Bệnh viện Việt Đức khẳng định thực hiện đúng qui định pháp luật trong hiến –ghép thận
Mới đây, Công an Hà Nội đã phá một đường dây mua bán thận, trong đó có đối tượng bán thận và có người đã được ghép thận.Tuy nhiên, đại đa số là lừa đảo những người cần thay thận để lấy tiền.
Câu hỏi được đặt ra là qui trình hiến-ghép thận được làm thế nào để hạn chế được những tiêu cực trong lĩnh vực này? Rõ ràng là với hàng chục nghìn người có nhu cầu ghép tạng, trong đó, riêng số người cần ghép thận cũng khoảng 6.000 người, thì nhu cầu ghép thận ở nước ta là rất lớn.
Trong khi đó, số người chết não hiến thận là rất ít, do những rào cản về nhận thức của nhiều người dân, nhưng hiến thận lại có thể được thực hiện ở người cho đang sống. Vì thế, hầu hết các ca ghép tạng ở ta là từ người cho sống, chủ yếu là cùng huyết thống, hay trong gia đình: con cho bố/mẹ; anh chị em ruột cho nhau, hoặc chồng cho vợ vv…
Trao đổi với PV Báo CAND, GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức cho biết, BV Việt Đức có Trung tâm ghép tạng lớn nhất cả nước, lại là BV ngoại khoa hàng đầu nên số người được ghép cũng như chờ ghép ở đây luôn rất đông.
Theo Luật, người hiến thận tình nguyện hiến cho người cần ghép là được phép nhưng với các yêu cầu bắt buộc người hiến được tư vấn khi đăng ký và trước khi hiến; khi hiến bắt buộc phải có mặt của bố/mẹ và vợ/chồng để đảm bảo có sự đồng thuận trong gia đình.
BV đã xây dựng quy trình hiến –ghép thận rất chặt chẽ, đúng pháp luật với thủ tục hồ sơ có xác nhận của Công an địa phương, UBND xã/phường. Vì thế, không thể có chuyện tiếp tay của BV với đường dây mua bán thận.
Mới đây, BV đã phối hợp với Công an TP Hà Nội để làm rõ 5 cặp ghép thận tại BV Việt Đức được cho là có nghi vấn. Sau khi Trung tâm ghép tạng phối hợp với Phòng KHTH rà soát lại toàn bộ các hồ sơ, BV đã cung cấp thông tin đầy đủ về các cặp ghép này cho cơ quan điều tra.
GS. Trần Bình Giang và tập hồ sơ pháp lý hiến –ghép thận của bệnh nhân. |
PGS.TS. Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép tạng của BV Việt Đức đã cho chúng tôi xem toàn bộ hồ sơ chuyên môn và pháp lý của 5 cặp ghép trên. Theo đó có 5 cặp hiến –ghép không cùng huyết thống, nhưng người hiến đều có người ruột thịt đến nghe và ký cam kết khi hiến.
Theo PGS.TS. Nguyễn Quang Nghĩa, quy trình đánh giá tuyển chọn bệnh nhân ghép thận tại BV Việt Đức được xây dựng từ lâu với các thủ tục chặt chẽ. Theo đó, người nhận thận sẽ được khám, tư vấn ghép thận và nếu có người hiến sống sẽ được ghép cặp và đánh giá ghép.
Thời gian đánh giá và tiến hành ghép từ 2 - 4 tuần. Người bệnh cũng có thể đăng ký vào danh sách chờ ghép từ người cho chết não và được xếp theo thứ tự ưu tiên (thời điểm đăng ký, mức độ bệnh) và được ghép khi có người hiến tạng chết não.
Với người hiến thận, do luật quy định công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống.
Vì vậy BV Việt Đức tiếp nhận tất cả những trường hợp có nhu cầu hiến tạng để đánh giá. Việc đánh giá sẽ theo các bước: Bước 1 là sàng lọc bước đầu: các xét nghiệm cơ bản (xét nghiệm máu, XQ phổi, SA bụng…) để loại trừ những trường hợp chống chỉ định (chủ yếu là các bệnh lý lây nhiễm mạn tính: Lao, viêm gan, u gan…).
