Dịch sốt xuất huyết gia tăng bất thường ở Hà Nội và TP. HCM
- Bệnh sốt xuất huyết và Zika có nguy cơ bùng phát trở lại
- Nuôi thả muỗi để… diệt sốt xuất huyết
- Chuẩn bị thả muỗi vằn phòng bệnh sốt xuất huyết và Zika ở Nha Trang
- Phòng chống dịch bệnh virus Zika và sốt xuất huyết trên địa bàn biên giới
- Chủ quan phòng dịch sốt xuất huyết, là cơ hội cho lây lan Zika
Đến ngày 10-6, Hà Nội đã phát hiện 1.281 ca mắc SXH, cao gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, đã có một trường hợp tử vong. Thông tin trên đã được TS. Nguyễn Khắc Hiền –Giám đốc Sở Y tế Hà Nội xác nhận.
Các quận huyện có số bệnh nhân mắc cao nhất là Đống Đa (372 ca), Hoàng Mai (253 ca), Thanh Xuân (84 ca), Hà Đông (77 ca) và Hai Bà Trưng (11 ca). Dịch đã có mặt ở 28/30 quận, huyện, chỉ còn hai địa phương chưa có SXH là huyện Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh –Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, số người mắc SXH tăng nhanh trong những tuần gần đây, do thời tiết chuyển mùa nắng nóng và mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển. Ngoài ra, bệnh cũng chưa có vaccine phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên dự báo SXH sẽ tiếp tục gia tăng bởi dịch thường phát triển mạnh từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Thông thường, dịch SXH có chu kỳ 5 năm lặp lại một lần nhưng hiện chu kỳ cũng thay đổi.
Bệnh nhân tử vong là nữ sinh Học viện Ngân hàng trọ tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa và đã được Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương xác định tử vong do sốc Dengue. Tuy nhiên, đã có trên 90% số người mắc SXH được phát hiện đã khỏi bệnh.
Bệnh viện Nhi Trung ương cũng phải tiếp nhận nhiều trẻ bị sốt xuất huyết |
Mặc dù số ca SXH tăng bất thường khi chưa chạm đỉnh dịch, nhưng ông ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, ngành y tế không bất ngờ trước việc này. “Bởi ngay đầu năm, chúng tôi đã cảnh báo, diễn biến thời tiết Elnino khi nắng nóng lắm sẽ có mưa nhiều, dễ phát sinh dịch SXH. Vì thế, ngành y tế Hà Nội đã có kế hoạch chủ động ngay từ đầu. Thực tế, chỉ số côn trùng tăng cao từ tháng 3 và có nhiều điểm vượt ngưỡng nguy cơ như An Khánh, Phú Lương, La Phù, Dương Nội, Hoàng Liệt, Trương Định, Láng Thượng... và tăng cao nhất tháng 5 vừa qua.” -Ông Hoàng Đức Hạnh chia sẻ.
Để ứng phó với dịch SXH, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục coi trọng công tác giám sát dịch, đặc biệt là phát hiện sớm ca bệnh, xử lý triệt để, không để dịch lan rộng; tập trung tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, phế liệu không để muỗi truyền bệnh SXH có nơi cư trú, sinh sản, áp dụng các biện pháp diệt bọ gậy. Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các xã, phường dùng loa nhỏ đi vào từng ngõ, xóm tuyên truyền về bệnh SXH, để người dân không chủ quan trước dịch bệnh này.
Những ngày qua, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội đã phối hợp cùng trung tâm Y tế các quận, đặc biệt là quận Đống Đa để tiến hành điều tra côn trùng, vệ sinh môi trường, phun hóa chất, truyền thông tại các khu vực thuê trọ có bệnh nhân. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cũng đã tổ chức phun hóa chất diện rộng, tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy trên toàn phường Trung Liệt; giám sát chặt chẽ tại khu vực ổ dịch để phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, tư vấn chăm sóc và điều trị, tránh xảy ra tử vong tại cộng đồng.
Hiện các đơn vị đã điều tra, giám sát côn trùng tại 1.925 điểm ổ dịch cả cũ và mới, nơi có bệnh nhân nghi SXH, nơi điều kiện vệ sinh môi trường kém. Thực tế, có 25,7% điểm có chỉ số vec-tơ cao, tập trung ở các quận Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông, Hoài Đức, Hai Bà Trưng, Thanh Trì...
Ông Nguyễn Nhật Cảm -Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, cũng cho biết: Thời tiết nắng mưa thất thường, di biến động dân cư lớn, địa bàn lại có nhiều công trường xây dựng, vệ sinh môi trường kém, nhiều phế liệu phế thải đọng nước, việc tích trữ nước tại các hộ dân không bảo đảm, chính là những yếu tố thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH phát triển, làm dịch bệnh diễn biễn phức tạp.
Đáng lo ngại nữa là virus SXH đã lưu hành nhiều tuýp nên nhiều bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại, thậm chí lần sau còn bị nặng hơn lần trước. SXH lại có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt virus nên nhiều người thường chủ quan, không đi khám bệnh, dẫn tới tình trạng bệnh nặng. Mà, SXH bị biến chứng dễ dẫn đến xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, đe dọa tới tính mạng.
“Do bệnh SXH hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có cả thuốc điều trị đặc hiệu, nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả vẫn là diệt muỗi, diệt bọ gậy và phòng muỗi đốt. Khi nghi ngờ SXH, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Tuyệt đối không tự ý truyền dịch, điều trị tại nhà.”- ông Nguyễn Nhật Cảm lưu ý.
Cũng như ở Hà Nội, SXH ở tại TP. Hồ Chí Minh cũng xuất hiện sớm, trái với qui luật. Số người mắc SXH được ghi nhận trong tuần qua lên tới gần 300 trường hợp, nâng số người mắc SXH từ đầu năm đến nay lên tới gần 8.800 ca.