Bước tiến mới trong sàng lọc máu, giảm hậu quả đau lòng vì lây truyền bệnh

Thứ Ba, 26/04/2016, 19:17
Việc sàng lọc máu vô cùng quan trọng. Vì thế, việc chính thức công bố ứng dụng thành công kỹ thuật xét nghiệm máu sinh học phân tử (NAT) trong sàng lọc máu của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương vào ngày 26-4, đã đánh dấu một bước tiến mới trong việc đảm bảo an toàn truyền máu cho bệnh nhân bằng việc rút ngắn thời gian phát hiện virus gây bệnh có trong máu.

Hơn 10 năm trước, trong một CLB của người nhiễm HIV, có một phụ nữ độc thân bị nhiễm HIV trong trường hợp rất đau lòng. Chị bị tai nạn giao thông, phải truyền máu và do việc sàng lọc máu không tốt, chị đã bị lây HIV từ người em cho máu. Chị bảo, sự cố đó đã làm xoay chuyển cuộc đời chị, khiến chị luôn cảm nhận rằng, cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào. Đáng tiếc, trường hợp vô tình bị nhiễm bệnh trong truyền máu như chị, không phải là duy nhất.

Rõ ràng, việc sàng lọc máu vô cùng quan trọng. Vì thế, việc chính thức công bố ứng dụng thành công kỹ thuật xét nghiệm máu sinh học phân tử (NAT) trong sàng lọc máu của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương vào ngày 26-4, đã đánh dấu một bước tiến mới trong việc đảm bảo an toàn truyền máu cho bệnh nhân bằng việc rút ngắn thời gian phát hiện virus gây bệnh có trong máu.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đánh giá cao việc ứng dụng thành công NAT. 

Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, NAT là kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay, mở ra kỷ nguyên mới bảo đảm an toàn truyền máu, cung cấp nguồn máu an toàn, kịp thời với việc thực hiện trên máy xét nghiệm sinh học phân tử hoàn toàn tự động sàng lọc virus viêm gan B (HBV), viêm gan C (HCV) và HIV cho độ chính xác, độ nhạy cao, đem hiệu quả rõ rệt trong việc rút ngắn thời gian cửa sổ phát hiện các virus.

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương giới thiệu những ưu việt của kỹ thuật. 

Nếu biết rằng trong cộng đồng, tỉ lệ nhiễm HIV chiếm khoảng 0,25%, viêm gan B và C cũng chiếm 2,5 đến 25% và đến ngày 15-12-2015, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phát hiện thêm 257 trường hợp nhiễm 1 trong 3 loại virus HIV, HCV, HBV trong số hơn 250.000 đơn vị máu được xét nghiệm sàng lọc, mới thấy được ý nghĩa quan trọng của việc sàng lọc máu bằng kỹ thuật hiện đại này. 

Bởi cứ mỗi người hiến máu sẽ có từ 1 đến 4 người nhận, trong khi, mỗi ngày Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cung cấp khoảng 1.000 đơn vị máu cho điều trị. Nếu không sàng lọc máu hoặc sàng lọc không an toàn, nguy cơ lây truyền bệnh rất lớn. Điều này được BS.CKII, Phạm Tuấn Dương, Phó Giám đốc Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương khẳng định.

Những năm qua, việc phát hiện các virus lây qua đường truyền máu vẫn được thực hiện bằng các xét nghiệm huyết thanh học. Nhưng với những người mới bị nhiễm bệnh thì lượng virus còn quá ít và cơ thể chưa tạo ra kháng thể, nên kỹ thuật này chưa thể phát hiện ra. 

Thời gian này được gọi là giai đoạn cửa sổ. Tuy thời gian cửa sổ đã được rút ngắn hơn trước rất nhiều nhờ kỹ thuật điện hóa phát quang, nhưng nguy cơ người nhận máu bị lây nhiễm bệnh lây qua đường truyền máu vẫn còn. Chính vì thế, rút ngắn giai đoạn cửa sổ để phát hiện sớm nhất các bệnh lây qua đường truyền máu là vấn đề hết sức quan trọng.

