Cứu sống bệnh nhân bị đinh dài 12cm xuyên qua đỉnh phổi

Chủ Nhật, 19/08/2018, 08:24
Ngày 17-8, các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình (CTCH) Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhân bị 1 chiếc đinh Kirschner dài 12cm đâm xuyên qua đỉnh phổi, chui vào lỗ liên hợp đốt sống ngực 2-3 và đâm xuyên qua tuỷ sống.

Trước đó hơn một năm, bệnh nhân bị ngã gãy đầu ngoài xương đòn và đã được mổ xuyên đinh để cố định xương gãy. Sau mổ 6 tháng, xương đã liền, bệnh nhân đã đi rút đinh tại bệnh viện khác nhưng không rút được vì đinh trôi quá sâu. Do chủ quan nên bệnh nhân về nhà và không đi rút đinh nữa. Mới đây mới đi khám rút đinh thì thấy đinh đã trôi tuột ra khỏi xương và chui vào tuỷ sống. Thật may mắn là bệnh nhân chưa có dấu hiệu yếu liệt do tổn thương tuỷ sống.

Chiếc đinh dài 12cm xuyên qua đỉnh phổi và tuỷ sống.

Theo bác sĩ Trần Trung Kiên (Khoa Chấn thương chỉnh hình), đây là ca bệnh cực kì hiếm. Sau khi hội chẩn xin ý kiến nhiều chuyên gia, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân. Kíp phẫu thuật đòi hỏi có sự phối hợp giữa chuyên khoa chấn thương chỉnh hình - cột sống và chuyên khoa phẫu thuật lồng ngực tim mạch. Các bác sĩ đã quyết định sử dụng phương pháp mổ nội soi để rút đinh, thay vì mổ mở vào lồng ngực như các tác giả nước ngoài thường tiến hành. Bởi với việc mổ nội soi sẽ ít gây tổn thương thêm cho các phần mềm xung quanh và hình ảnh qua camera được phóng to sẽ giúp kiểm soát chảy máu và kiểm soát tổn thương tuỷ sống, dò dịch não tuỷ dễ dàng hơn.

Bác sĩ Trần Trung Kiên cho biết: Đây là ca mổ rất hi hữu và vô cùng khó khăn nguy hiểm. Chỉ một động tác sơ sảy là bệnh nhân có thể liệt hoàn toàn 2 chi dưới. Nguy cơ chảy máu do tổn thương các mạch máu lớn trong khoang màng phổi là rất cao, thậm chí, có thể nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Vì thế, ca mổ đã diễn ra vô cùng căng thẳng.

Tuy nhiên, sau gần 30 phút căng thẳng của cả ekip phẫu thuật, chiếc đinh đã được gỡ ra khỏi nhu mô phổi và nhẹ nhàng rút ra khỏi tuỷ sống một cách an toàn, không gây tổn thương tuỷ sống và hệ thống mạch máu xung quanh tuỷ. Lỗ rút đinh chảy 1 chút dịch não tuỷ đã được bịt kín lại.

Tuy nhiên, do vết thương ở vị trí rất phức tạp nên sau khi phẫu thuật, các bác sĩ phải đợi bệnh nhân tỉnh táo trở lại để kiểm tra các dấu hiệu thần kinh có thật sự ổn không mới kết luận ca mổ đã thành công. Sau một ngày phẫu thuật, tuy bệnh nhân còn phải theo dõi sau mổ thêm 1 thời gian nhưng với thành công bước đầu như vậy đã có thể gọi là một kỳ tích khó tin của các thầy thuốc Việt Nam, đặc biệt là ở một bệnh viện của thành phố Hà Nội.

Từ trường hợp hy hữu này, các bác sĩ khuyến cáo các thầy thuốc nên thận trọng khi chỉ định mổ gãy xương đòn, đồng thời, các bệnh nhân đã mổ gãy xương đòn nên đi khám kiểm tra định kỳ và rút đinh sớm, tránh để xảy ra những biến chứng đáng tiếc.

Thanh Hằng

.
.