Cứu sống một người bị đâm thủng tim
- “Kỳ tích” cứu sống người đàn ông bị rắn hổ mang cắn của Bệnh viện Chợ Rẫy
- Đội phản ứng nhanh số 4 của Bệnh viện Chợ Rẫy lên đường ra Đà Nẵng
- Bệnh viện Chợ Rẫy tăng cường các công tác phòng chống lây nhiễm COVID-19
Trước đó, vào 23h0 ngày 13/5, khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận bệnh nhân T.T.Đ (nữ, SN 1988) trong tình trạng cực kỳ nguy kịch.
Người nhà bệnh nhân cho biết, lúc 21h cùng ngày, bệnh nhân bị một người khác dùng dao đâm vào ngực trái tại một con hẻm ở đường Hồ Văn Long (phường Tân Tạo, quận Bình Tân).
Bệnh nhân bị đâm thủng tim được cứu sống. |
Lúc vào bệnh viện, bệnh nhân trong tình trạng lơ mơ, thở hước, mạch, huyết áp không đo được và bị ngưng tim. Các bác sĩ khoa Cấp cứu đã xử trí hồi sức ngưng hô hấp tuần hoàn, đặt nội khí quản, đặt máu, xét nghiệm tiền phẫu, xét nghiệm nhanh COVID-19; đồng thời kích hoạt “báo động đỏ”, mời hội chẩn khẩn với khoa Ngoại lồng ngực.
Sau hội chẩn khẩn, các bác sĩ thống nhất mổ cấp cứu cho bệnh nhân tại phòng mổ của khoa Cấp cứu để có thể kịp thời cứu mạng bệnh nhân. Chỉ 15 phút sau khi nhập viện, bệnh nhân được chuyển vào phòng mổ với chẩn đoán trước mổ là sốc mất máu, vết thương ở tim do bị đâm.
Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện tim của bệnh nhân bị thủng một lỗ ở ngay mỏm tim, gây chảy máu khắp khoang màng tim, gây chèn ép tim và khiến bệnh nhân bị ngưng tim. Nhờ được xử trí và giải áp kịp thời, nên sau đó tim của bệnh nhân đã đập lại và bệnh nhân được cứu sống trong gang tấc.
Ê-kip bác sĩ tiếp tục giám sát toàn diện và phát hiện cơ hoành của bệnh nhân bị thủng, xuyên xuống ổ bụng. Ngay lập tức, các bác sĩ khoa Ngoại tiêu hóa được mời đến để khâu cơ hoành và khâu lại dạ dày cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật kết thúc lúc 1h30 ngày 14/5.
Hiện tại bệnh nhân đã hồi phục rất tốt, không còn dùng vận mạch, không cần đặt dẫn lưu; siêu âm, kiểm tra đều cho kết quả bình thường; chức năng gan, thận đã về giới hạn cho phép; chức năng tim đã trở lại bình thường, không còn dịch màng tim và dịch màng phổi…
Bác sĩ chuyên khoa Lưu Hoài Nam, khoa Ngoại lồng ngực - Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh cho biết nhờ sự phản ứng kịp thời của các ê-kip Cấp cứu, Phẫu thuật – Gây mê hồi sức và các chuyên khoa Ngoại lồng ngực, Ngoại tiêu hóa cùng sự phối hợp đồng bộ từ phòng mổ cho đến phẫu thuật viên, các bác sĩ mới có thể thực hiện cuộc phẫu thuật một cách nhanh chóng như vậy. Trong trường hợp này, mọi sự chậm trễ, dù chỉ một phút thôi, cũng khiến chúng ta để mất bệnh nhân ngay trên bàn mổ.