Căn bệnh nhiễm vi khuẩn “ăn cánh mũi”gây tử vong 40%

Chủ Nhật, 22/09/2019, 09:00
Liên quan tới căn bệnh Whitmore do nhiễm một loại vi khuẩn có biểu hiện lâm sàng “ăn cánh mũi” người đang là vấn đề bức xúc, các chuyên gia thuộc Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Viện Pasteur TP HCM cho biết, tỉ lệ tử vong chung của căn bệnh là 15%, nhưng có thể lên tới 40%.


Khoảng 165.000 người mắc, 89.000 người chết do Whitmore mỗi năm

Theo ThS.BS Lương Chấn Quang, Phó trưởng Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Viện Pasteur TP HCM, bệnh Whitmore gây ra bởi nhiễm vi khuẩn có tên là Burkholderia pseudomallei có độc lực cao, được tìm thấy trong đất, ruộng lúa và những nơi nước ứ đọng. 

Bệnh đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có quốc gia báo cáo với tỉ lệ bệnh cao như Thái Lan và Australia. Ước tính có khoảng165.000 người mắc bệnh Whitmore mỗi năm trên toàn thế giới, 89.000 người chết. Tại nước ta, trường hợp đầu tiên đã được mô tả vào năm 1925 ở một địa bàn thuộc khu vực TP HCM. 

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy bệnh phân bố khắp cả nước các miền: Bắc, Trung, Nam. Tại khu vực phía Nam, các bệnh viện đầu ngành truyền nhiễm ghi nhận khoảng 100 ca một năm. Bệnh xuất hiện tản phát trong cộng đồng, quanh năm nhưng thường tăng vào mùa mưa.

Riêng ở BV Bệnh nhiệt đới TP HCM, từ đầu năm 2019 đến nay cũng đã ghi nhận 14 trường hợp mắc bệnh nhập viện điều trị. 9 tháng qua, tháng nào cũng có ca bệnh, tập trung vào tháng 6, 7 và 8.

BS Lê Bửu Châu, Trưởng khoa Nhiễm B - BV Bệnh nhiệt đới TP HCM cho biết vi khuẩn Burkholderia pseudomallei được phát hiện từ rất lâu và bệnh ngày càng nhiều trên thế giới. 

Theo báo cáo, thời điểm trước năm 1975, trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên là một phụ nữ 24 tuổi, sống tại quận Thủ Đức đang mang thai tháng thứ 5. Bệnh nhân này sốt cao liên tục, đau lưng, buồn nôn, ho khan, nấc cụt. 

Tình trạng diễn biến xấu dần, bệnh nhân sảy thai, thiếu máu, kiệt sức dần và tử vong vào ngày bệnh thứ 14. Trung bình tại BV Bệnh nhiệt đới TP HCM mỗi năm cũng tiếp nhận điều trị khoảng 25-30 ca. Trong đó, tỉ lệ bệnh nhân làm nghề nông chiếm 32,8%.

Phòng xét nghiệm tìm các loại vi khuẩn gây bệnh trên người tại Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM.

Triệu chứng lâm sang “đóng vai” nhiều bệnh khác nên dễ chẩn đoán nhầm

Theo Th.S Lương Chấn Quang, điều đáng nói là các triệu chứng lâm sàng của bệnh đa dạng. Bệnh nhân được nhập viện từ chuyên khoa khác nhau như hô hấp, cơ - xương - khớp, nội tiết, da liễu, ngoại khoa... do bệnh nhân mắc bệnh Whitmore thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như: viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu… 

Ngay cả khi được khẳng định chẩn đoán bệnh Whitmore, việc điều trị cũng hết sức khó khăn vì phải dùng kháng sinh tấn công liều cao kéo dài liên tục trong ít nhất 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì thêm từ 3 - 6 tháng. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và vẫn có thể tử vong dù đã được chẩn đoán đúng. 

Việc theo dõi điều trị bệnh kéo dài, lại tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỉ lệ tử vong do Whitmore còn cao, lên tới 40%.

