Số ca mắc bệnh thủy đậu tăng vọt và cách phòng tránh
- Nhiều người ở Hà Nội mắc bệnh thủy đậu phải nhập viện
- Bệnh thủy đậu có xu hướng gia tăng
- Nguy cơ bùng phát bệnh thủy đậu vào thời gian tới
GS. TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E cho biết, ngày 6-2, Bệnh viện E đã tiếp nhận bệnh nhân V.T.T.H. (30 tuổi, trú tại Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) trong tình trạng sốt cao, nổi mụn nước mặt và lan toàn thân, đau mỏi. Theo gia đình cho hay, bệnh nhân H. bị mắc thủy đậu từ ngày 5-2. Con bệnh nhân 2 tuổi cũng bị mắc thủy đậu và đã được điều trị khỏi ngày 31-1. Cháu bị lây bệnh từ các bạn ở trường học.
Bệnh thủy đậu sẽ để lại nhiều hậu quả nếu không được phát hiện, điều trị sớm. Ảnh minh họa: Quỳnh Như. |
Trước đó, bệnh nhân N.M.H. (23 tuổi, Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng nhập viện vào ngày 4-2 do mắc bệnh thủy đậu, nổi bỏng nước toàn thân. Cách đó 3 ngày, bệnh nhân này có tiếp xúc với cháu bé 4 tuổi cũng bị mắc thủy đậu nhưng đang trong thời gian khỏi bệnh. Điều đáng nói là 2 bệnh nhân người lớn này chưa từng tiêm chủng vaccine phòng bệnh thủy đậu, chưa từng mắc bệnh và đã tiếp xúc với nguồn lây…
BS. Vũ Mạnh Cường - Khoa Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện E – cho hay, trong 1 tháng qua, Khoa đã tiếp nhận và điều trị hơn 20 ca bệnh thủy đậu, nhưng may mắn không có trường hợp bị biến chứng nguy hiểm và tử vong.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện, bệnh nhân mắc thủy đậu cũng tăng nhanh với gần 50 bệnh nhân phải nhập viện điều trị trong vòng một tháng.
PGS. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng cho biết, số bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu phải vào bệnh viện này điều trị lên tới vài chục người. Những người đã nhập viện này đều bệnh nặng, hầu hết là người lớn.
Bệnh nhân bị thủy đậu đang được điều trị tại Bệnh viện E. |
Theo BS. Vũ Mạnh Cường, bệnh thủy đậu thường bùng phát vào mùa đông xuân kéo dài cho tới hết mùa xuân. Hiện đang là thời điểm vào mùa của bệnh thủy đậu nên bệnh dễ lây lan rộng trong môi trường tập thể. Trẻ em trong độ tuổi từ 2-8 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất, ngoài ra người lớn vẫn có thể nhiễm bệnh nếu không được phòng ngừa đầy đủ. Người lớn, đặc biệt là phụ nữ mang thai, mắc thủy đậu có khả năng biến chứng và nặng hơn trẻ em.
Đặc biệt, phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm vì dễ bị biến chứng nặng, đặc biệt là viêm phổi. Khi phụ nữ mang thai bị thủy đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ, virus sẽ gây sẩy thai, hay khi sinh ra trẻ sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như đầu nhỏ, co gồng tay chân, bại não, sẹo bẩm sinh... Còn nếu bị trong những ngày sắp sinh hay sau sinh, trẻ bị lây bệnh rất nặng với mụn nước nổi rất nhiều và dễ bị biến chứng viêm phổi.
Bệnh thủy đậu có thể phòng bằng vaccine, do đó, người lớn và trẻ em chưa mắc bệnh nên tiêm phòng để giảm nguy cơ lây nhiễm. Đặc biệt đối với người có tiếp xúc với nguồn lây trong 3 ngày đầu vẫn có thể tiêm phòng vaccine phòng tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Đa số người mắc chưa được tiêm vaccin phòng thủy đậu, tuy nhiên cũng có một số trường hợp đã tiêm vaccine rồi vẫn mắc bệnh. Bởi vì, trên thực tế, nếu đã được chủng ngừa vaccine thủy đậu thì đại đa số từ 80-90% có khả năng phòng bệnh tuyệt đối.
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo mỗi người cần tiêm đủ 2 liều vaccine thủy đậu, tiêm phòng bệnh cho trẻ từ 12 tháng tuổi. Mới đây, Bệnh viện E đã thành lập Phòng tiêm chủng vaccine và hiện đang tổ chức tiêm vaccine Varivax (của Mỹ) với chi phí hơn 600.000 đồng/liều.
TS.BS Lương Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Nội nhi tổng hợp – Bệnh viện E cho biết, thủy đậu là bệnh cấp tính do varicella zoster virus gây ra. Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp. Dịch tiết ra từ người bệnh có thể lây gián tiếp cho người khác qua các đồ vật. Khi khởi phát bệnh, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ, bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân trong vòng 12-24 giờ. Người chưa mắc bệnh hoặc chưa được tiêm vaccine đều cảm nhiễm với bệnh, thường xảy ra vào mùa đông xuân. Bệnh thủy đậu sẽ xuất hiện sau 10-14 ngày tiếp xúc với nguồn bệnh. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bỏng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài từ 7-10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt bỏng nước này sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi bỏng nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm trùng, nốt bỏng nước có thể để lại sẹo. |
Sáng 8-2, bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay đã có 24 trường hợp trẻ mắc thủy đậu phải điều trị nội trú tại khoa này. Đáng chú ý, trong đó có cả bé sơ sinh 20 ngày tuổi bị lây bệnh từ mẹ. BS Khanh còn lo ngại, hiện đang xảy ra tình trạng người lớn lây ngược bệnh cho trẻ, điều này là rất nguy hiểm, nhất là đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi bị lây bệnh và những trẻ đang phải điều trị bằng hóa chất hoặc chạy thận. Ngoài ra, dù đã được truyền thông rất nhiều về căn bệnh này nhưng cho tới nay, nhiều người dân vẫn còn nhiều cách hiểu sai lầm từ đó dẫn tới cách chữa bệnh, phòng ngừa bệnh sai, gây cho bệnh nặng hơn. Phổ biến nhất là khi thấy trẻ bị thủy đậu thì gia đình tìm mọi cách kiêng gió, kiêng nước, kiêng ăn… Nhiều gia đình còn không cho trẻ tắm, ủ ấm cho trẻ khiến cho bệnh nhi càng nặng thêm, dễ dẫn đến nhiễm trùng tại vết tổn thương và còn gây biến chứng. Vẫn còn nhiều người lấy gốc rạ tắm cho trẻ, hay lấy gốc rạ đốt để lấy nước cho trẻ uống với quan niệm rằng, đây là bài thuốc dân gian để nhanh khỏi bệnh. Nhưng hậu quả là trẻ đã bị ngộ độc. Theo BS Khanh, khả năng phát tán virus thủy đậu ra môi trường xung quanh rất lớn, 2 - 3 ngày trước khi người bệnh xuất hiện triệu chứng nổi mụn nước và kéo dài 3 tuần sau khi các mụn nước đã khô. Vì thế, phòng ngừa và điều trị thủy đậu càng sớm càng tốt. Hiện nay đã có thuốc uống (trong 48 giờ đầu) ngăn ngừa khả năng phát tán virus thủy đậu. Tại các nước phát triển, thủy đậu được đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia và chỉ cần chích ngừa một mũi là đủ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc chích ngừa thủy đậu cho trẻ tại các gia đình diễn ra không tuân thủ đúng lịch, nên virus vẫn lưu hành. H.Nga |