Các cơ sở y tế sẵn sàng ứng phó với dịch cúm mùa

Thứ Tư, 21/02/2018, 17:18

Ở nước ta, số người mắc bệnh cúm thường tăng vào mùa đông - xuân như hiện nay. Theo Bộ Y tế, 10 năm gần đây, mỗi năm cả nước có từ 1-1,8 triệu người mắc cúm, do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1) và cúm B gây nên.



Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn thành phố đã có trên 1.000 ca mắc cúm. Còn tại Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã tiếp nhận gần 1.000 người mắc cúm đến khám, trong đó, gần 400 người phải nhập viện điều trị. 

Tại BV Đống Đa (Hà Nội), từ đầu năm 2018 đến nay, mỗi ngày BV có 10 bệnh nhân mắc cúm đến khám. Để tránh lây chéo, BV đã phải bố trí riêng tầng 3 của Khoa truyền nhiễm với 15 giường để điều trị cho bệnh nhân cúm. Ở BV Xanh Pôn cũng đã có khoảng 400 bệnh nhân cúm đến khám và điều trị.

Tuy nhiên, những người mắc chủ yếu là cúm mùa, chưa phát hiện chủng biến đổi hay có cúm độc lực cao. Hầu hết các trường hợp vào viện vì có biến chứng viêm phế quản phổi, trong đó, những người có nguy cơ cao như tim mạch, phổi tắc nghẽn mãn tính, trẻ nhỏ... Chưa có ca tử vong.

Trước tình hình dịch cúm gia tăng, nhiều cơ sở y tế đã đồng loạt kê thuốc Tamiflu cho bệnh nhân nhiễm cúm, dẫn đến tình trạng khan hiếm ngoài thị trường. Có bệnh nhân phải mua 500.000 đồng/viên, thậm chí 5 triệu đồng/vỉ thuốc. Trong khi đó, các bác sĩ lưu ý thuốc Tamiflu chỉ dùng trong những trường hợp cần thiết, có biến chứng, nhóm nguy cơ cao, chứ không phải trường hợp mắc cúm nào cũng cần dùng.

Tiêm vaccine là một biện pháp hữu hiệu phòng bệnh cúm

Khẳng định việc dư luận lo ngại thiếu thuốc Tamifu là không cần thiết, đại diện BV Nhiệt đới Trung ương cho biết kho dự trữ thuốc Tamiflu của BV hiện có 35.000 viên, đã cho một số cơ sở y tế vay. BV Bạch Mai cũng còn gần 1.300 viên thuốc Tamiflu để dùng cho người bệnh. BV Đống Đa và BV Xanh Pôn cũng đều có đủ Tamiflu để điều trị cho bệnh nhân cúm bị biến chứng.

“Thuốc Tamiflu được chỉ định dùng điều trị cúm cho trẻ dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch... Các bác sĩ không nên chỉ định sử dụng rộng rãi Tamiflu, để tránh kháng thuốc và tránh tạo nên cơn sốt giả về loại thuốc này. Các BV cũng cần giám sát chặt chẽ các bác sĩ trong việc kê đơn Tamiflu.” – Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhằm sẵn sàng ứng phó với dịch cúm trong thời tiết nóng lạnh bất thường hiện nay, ông Lương Ngọc Khuê yêu cầu các BV Nhi Trung ương, BV Bạch Mai, BV Đống Đa, BV Thanh Nhàn, BV Nam Thăng Long... có kế hoạch thường trực cấp cứu, đón tiếp, phân luồng, cách ly bệnh nhân, chuẩn bị đủ vật tư, đảm bảo không lây chéo, giảm thấp nhất biến chứng, đặc biệt là hạn chế tối đa tử vong. Các BV cũng cần rà soát lại số thuốc Tamiflu dự trữ để không bị động khi bệnh nhân phải nhập viện đông. 

Hiện các BV tuyến trung ương cho biết đều đã triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó với dịch cúm trong mùa đông xuân, để không bị động nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp. BV Bạch Mai đã triển khai 1 sàn cấp cứu bệnh nhân nhi và 2 sàn cấp cứu bệnh nhân người lớn; dồn máy thở cho khoa hồi sức; huy động 12 máy Ecmo; dự trữ 1.260 viên Tamiflu...  BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BV Nhi Trung ương cũng đã triển khai phân luồng từ khoa khám bệnh, để tránh dịch lây lan, đồng thời dành riêng số giường đáng kể để điều trị cách ly các bệnh nhân mắc cúm. Các BV cũng đã chủ động chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị và thuốc men đầy đủ để ứng phó với dịch cúm.

Ông Nguyễn Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, suốt những ngày Tết cho đến nay, việc kiểm dịch y tế quốc tế ở sân bay Nội Bài luôn được duy trì, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp mắc cúm nguy hiểm xâm nhập vào Việt Nam.

Trước tình hình dịch cúm trong nước và trên thế giới đều gia tăng trong những tuần đầu năm 2018, khi đã bùng phát tại Mỹ, Hồng Kông và Triều Tiên, nhất là tiếp tục phát hiện các trường hợp mắc cúm A(H7N9) tại Trung Quốc, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế các địa phương và các BV tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong các tháng đông xuân năm 2018, nhằm hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc bệnh và tử vong.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố tăng cường hoạt động của BCĐ phòng, chống dịch bệnh các cấp về giám sát và phòng chống bệnh sởi và cúm ở người, đồng thời thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ít nhất 95% ở quy mô xã, phường.

Bên cạnh đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur chỉ đạo và hỗ trợ các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện, chẩn đoán tác nhân gây bệnh; triển khai các biện pháp kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây dịch, theo dõi sự biến chủng của virus gây bệnh, bảo đảm các hoạt động chống dịch, không để dịch lan rộng, kéo dài.

 “Các BV phải tổ chức tốt việc sàng lọc, phân luồng khám bệnh, cách ly, thiết lập khu vực riêng điều trị bệnh nhân sởi và cúm, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để nhiễm chéo trong BV; sẵn sàng các đội cấp cứu cơ động để kịp thời hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới khi có yêu cầu. Cục Quản lý Dược chỉ đạo các BV, công ty dược phẩm cung ứng đủ thuốc, có chất lượng, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vaccine, tránh tình trạng tăng giá đột biến, đặc biệt là thuốc điều trị.” – Người đứng đầu ngành y tế yêu cầu.


Thanh Hằng
.
.
.