ThS. Diệp Thế Tài, Phó trưởng Khoa Vi sinh Miễn dịch Viện Pasteur TP HCM còn cho biết, bệnh không có biểu hiện lâm sàng nào đặc trưng. Thậm chí giống bệnh cảnh ung thư. Có thể thay đổi từ nhiễm trùng không triệu chứng, loét/ áp xe da khu trú, đến tình trạng nặng hơn gồm viêm phổi mạn tính giống lao phổi, và sốc nhiễm trùng tối cấp với áp xe nhiều cơ quan nội tạng.

Bệnh thường xảy ra và diễn tiến nặng ở nhóm người có các bệnh lý nền mạn tính hoặc suy giảm miễn dịch, như đái tháo đường, bệnh có chỉ định điều trị corticoid kéo dài, bệnh gan mạn, bệnh thận mạn, nghiện rượu. 

Nghiên cứu cho thấy, bệnh Whitmore gặp ở những người thường tiếp xúc đều đặn với đất và nước bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Vi khuẩn này xâm nhập vào người chủ yếu qua vết thương hở ở da, qua hít phải bụi đất, uống hoặc sặc nước ô nhiễm. Bệnh vẫn chưa có vaccin ngừa bệnh. 

Do vậy, việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa cá nhân là rất quan trọng, đặc biệt với người có bệnh lý mạn tính, người làm nghề thường xuyên tiếp xúc đất hay nước ô nhiễm. 

Để phòng tránh bệnh, những người tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động, nếu có trầy xước ngoài da cần điều trị sớm và triệt để. Người có bệnh lý mạn tính chẳng hạn như đái tháo đường hoặc điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch cần tránh tiếp xúc với nước, đất và nên ở nhà khi trời mưa to, gió lớn ở vùng có bệnh dịch.

Ở những nơi có ghi nhận bệnh dịch, khi bị các tổn thương trên da, cần tránh tiếp xúc trực tiếp với các nguồn nhiễm; hoặc nếu có nhiễm đất, nước lên vùng tổn thương da thì cần rửa sạch ngay. Những người làm các công việc trên đồng ruộng hoặc thường xuyên ngâm trong đất, nước thì cần mang găng tay và giày ống cao su.

Tại cơ sở y tế, các biện pháp phòng ngừa tiêu chuẩn bao gồm rửa tay thường xuyên, mang găng tay, áo choàng, khẩu trang cũng cần áp dụng để ngăn chặn việc truyền nhiễm từ máu hay dịch tiết cơ thể của bệnh nhân Whitmore, nhất là nhân viên phòng xét nghiệm trực tiếp xử lí các mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân; nhân viên trực tiếp chăm sóc và điều trị bệnh nhân.

Nữ bệnh nhân bị vi khuẩn Whitmore tấn công cánh mũi đã ra viện

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Ngày 28-9, Trung tâm tiếp nhận bệnh nhân P.T.S (nữ, 49 tuổi, ở Bắc Kạn) được bệnh viện tỉnh chuyển đến trong tình trạng sốt cao liên tục. 

Một tuần trước khi vào viện, bệnh nhân xuất hiện nhọt ở cánh mũi và có dấu hiệu hoại tử lan rộng, đồng thời xuất hiện thêm ổ áp-xe ở khớp cổ chân phải. Tại tuyến dưới, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng huyết do tụ cầu trên nền bệnh nhân đái tháo đường týp 2 và được điều trị kháng sinh rocephin, vancomycin, metronidazol nhưng không đỡ và dược chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, các bác sĩ đã cho cấy mủ để tìm nguyên nhân, kết quả dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (còn có tên gọi là Whitmore). 

“Khi đó chúng tôi phải thay đổi hoàn toàn phác đồ điều trị, nếu không bệnh nhân sẽ nguy hiểm tính mạng” - PGS Cường nói. Sau 4 tuần điều trị, bệnh nhân cắt sốt, ổn định,ăn ngon miệng, tổn thương ở cánh mũi đã được hồi phục hoàn toàn và được xuất viện ngày 19-9. Theo chia sẻ của PGS Cường, ca bệnh tổn thương cánh mũi này lần đầu tiên gặp ở Việt Nam và cũng chưa từng được đề cập trong y văn thế giới, vì vậy chẩn đoán ban đầu rất khó khăn.

       Trần Hằng

Huyền Nga
.
.
.