Cảnh giác nhiễm sán từ “thú cưng”

Thứ Bảy, 30/03/2019, 11:09
Thú cưng tưởng chừng vô hại nhưng chúng ta đâu biết, trên mình chúng có thể chứa ký sinh trùng. Khi chơi đùa, ôm ấp, vô tình ký sinh trùng lây sang người.

Bé gái 6 tuổi ở Hà Giang phát hiện có 3 ổ sán chó ký sinh trong não, hay bé trai 4 tuổi bị nhiễm sán dây chó gần 4 năm bị chẩn đoán nhầm thành viêm da cơ địa lại một lần nữa cảnh báo về việc để trẻ nhỏ tiếp xúc, chơi đùa với “thú cưng” dẫn tới bị nhiễm sán.

3 ổ sán chó trong não bé gái 6 tuổi

Có mặt tại khu điều trị sán của Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương (SRKST&CTTƯ), tôi khá bất ngờ khi có nhiều trẻ nhỏ phải nằm viện điều trị sán chó và giun chó mèo ở đây. 

Tại phòng điều trị sán 2, tôi gặp anh Vàng Seo S ở huyện Vị Xuyên (Hà Giang) đang chăm sóc con gái 6 tuổi. Thấy người lạ, bé Vàng Thị T (con anh S) tỏ ra bẽn lẽn, ngoan ngoãn ngồi bên cạnh bố. 

Theo lời kể của anh S thì cách đây mấy tháng cháu T hay kêu đau đầu. Tưởng con đi học nô đùa nhiều, cộng với gió lạnh gây đau đầu nên gia đình cũng không để ý. Từ sau Tết, cơn đau đầu đến nhiều hơn. 

Tới đầu tháng 3-2019, cháu T bắt đầu lên cơn co giật. Lần gần đây nhất cháu đau đầu gây co giật từ 7h tối đến 12h đêm. Sáng hôm sau, vợ chồng anh tức tốc đưa con đến Bệnh viện Đa khoa Hà Giang chụp não, phát hiện trong não cháu T có ổ sán, bệnh viện giới thiệu xuống Viện SRKST&CTTƯ điều trị.

Ngày 13-3, cháu T nhập Viện SRKST&CTTƯ với chẩn đoán là sán dây chó ký sinh trong não. Anh S kể: “Bác sĩ nói trong não cháu có 3 ổ sán chó ký sinh, kích thước lớn, phải điều trị ít nhất 28 ngày hoặc lâu hơn nữa. Bác sĩ cũng nói nguyên nhân là do cháu chơi với chó mèo, không may xước xát ký sinh trùng đi qua vết xước vào máu”.

 Anh S cho biết thêm, nhà anh thường xuyên nuôi chó. Cháu T rất thích con vật này, từ nhỏ đã thường xuyên quấn quýt, gần gũi, ôm ấp chúng nên nhiễm ký sinh trùng từ khi nào không rõ.

Bên cạnh phòng của cháu T có một bé trai 4 tuổi ở xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh (Hà Nội) nhiễm sán chó mèo đang điều trị. Bà Nguyễn Thị Thìn, bà nội cháu bé cho biết: “Thấy cháu gầy, không chịu ăn, thỉnh thoảng đau bụng, rối loạn tiêu hóa, gia đình cho đi khám mới biết cháu nhiễm sán chó mèo”. 

Theo lời kể của bà Thìn, gia đình bà nuôi chó đẻ nhiều năm nay, cháu bé rất yêu chó con, cả ngày chơi đùa với đàn chó. Cháu còn cho chó con lên xe đạp chở đi quanh sân rao bán “Ai mua chó đê”. Không ngờ qua tiếp xúc, ôm ấp chó mà cháu bị nhiễm sán. “Lần này điều trị xong, gia đình phải cho cháu cách ly với chó để tránh lại nhiễm bệnh”- bà Thìn cho biết.

Phụ huynh đưa trẻ đi xét nghiệm sán ở Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương.

Mắc sán chó nhưng 4 năm bị chẩn đoán nhầm

Không phải ai nhiễm sán dây chó, giun đũa chó đi khám cũng được chẩn đoán chính xác, mà bị chẩn đoán nhầm, điều trị nhầm kéo dài nhiều năm khiến bệnh tình chuyển biến trầm trọng, kéo theo bao đau khổ. Điển hình là bé trai Nguyễn Tuấn A (5 tuổi, ở Đông Triều, Quảng Ninh). 

Tôi gặp bé Tuấn Anh vào ngày 19-3 tại phòng điều trị sán 104, Viện STKST&CTTƯ. Toàn thân bé bị ngứa sần đỏ, những vết ngứa ở chân do gãi đã lở loét chảy máu đóng vảy. Chốc chốc cháu lại vò mặt, vò đầu, ngứa ngáy bứt rứt khắp người. Mẹ cháu kể, mùa đông cũng phải bật quạt vì cháu ngứa không chịu được. Triệu chứng ngứa toàn thân xuất hiện khi cháu 4 tháng tuổi và kéo dài đến nay. 

