH sẽ diễn biến phức tạp, rơi vào chu kỳ từ 3 tới 5 năm/lần. Từ tháng 6 tới tháng 11 là mùa mưa, cũng là mùa dịch SXH. Thời điểm hiện tại mới là đầu mùa mưa, nên tình trạng trên sẽ là dấu hiệu cảnh báo, số ca mắc SXH sẽ còn tăng cao trong những tháng sắp tới.

Nhiều ca nhập viện cho thấy, ở lứa tuổi đang đi học, thấy trẻ bị sốt cao, nhiều bà mẹ cứ nghĩ con bị cảm hoặc bị sốt siêu vi, viêm họng, viêm phế quản… cho uống vài viên thuốc là “tự khỏi” nên hậu quả là khi tới BV quá trễ, bệnh diễn tiến quá nhanh không cứu được.

Theo BS Tuấn, trong 3 ngày đầu của bệnh SXH thực sự là rất dễ nhầm với các bệnh lý khác. Tuy nhiên có thể nhận biết những dấu hiệu quan trọng, “chỉ điểm” về SXH: Sốt cao liên tục, khởi phát đột ngột (sốt từ 39 độ C trở lên), có uống thuốc nhưng giảm nhiệt rồi lại bị sốt cao trở lại, người lừ đừ, không sinh hoạt được bình thường như học tập, chơi đùa,… người luôn mệt mỏi (đây là điểm khác biệt, phân biệt giữa người mắc SXH với các bệnh thông thường khác).

Diễn tiến SXH nặng thường từ ngày thứ 3, ngày 4. Da bị xung huyết thường ửng đỏ khi xảy ra tình trạng cô đặc máu.

Ở trẻ lớn hoặc người lớn có thể báo hiệu thêm bằng dấu hiệu: Đau nhức mình mẩy, đau vùng hốc mắt, thái dương, đau cơ, khớp, cảm giác buồn ói.

Từ ngày thứ 3 tới ngày 6 sẽ thêm triệu chứng cảnh báo SXH nặng, như: cháy máu chân răng, đau bụng, ói ra máu, đi cầu phân đen…

Nếu thấy như trên cần đưa đi BV gấp để kiểm tra dấu hiệu bệnh SXH để điều trị kịp thời.

Huyền Nga
.
.
.