Chuốc họa vì chữa bệnh nam khoa tùy tiện

Thứ Sáu, 25/04/2008, 15:29
GS.TS Trần Quán Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm Nam học, BV Việt Đức cho biết, ngoài testosteron, việc kê đơn có strychnine cho bệnh nhân nam bị "bệnh khó nói" là gây lãng phí, không hiệu quả và còn có thể để lại hậu quả tai hại là phá hoại hệ thống sản xuất testosteron của cơ thể.

Có mặt tại Phòng khám Đa khoa tiết niệu và nam học Tâm Anh, chúng tôi chứng kiến những người đàn ông với vẻ ngoài rất nam tính tới khám về rối loạn cương dương (RLCD). Xin chụp ảnh minh họa bệnh nhân khám nam khoa còn khó hơn cả với người có HIV/AIDS, người mắc bệnh ngoài da, bệnh lây... mà chúng tôi từng gặp.

Mặc dù các bác sỹ và chúng tôi đã cố công giải thích, chỉ "mượn cái lưng" các anh ngồi khám bệnh để làm ảnh minh họa cho bài báo, nhưng họ vẫn cương quyết từ chối. Điều đó đã cho thấy một phần mặc cảm "phế nhân" nặng nề trong thâm tâm những người đàn ông có vẻ ngoài rất người hùng này.

Đây cũng là lý do đẩy nhiều người đi tự tìm thuốc chữa trị hoặc đến những cơ sở khám bệnh thiếu trình độ chuyên khoa, dẫn đến những hậu quả tai hại.

Dùng "hàng xách tay", khám bệnh chui, hậu quả tai hại

Anh T. có biểu hiện yếu sinh lý kéo dài khá lâu. Bình thường, anh vốn là trụ cột kinh tế trong gia đình có hai đứa con khoẻ mạnh, được bạn bè, người thân kính nể, nhưng ít ai biết rằng, anh bị vợ... xem thường ra mặt.

Sau một thời gian suy nghĩ, anh T. mới... thu hết can đảm và bí mật đi khám bác sỹ. Anh được kê đơn có testosteron, nhưng uống kéo dài mà bệnh tình không hề thuyên giảm, thậm chí tình trạng liệt dương còn nặng nề hơn.

Chỉ đến khi tới gặp GS.TS Trần Quán Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức, hiện phụ trách Phòng khám Đa khoa tiết niệu và nam học Tâm Anh, anh T. mới biết, anh bị RLCD do căng thẳng công việc, tình trạng stress kéo dài quá lâu và tìm được đúng cách điều trị.

GS.TS Trần Quán Anh cho biết, testosteron là nội tiết tố nam, chỉ dùng điều trị liệt dương cho người bị thiếu testosteron. Còn với người mắc bệnh do các nguyên nhân khác, việc dùng thuốc chỉ gây lãng phí, không hiệu quả và còn có thể để lại hậu quả tai hại là phá hoại hệ thống sản xuất testosteron của cơ thể.

Ngoài testosteron, việc kê đơn có strychnine cho người bệnh RLCD cũng khá phổ biến. Vì nhiều người suy luận đơn giản, RLCD là bị "mềm" và kê thuốc tăng cường co thắt cơ strychnine. Trong khi đó, cơ chế cương cứng dương vật là do tưới máu theo mạch máu vào thể hang nằm trong dương vật, cần có sự giãn nở, việc dùng thuốc co cứng cơ chỉ làm tăng thêm tình trạng liệt dương.

Tự tìm thuốc điều trị mà không có đơn kê của bác sỹ chuyên khoa nam học là điều nhiều người mắc RLCD làm. Họ rất dễ bị các đối tượng dùng chiêu lừa "hàng xách tay" để hét giá trên trời. Tuy nhiên, một số hãng dược phẩm nước ngoài tại Việt Nam đã tự đi kiểm tra thị trường và phát hiện nhiều loại thuốc được quảng cáo là "hàng xách tay" này đã quá hạn sử dụng hoặc bị làm giả, bao bì rất giống thuốc thật nhưng bên trong là... bột mỳ hoặc các tạp chất.

GS.TS Quán Anh cho biết, nếu là thuốc làm giả bằng bột mỳ thì chỉ tốn tiền mua thuốc, còn nếu là thuốc quá hạn sử dụng, thuốc giả pha tạp chất, thì có thể gây nguy hiểm. 

Bệnh nhân gia tăng, bác sỹ thiếu trầm trọng

Trên thực tế, số bệnh nhân đi khám RLCD có nhiều thành phần phong phú trong xã hội: trí thức, doanh nhân, văn nghệ sỹ, cầu thủ bóng đá, võ sỹ quyền anh, công nhân... Trong số rất nhiều bệnh lý nam khoa, có tới 1/3 bệnh nhân tới đây khám về RLCD. Đặc biệt, có khá nhiều bệnh nhân ở lứa tuổi rất trẻ và chưa lập gia đình.

Bệnh nhân tới khám tại Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức luôn quá tải. Môi trường ô nhiễm, cuộc sống nhiều sức ép, thói quen sinh hoạt thay đổi... đang là những yếu tố khiến bệnh lý nam học gia tăng.

Theo tính toán của GS.TS Trần Quán Anh, mỗi tỉnh, thành phải có ít nhất một khoa chuyên sâu về nam học và một bệnh viện mới đủ đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Nhưng hiện nay, số đơn vị công lập điều trị các bệnh lý nam học trên toàn quốc chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Phía Bắc có Trung tâm Nam học - Bệnh viện Việt Đức, Khoa Hiếm muộn - Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Khoa Hiếm muộn - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Khoa Phôi học - Bệnh viện 103. Phía Nam chỉ có Khoa Nam học - Bệnh viện Bình Dân, Khoa Hiếm muộn - Bệnh viện Từ Dũ, Khoa Hiếm muộn - Bệnh viện Phụ sản quốc tế và sắp có Khoa Bệnh học giới tính nam - Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh.

Đó là chưa kể, nhiều đơn vị trong số này tập trung chủ yếu vào điều trị vô sinh, cơ sở chuyên khoa điều trị RLCD còn ít hơn nữa. Các bác sỹ ra trường không được đào tạo bệnh lý nam học, nội dung này mới chỉ có ở Đại học Y Hà Nội, Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam, Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh... và một số khoá tập huấn ngắn hạn cho bệnh viện tuyến tỉnh.

Mới đây, Bộ Y tế đã có quyết định cho phép thành lập Bệnh viện Đa khoa tiết niệu và Nam học Tâm Anh nhằm giảm tải cho các bệnh viện công lập. Dự kiến trong 2 năm nữa, đây sẽ là bệnh viện chuyên khoa nam học đầu tiên ở Việt Nam. 

Bệnh nhân gia tăng nhưng bác sỹ chuyên khoa, cơ sở điều trị bệnh nam học lại thiếu trầm trọng. Vì thế, theo lời khuyên của GS.TS Quán Anh, người bệnh nhất thiết phải xoá bỏ mặc cảm, coi đây là một bệnh bình thường, có thể điều trị được và đi khám ở những cơ sở có bác sỹ chuyên khoa nam học

Nhóm PVKTXH
.
.
.