Dịch sốt xuất huyết tiếp tục tăng, Bộ Y tế đề nghị các bộ phối hợp ngăn chặn
- Bảo hiểm y tế đã chi trả hơn 82 tỷ đồng cho sốt xuất huyết
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra tình hình ứng phó dịch sốt xuất huyết
- Dịch sốt xuất huyết hoành hành: Bệnh viện tư cũng quá tải
- Dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội đang chững, nhưng còn nhiều lo ngại
Bộ Y tế cho biết, thực tế kiểm tra của các đoàn công tác tại các địa phương cho thấy, hầu hết các công trường xây dựng dở dang là nơi tiềm ẩn nguy cơ lây truyền dịch. Vì thế, ngày 24-8, Bộ Y tế cho biết đã có công văn khẩn gửi Bộ Xây dựng đề nghị tăng cường phối hợp phòng chống bệnh SXH.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Một trong những nguyên nhân quan trọng là còn nhiều ổ bọ gậy tại các vật dụng chứa những, ổ đọng nước ngay trong và xung quanh các gia đình, khu nhà trọ, nơi công cộng, đặc biệt là ở các khu vực công trường xây dựng chưa được quan tâm xử lý đúng mức.
Vì thế, Bộ Y tế để nghị Bộ Xây dựng phối hợp, chỉ đạo các Sở Xây dựng, các đơn vị trực thuộc ngành, các doanh nghiệp, Ban Quản lý công trường, các chủ thầu, đơn vị thi công làm tốt công tác vệ sinh, loại bỏ các vật dụng phế thải, các ổ nước đọng tại các công trường, công trình xây dựng để đảm bảo 100% các công trình không có bọ gậy; phân công, giao trách nhiệm việc thanh tra, kiểm tra, đôn đốc công tác vệ sinh trong xây dựng, không để tồn tại các ổ bọ gậy tại các công trình xây dựng, lán trại của người lao động; kiên quyết xử lý các đơn vị không tuân thủ các khuyến các của ngành y tế để phát sinh nguy cơ dịch bệnh. Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với ngành y tế để phun hóa chất diệt muỗi tại các công trình, công trường xây dựng; vận động cán bộ, công nhân viên, người lao động chủ động diệt muỗi, phòng muỗi đốt bằng nhiều biện pháp như vợt muỗi, bình xịt, kem xoa, hương muỗi vv…
Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra một số công trường xây dựng |
Các chuyên gia cũng dự báo, vào dịp năm học mới, khi sinh viên từ các nơi về Hà Nội nhập học, học sinh đến trường, khả năng số mắc SXH ở Hà Nội sẽ tiếp tục tăng mạnh. Vì thế, Bộ Y tế cũng gửi công văn khẩn đến lãnh đạo Bộ Giáo dục-Đào tạo, đề nghị chỉ đạo các Sở Giáo dục-Đào tạo, các cơ sở giáo dục phổ thông và chuyên nghiệp diệt bọ gậy tại các đơn vị; phun hóa chất diệt muỗi tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các khu nội trú, ký túc xá của học sinh, sinh viên; huy động cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên tham gia loại bỏ các ổ bọ gậy, diệt muỗi tại các ký túc xá, nhà trọ, hộ gia đình và cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Bộ Giáo dục-Đào tạo quản lý chặt chẽ sức khỏe của trẻ em, học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ, công nhân viên các nhà trường để có thể phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thông báo kịp thời cho cơ quan y tế để phối hợp xử lý triệt để ổ dịch.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, những năm trước, mạng lưới cộng tác viên phòng chống SXH tại các cơ sở rất quan trọng, vì họ được đào tạo, có kinh nghiệm trong việc tuyên truyền, vận động người dân cũng như các gia đình chủ động phòng chống dịch bệnh, nhất là tự diệt muỗi, diệt bọ gậy. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, mạng lưới này đã không được duy trì ở nhiều địa phương, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng chống SXH.
Vì thế, Bộ Y tế cũng gửi công văn khẩn đến Chủ tịch UBND các tỉnh, thành trong cả nước, đề nghị kiện toàn và duy trì ổn định lại mạng lưới cộng tác viên phòng chống SXH tại các xã, phường trọng điểm, bổ sung mạng lưới tại những xã, phường có nguy cơ cao, nhằm bám sát các hộ gia đình để hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống dịch bệnh, cách phát hiện và xử trí khi phát hiện người mắc SXH; vận động người dân vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, loại trừ ổ bọ gậy.