Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên:

Cứu sống người bệnh đa chấn thương, vỡ tim

Thứ Bảy, 04/06/2016, 11:09
Sau 3 ngày được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Trung ương Thái Nguyên cấp cứu, bệnh nhân bị vỡ tim do tai nạn giao thông đã hoàn toàn ổn định.

Khoảng 12h30 ngày 1-6, chị Vũ Thị Thủy (tổ 21, phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên) được đưa vào khoa Cấp cứu hồi sức Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Trung ương Thái Nguyên trong tình trạng hôn mê. Các bác sĩ nhanh chóng tiếp nhận và chẩn đoán nạn nhân trong tình trạng sốc đa chấn thương, gãy xương đùi trái, chấn thương tim, rất nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân nhanh chóng được hồi sức tích cực truyền dịch, truyền máu, giảm đau. 

Đến 17h cùng ngày, bệnh nhân vẫn trong tình trạng nặng, huyết áp thấp 70/40mmHg, siêu âm tim có hình ảnh tràn dịch màng tim với các triệu chứng đe dọa chèn ép tim rõ.

Một lần nữa, lãnh đạo Bệnh viện tiến hành hội chẩn cùng các chuyên gia ngoại tim mạch, gây mê hồi sức và các khoa cận lâm sàng và thống nhất nhận định đây là trường hợp vỡ tim do chấn thương ngực sau tai nạn giao thông. Các bác sĩ lĩnh vực ngoại tim mạch đánh giá đây là trường hợp vỡ tim rất nặng do đường vỡ tim phức tạp, tổ chức bờ đường vỡ mủn do chấn thương, nặng nề hơn nhiều so với vết thương tim và đã bắt đầu có dấu hiệu chèn ép tim cấp. Người bệnh phải được mổ ngay mới có thể cứu được tính mạng, nếu chậm có thể tử vong.

Ít phút sau, ca phẫu thuật tim hở cho chị Vũ Thị Thủy được bắt đầu với sự phối hợp của tất cả các bộ phận liên quan. Sau 3 tiếng đồng hồ, ca phẫu thuật đã thành công và người bệnh đã thoát khỏi cơn nguy kịch.

Bênh nhân vỡ tim, đa chấn thương đã được cứu sống.

TS. Lô Quang Nhật, Trưởng khoa Ngoại tim mạch – Lồng ngực, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật, cho biết: Đây là trường hợp phẫu thuật mổ tim hở rất phức tạp, phải tiến hành cưa dọc xương ức, mở màng tim có nhiều máu đỏ trào ra, vết thương rách nhĩ phải hai đường sát rãnh nhĩ động mạch vành phải, mỗi đường rách dài 2cm kiểu chân chim, các phẫu thuật viên đặt canuyn và chạy máy tim phổi nhân tạo trong khi vẫn giữ cho máu không chảy ra, khâu kín đường vỡ tim. 

Sau ca phẫu thuật đặc biệt, người bệnh được hồi sức, truyền máu, dịch, thở máy, thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau. Chỉ sau một ngày điều trị tại phòng hậu phẫu, người bệnh đã tỉnh táo, tự thở hoàn toàn, mạch và huyết áp ổn định, giao tiếp được. Đến ngày 4-6, bệnh nhân đã ổn định.

BS. Nhật cho biết thêm, BV đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật tim kín, phẫu thuật tim hở. Tuy nhiên, đây là một ca mổ khó, ca mổ tim hở đầu tiên tại BV mà người bệnh trong tình trạng bị tai nạn giao thông sốc đa chấn thương. 

Do đó, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các ê kíp trong ca phẫu thuật. Nếu cấp cứu không kịp thời và không có đủ phương tiện cấp cứu, đặc biệt là máy tim phổi nhân tạo thì rất khó cứu sống được bệnh nhân vỡ tim phức tạp do chấn thương ngực kín như trường hợp này.

Ca phẫu thuật tim hở do tai nạn giao thông được thực hiện thành công tại BVĐK Trung ương Thái Nguyên đã khẳng định trình độ chuyên môn trong chẩn đoán, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong phẫu thuật can thiệp, hồi sức tích cực, điều trị chăm sóc sau mổ của BV trong công tác cứu sống người bệnh của các bác sĩ ở một BV miền núi, cũng như mở ra cơ hội cho người dân địa phương được cấp cứu, điều trị các kỹ thuật cao ngay tại địa bàn.

Thu Huệ
.
.
.