Kỹ thuật NAT mở ra kỷ nguyên mới trong sàng lọc máu, tránh lây nhiễm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng việc truyền máu là một trong ba yếu tố đánh giá sự phát triển y tế của mỗi quốc gia. Để đảm bảo an toàn truyền máu bằng rút ngắn giai đoạn cửa sổ, từ năm 2014, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã là đơn vị đầu tiên của cả nước triển khai thành công kỹ thuật NAT trong xét nghiệm sàng lọc máu. 

Đây là kỹ thuật xét nghiệm virus HBV, HCV và HIV đã được Cơ quan FDA Hoa kỳ công nhận từ năm 2002 và trong 10 năm triển khai (1998-2008) tại 37 nước, đã phát hiện khoảng 3.000 trường hợp nhiễm tác nhân gây bệnh, mà xét nghiệm huyết thanh học không phát hiện được. Vì thế, Bộ Y tế đã đồng ý để Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chính thức triển khai kỹ thuật này.

GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết, xét nghiệm NAT phát hiện trực tiếp các DNA hoặc RNA của virus thông qua nhân bản đoạn gen đặc hiệu của virus, dù khá thấp trong máu ngay từ lúc mới nhiễm, tăng lên nhiều lần và sau đó xác định chính xác virus lây nhiễm và cho kết quả có độ nhạy cao. 

Trước kia, để phát hiện chính xác máu có bị nhiễm virus hay không, phải sử dụng phương pháp xét nghiệm Elisa, nên khoảng thời gian cửa sổ cho HIV là 3 tháng, còn viêm gan B là 85 ngày. Nhưng với việc áp dụng kỹ thuật xét nghiệm NAT, thời gian cửa sổ cho xét nghiệm virus HIV chỉ còn 7- 10 ngày. 

Kỹ thuật hiện đại tăng số lượng mẫu và rút ngắn thời gian xét nghiệm.

“Ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm NAT thật sự góp phần mở ra kỷ nguyên mới bảo đảm an toàn truyền máu, cung cấp nguồn máu an toàn, kịp thời” - GS.TS Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Kỹ thuật NAT làm tăng khả năng phát hiện khi lượng virus này quá ít trong máu, góp phần ngăn ngừa hữu hiệu nguy cơ lây truyền virus do người hiến máu nhiễm tác nhân gây bệnh ở giai đoạn cửa sổ, cho phép rút ngắn thời gian cửa sổ từ 90 ngày xuống còn từ 30 đến 40 ngày đối với viêm gan C, từ 60 ngày xuống còn 20 đến 30 ngày đối với viêm gan B. 

Bên cạnh đó, kỹ thuật NAT còn có thể phát hiện những trường hợp nhiễm virus thể ẩn, tức là những người đã nhiễm bệnh một thời gian dài, nhưng virus chỉ tồn tại tiềm tàng trong các tế bào và cơ thể người nhiễm không sản sinh ra kháng thể, do đó không thể phát hiện được bằng các xét nghiệm gián tiếp. Điều này là vô cùng quan trọng và cần thiết khi tỷ lệ nhiễm mới, tái nhiễm và nhiễm HBV thể ẩn trong cộng đồng rất cao.

Trong năm 2016 cả nước dự kiến tiếp nhận khoảng 1,3 triệu đơn vị máu và sẽ tăng lên 1,8 triệu đơn vị máu vào năm 2020. Do vậy, việc đảm bảo an toàn truyền máu luôn được đặt lên hàng đầu. Vì thế, sau thành công của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Bộ Y tế cho phép xét nghiệm này được triển khai ở các trung tâm truyền máu của Bệnh viện huyết học-truyền máu TP. Hồ Chí Minh và đến 2018, sẽ được xét nghiệm cho tất cả các đơn vị máu trong cả nước để đảm bảo an toàn truyền máu cho người bệnh. 

Để hỗ trợ cho Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Công ty ROCHE đã đặt tại đây hệ thống máy xét nghiệm NAT trị giá 12 tỷ đồng. Trước đây, các máy móc thông thường chỉ xét nghiệm được 120 mẫu với thời gian 6 tiếng, thì nay, một lần xét nghiệm đã được 520 mẫu mà thời gian chỉ 3-4 tiếng.

Thanh Hằng
.
.
.