Bước này làm nhanh và chi phí thấp (1 triệu đồng). Bước 2 chuyên gia tư vấn đánh gía, giải thích về nguy cơ của việc hiến tạng cho bệnh nhân và gia đình. Nếu bệnh nhân và gia đình đồng ý sẽ tiến hành xác minh pháp lý.
Bước 3 là bước lâu nhất và người hiến thường phải đi lại nhiều lần để bổ sung hồ sơ. Khi hồ sơ pháp lý được chấp nhận thì người hiến mới tiếp tục làm các bước đánh giá chuyên môn tiếp.
Bước này yêu cầu xác minh pháp lý của người hiến thận và gia đình với quy định là tối thiểu phải có 2 người thân nhất: bố, me, vợ, anh chị em từ 18 tuổi trở lên (phải trình các giấy tờ bản gốc có tính pháp lý) có mặc xác nhận.
Bộ hồ sơ pháp lý phải được văn phòng công chứng xác minh và sao y bản chính để BV lưu trữ. Toàn bộ hồ sơ pháp lý sẽ được Khòng KHTH xem xét độc lập và xác nhận để đảm bảo tính khách quan.
Tất cả những thay đổi, bổ sung đều được hoàn thiện, các giấy tờ pháp lý quá 3 tháng phải làm lại (xác nhận tình trạng dân sự, hôn nhân….). Người hiến tạng phải có tên trong Danh sách hiến tạng quốc gia chứ không phải tùy hứng đến hiến cho người muốn ghép.
Bước thứ tư là đánh giá khả năng hiến thận và phù hợp miễn dịch của người hiến và người nhận, gồm các thăm dò chuyên sâu đánh giá toàn bộ sức khoẻ của người hiến (thăm khám hô hấp, tim mạch, gan mật, chức năng thận…), đánh giá từng bên thận để lựa chọn lấy thận nào; đánh giá mức độ hoà hợp miễn dịch giữa người cho và người nhận (đọ chéo, tiền mẫn cảm, kháng nguyên hoà hợp tổ chức HLA…). Hồ sơ người hiến sau khi hoàn thành sẽ được chuyên gia nội thận xem xét.
Ghép tạng tại BV Việt Đức. |
PGS.TS. Nguyễn Quang Nghĩa cho biết thêm, bước cuối cùng thuộc là Hội chẩn quyết định ghép: Hội chẩn lần 1 bao gồm các chuyên gia (ghép tạng, phẫu thuật tim mạch, phẫu thuật tiết niệu, gây mê hồi sức, nội thận, kế hoạch tổng hợp….) để quyết định có lấy thận được không?
Lấy thận bên nào…. Hội chần lần 2 toàn BV mà ở đó, Trung tâm ghép tạng sẽ trình bày trước Giám đốc BV toàn bộ hồ sơ chuyên môn và pháp lý để xin chỉ định lấy thận và ghép thận.
“Trên thực tế, BV đã làm hết chức năng, nhiệm vụ của mình là chuyên môn lấy và ghép tạng, cũng như xây dựng các qui định để đảm bảo minh bạch trong ghép tạng, đồng thời kiểm tra hồ sơ thủ tục của người hiến và người ghép đảm bảo tính pháp lý, dựa trên xác nhận của chính quyền địa phương.
Toàn bộ hồ sơ của 5 ca ghép do Công an Hà Nội đề nghị BV Việt Đức phối hợp đã được chuyển cho Công an Hà Nội. Cho đến nay, Công an Hà Nội không có khuyến cáo gì về trách nhiệm của BV Việt Đức trong các ca ghép này, vì BV đã làm đúng theo qui định của pháp luật”- GS. Trần Bình Giang khẳng định.