Gia đình cho cháu đi khám chữa rất nhiều bệnh viện, nhiều nơi ròng rã gần 4 năm, ở đâu cũng chẩn đoán cháu bị viêm da cơ địa nhưng uống hết đợt thuốc này tới đợt thuốc khác cháu cũng không khỏi. Bệnh tình khiến cháu gầy yếu, đau đớn trong nhiều năm. 

Đầu tháng 3-2019, chị đưa con đến Viện SRKST&CTTƯ khám, sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán cháu nhiễm ấu trùng sán chó, sán dây chó, giun lươn. Cháu bị lây từ việc nhà chị nuôi chó. “Cháu nằm viện nửa tháng rồi mà triệu chứng ngứa vẫn chưa thấy đỡ”- vừa bôi thuốc cho con, mẹ cháu vừa cảm thán.

Ôm ấp, chơi đùa với chó mèo không chỉ nhiễm sán, mà còn nhiễm giun đũa chó mèo, điều trị rất vất vả, đặc biệt là ở trẻ em. Phòng khám đa khoa Medlatec Hồ Chí Minh vừa điều trị cho một bệnh nhân nam 35 tuổi, trú tại quận 12, TP Hồ Chí Minh, bị nhiễm giun đũa chó. 

Anh này vào khám với triệu chứng mẩn ngứa gan bàn tay, da căng sần, thường xuất hiện vào buổi tối, không thấy nổi mụn nước. Dựa vào những triệu chứng trên và kết quả xét nghiệm, bác sĩ khẳng định anh bị nhiễm giun đũa chó và kê đơn điều trị. 

Theo BS Nguyễn Thu Trang, Phòng khám đa khoa Medlatec TP Hồ Chí Minh, khi cơ thể nhiễm giun đũa chó mèo, người bệnh có những biểu hiện như: Ngứa, nổi mẩn, đau đầu, đau bụng, khó tiêu, đau nhức mỏi, tê bì, sốt, thở khò khè. 

Ngoài ra có thể kèm một hoặc các triệu chứng như: Gan to, viêm phổi, đau bụng mạn tính, rối loạn thần kinh khu trú, tổn thương ở mắt, rối loạn thị lực, viêm mắt, tổn thưởng võng mạc. Vì vậy, khi xuất hiện những bất thường đó, người dân nên đến cơ sở y tế để kiểm tra, từ đó bác sĩ sẽ đưa lời khuyên và phương án điều trị chính xác.

Theo GS Nguyễn Văn Đề, nguyên Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng, ĐH Y Hà Nội, giun đũa chó và ký sinh trùng sán chó là hai loại ký sinh trùng dễ gặp nhất khi nuôi chó mèo. Những người mắc bệnh thường là vật chủ ngẫu nhiên, do nuốt phải trứng giun có trong đất hoặc nước bị nhiễm phân chó mèo, hoặc nuốt phải ấu trùng giun khi ăn thịt chó mèo chưa nấu chín. 

Người nuốt phải trứng giun đũa chó, trứng nỏ giải phóng ấu trùng trong ruột non, ấu trùng chui qua thành ruột di chuyển đến gan. Từ gan, ấu trùng qua hệ tuần hoàn và bạch huyết di trú đến các tổ chức khác như phổi, nội tạng ở bụng, mắt… gây ra các tổn thương ở nội tạng.

Bệnh sán chó cũng nguy hiểm không kém, bệnh nhân bị sán dây chó rất khó phòng cũng như chẩn đoán, chủ yếu qua hình ảnh chụp CT scan nhìn rõ vách ngăn và dạng nang nước, phải có chuyên môn sâu về chẩn đoán hình ảnh mới có thể nhìn ra. Nhiều người đi khám thấy ở gan và phổi có u nghĩ là ung thư nên về nhà nằm chờ chết nhưng bệnh không diễn biến như thế. 

Tác nhân gây bệnh là Echinococcus, một loại sán dây ký sinh trong ruột của họ chó. Trứng của chúng theo phân ra ngoài môi trường và phát tán vào đất, bụi, rau… Trẻ con thường dễ nhiễm sán cho do hay chơi đùa dưới đất, bốc thức ăn dưới đất bỏ vào miệng. Trứng sán cũng có lẫn trong rau trồng trong vườn, khi rau không được rửa sạch hay nấu chưa chín.

Vì vậy, để phòng bệnh, BS Nguyễn Thu Trang khuyến cáo, người dân hằng tuần dọn dẹp sạch sẽ nơi chó, mèo nằm. Phân chó, mèo phải được chôn lấp hay bỏ vào túi và vứt bỏ vào thùng rác, định kỳ tẩy giun cho chó, mèo. Không cho trẻ chơi đùa nơi có chó, mèo thải phân, không ôm ấp, hôn hít chúng. Rửa tay với xà phòng sau khi chơi đùa với chó, mèo, sau khi nghịch đất cát và trước khi ăn uống.

Trần Hằng
.
.
.