Cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai tiếp tục trễ hẹn

Thứ Sáu, 27/09/2019, 09:01
Dự án xây dựng cơ sở II của Bệnh viện (BV) Việt Đức và Bạch Mai tại Hà Nam được khởi công xây dựng từ cuối năm 2014 với kỳ vọng sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2017. Tuy nhiên, cả hai dự án đều chậm tiến độ hơn 2 năm.


Ngày 9-7, tại buổi kiểm tra tiến độ xây dựng dự án hai bệnh viện này, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị nhà thầu “hứa danh dự” bàn giao mặt bằng cho 2 bệnh viện vào cuối tháng 7, nhưng tới nay đã gần hết tháng 9, mặt bằng vẫn chưa thấy đâu.

Trước đó, tháng 10-2018, cả hai BV Bạch Mai và Việt Đức cơ sở II đều tổ chức khánh thành rầm rộ và Bộ Y tế dự kiến đến tháng 6-2019 sẽ đưa 2 bệnh viện này vào hoạt động, khiến cho người dân ở quanh khu vực phấn khởi khi họ không phải ra Hà Nội khám chữa bệnh. 

Nhưng đến nay đã gần hết quý III-2019, chỉ có Khoa khám bệnh của BV Bạch Mai hoạt động, còn lại các hạng mục khác của BV cũng như BV Việt Đức vẫn chưa được bàn giao mặt bằng để lắp đặt cơ sở vật chất đưa vào hoạt động.
Bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai phải nằm ghép trong khi cơ sở 2 vẫn dang dở.

Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở Hà Nam là 2 trong số 5 dự án xây dựng bệnh viện trọng điểm của ngành Y tế, vốn đầu tư lên đến trên 4.000 tỷ đồng/bệnh viện. 

Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú, công suất 3.500 lượt khám mỗi ngày, tổng diện tích sàn xây dựng 125.000m². Việc xây dựng cơ sở 2 của hai BV đầu ngành nhằm giảm tải cho bệnh viện ở cơ sở 1. Chủ trương, mục đích là vậy, nhưng người dân chưa kịp vui mừng đã thất vọng, bởi “càng chờ càng không thấy đâu”. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng quá tải của hai bệnh viện tại cơ sở I vẫn diễn ra ở một số khoa, phòng. Tại Viện Tim mạch của Bệnh viện Bạch Mai vẫn còn tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép giường. Ở Bệnh viện Việt Đức, một số khoa do quá đông bệnh nhân, phòng bệnh phải kê thêm giường san sát, chật chội. Cả hai bệnh viện đều mong chờ cơ sở II sớm đưa vào hoạt động để giảm tải cho cơ sở I.

Theo lý giải của Bộ Y tế, nguyên nhân chậm tiến độ của hai dự án trên là do còn tồn tại, vướng mắc về thủ tục giấy tờ, trong quá trình xây dựng có 2 lần cắt giảm vốn đầu tư, mỗi lần 10% và mỗi lần cắt giảm đều phải điều chỉnh lại thiết kế. Sau 2 năm chậm tiến độ, Bộ Y tế vẫn đang “loay hoay” giải quyết vướng mắc thủ tục, trong khi nhu cầu xã hội về y tế rất lớn.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 diễn ra sáng 26-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Bộ Y tế có nhiều dự án, công trình dang dở, không đưa vào sử dụng được, cụ thể là dự án BV Bạch Mai và Việt Đức, đây là khuyết điểm rất lớn mà Bộ Y tế phải rút kinh nghiệm, phải chỉ đạo làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm. 

Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế phải có biện pháp rõ hơn, cần tăng cường năng lực của Ban Quản lý dự án chuyên nghiệp hơn, hiểu biết hơn về thủ tục xây dựng cơ bản.

Tr.Hằng
.
.
.