Bệnh của “giới mày râu” – đừng chủ quan

Thứ Bảy, 22/12/2018, 16:42

Chỉ trong vòng một tuần qua, Trung tâm Nam học của Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận 2 bệnh nhân nam 13 tuổi bị xoắn tinh hoàn và đều phải cắt tinh hoàn. Đáng chú ý cả 2 bệnh nhi trên đều được tuyến dưới chẩn đoán là viêm tinh hoàn.



Theo PGS Nguyễn Quang - Giám đốc Trung tâm Nam học (Bệnh viện Việt Đức), bệnh nhân thứ nhất là cháu Nguyễn Thành K. Gia đình cho biết cháu đột ngột bị sưng đau tinh hoàn trái vùng được đưa vào bệnh viện tuyến dưới. Ở đây, các bác sĩ đã chẩn đoán cháu bị viêm tinh hoàn trái và điều trị kháng sinh nhưng 3 ngày không đỡ nên được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức. Trường hợp thứ 2 cũng tương tự cháu Nguyễn Văn K với triệu chứng đau đột ngột tinh hoàn và khi đi khám tại phòng khám  được bác sĩ chẩn đoán viêm tinh hoàn rồi cho thuốc tự điều trị ở nhà.

Cả 2 bệnh nhân trên sau khi điều trị tuyến dưới không đỡ đến Bệnh viện Việt Đức và được các bác sĩ ở Trung tâm Nam học chẩn đoán xoắn tinh hoàn trái ngày thứ 3, phải mổ cấp cứu. Khi phẫu thuật, mở ra, tinh hoàn của các bệnh nhi đã bị hoại tử tím đen do xoắn và không có khả năng bảo tồn. Vì thế, các bác sĩ đã phải cắt bỏ tinh hoàn hoại tử và cố định tinh hoàn còn lại. Sau khi được phẫu thuật và điều trị, sức khỏe của cả 2 bệnh nhân đều ổn định và được xuất viện.

PGS Nguyễn Quang cho biết: Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu nam khoa thường gặp, chiếm khoảng 17% các trường hợp đau bìu cấp tính, 90 % thường gặp ở lứa tuổi từ 13 đến 21. Xoắn tinh hoàn xảy ra khi tinh hoàn di động quá mức quanh thừng tinh, dẫn đến tắc nghẽn hệ thống mạch máu. Hậu quả làm tắc mạch máu cấp tính và nếu không giải phóng kịp thời sẽ bị hoại tử tinh hoàn. Đây là một cấp cứu nam học cần được điều trị phẫu thuật cấp cứu sớm, đặc biệt trong 6 giờ đầu.

 PGS Quang cũng cho biết triệu chứng của xoắn tinh hoàn có thể nhận biết là, các bệnh nhân bị đánh thức trong giấc ngủ bởi một cơn đau chói ở bìu và bệnh nhân thường nhớ rõ thời điểm đau. Khi khám lâm sàng tinh hoàn bên xoắn treo cao hơn bên đối diện. Siêu âm Doppler đánh giá phổ mạch tinh hoàn rất có giá trị để chẩn đoán xoắn tinh hoàn với dấu hiệu xoáy nước điển hình. Bệnh này dễ bị các bác sĩ thiếu kinh nghiệm chẩn đoán nhầm là viêm tinh hoàn và đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc điều trị chậm trễ và phải cắt tinh hoàn.

Phẫu thuật tại Trung tâm Nam học-Bệnh viện Việt Đức

Từ 2 ca bệnh trên các bác sĩ Trung tâm Nam học khuyến cáo: Nam giới cần đi khám ngay khi có các triệu chứng đau đột ngột ở vùng bìu. Còn các bác sĩ ở bệnh viện tuyến khi có bệnh nhân đau đột ngột bìu, cần thận trọng trong chẩn đoán để tránh những hậu quả đáng tiếc như 2 bệnh nhân trên, ảnh hưởng đến tương lai của trẻ.

Một trong các bệnh khác cũng có thể ảnh hưởng xấu đến tương lai của đàn ông khi có thể gây nên vô sinh ở nam giới mà các bác sĩ ở Trung tâm nam học (Bệnh viện Việt Đức) thường gặp là bệnh giãn tĩnh mạch tinh- căn bệnh được coi là “kẻ thù của tinh trùng”. Điển hình là một trường hợp bệnh nhân (34 tuổi, ở Nghệ An), mới đây nhập viện trong tình trạng viêm mào tinh hoàn 2 bên. Bệnh nhân cho biết đã bị bệnh từ 3 năm trước và lấy vợ 5 năm vẫn chưa có con. Kết quả xét nghiệm và khám cho thấy bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch tinh và đó là nguyên nhân dẫn đến tắc mào tinh hoàn 2 bên, nên không có tinh trùng. Vì thế, các bác sĩ quyết định phẫu thuật để xử lý. May mắn, chỉ sau 7 ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã ổn định và được ra viện.

PGS.TS Nguyễn Quang cho biết giãn tĩnh mạch tinh là một bệnh lý rất phổ biến và thường gặp ở nam giới. Bệnh này chính là nguyên nhân gây ra 15-25% các trường hợp vô sinh nam nguyên phát và chiếm tới 75-81% trường hợp vô sinh nam thứ phát. Tuy tỷ lệ bệnh gặp trong nhóm vô sinh nam giới cao nhưng rất may đây lại là bệnh có thể điều trị được với kết quả cao.

Giãn tĩnh mạch tinh là hiện tượng giãn bất thường của tĩnh mạch tinh trong và đám rối tĩnh mạch tinh (bình thường, tĩnh mạch tinh của đám rối tĩnh mạch tinh có đường kính khoảng từ 2mm trở xuống). Đây là bệnh rất phổ biến ở nam giới. Bệnh hiếm khi xuất hiện trước tuổi dậy thì, ở lứa tuổi thiếu niên tỷ lệ gặp phải chỉ chiếm từ 8-10% nhưng ở lứa tuổi vị thành niên chiếm khoảng 15%. Tuy nhiên, trong nhóm vô sinh nam giới, tỷ lệ này cao hơn nhiều.

Hiện tại, chưa có cách phòng bệnh giãn tĩnh mạch tinh. Vì thế, PGS.TS Nguyễn Quang lưu ý khi khám nam giới vô sinh, các bác sĩ cần lưu ý kiểm tra lâm sàng thường xuyên, trong đó quan tâm tới thăm khám bìu, tinh hoàn để phát hiện bệnh. Trước tình trạng các bệnh nam khoa ảnh hưởng đến vấn đề sinh sản của nam giới ngày càng tăng, Trung tâm Nam học của Bệnh viện Việt Đức từng tổ chức chương trình “Khám, tư vấn và siêu âm miễn phí vô sinh hiếm muộn cho nam giới” nhằm sàng lọc và phát hiện sớm các bệnh của giới “mày râu” để điều trị hiệu quả.

Thanh Hằng
.
.
.