Bé gái 8 tháng tuổi bị chó ngao Tây Tạng cắn tử vong

Thứ Năm, 19/07/2018, 20:01
Trao đổi với báo giới vào chiều 19-7, TS. Lê Việt Khánh, Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa – Bệnh viện (BV) Việt Đức cho biết, các bác sĩ của BV vừa tiếp nhận một trường hợp hi hữu rất thương tâm là bé gái 8 tháng tuổi (ở Đội Cấn, Hà Nội) bị chó ngao cắn và không qua khỏi.

Gia đình cháu cho biết, cháu bé đang chơi ở nhà thì bị con chó ngao Tây Tạng được gia đình nuôi đã nhiều năm, nặng khoảng 40kg, cắn. Mẹ cháu lao vào cứu bé, nhưng chị cũng bị chó cắn nhiều nhát vào tay. 

Bé được mẹ lập tức đưa vào cấp cứu tại BV Việt Đức ngày 14-7 trong tình trạng mạch không, huyết áp không, da tái nhợt do sốc mất máu. Các bác sĩ cứu và phát hiện bé bị nhiều vết thương ở thái dương, lóc da vùng chẩm, lộ tổ chức não, chảy máu rất nhiều.

TS. Lê Việt Khánh thông tin về trường hợp cháu nhỏ bị chó ngao cắn và không qua khỏi.

Bé mất máu nhiều, khiến tĩnh mạch xẹp, các bác sĩ phải mở tĩnh mạch truyền dịch, bù dịch, đồng thời ép tim, dùng thuốc trợ tim, phối hợp cầm máu. TS. Lê Việt Khánh cùng các bác sĩ khẩn trương hồi sức, truyền dịch, bù dịch cho bệnh nhi, tổ chức cấp cứu liên tục trong 2 tiếng đồng hồ. 

Tuy nhiên, dù đã cố gắng hết sức, nhưng do bệnh nhân còn nhỏ, những vết thương lại quá nặng nên cháu vẫn không có dấu hiệu tiến triển nên gia đình đã xin đưa bé về nhà.

Điều TS. Khánh muốn gửi đến các gia đình là, những chấn thương do vật nuôi cắn rất nghiêm trọng, đặc biệt với trẻ em. Vì thế, người lớn không để cho trẻ nhỏ tiếp xúc với vật nuôi, chó mèo mà không có người trông, tuyệt đối không được để trẻ nhỏ một mình. Nếu gia đình nuôi chó thì cần giữ khoảng cách với trẻ ở mức độ an toàn, đặc biệt là chó mới đẻ con, đang ăn, bị thương… Bởi đã có nhiều trường hợp chó được nuôi cắn trẻ ở các trung tâm thần kinh, cơ quan sinh dục,  gây tổn thương nghiêm trọng. Chó ra ngoài đường nhất định phải được rọ mõm, tiêm vaccine phòng bệnh dại định kỳ.

Những năm qua, BV Việt Đức đã tiếp nhận nhiều trường hợp chó, gấu cắn gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Vì thế, TS. Khánh lưu ý mọi người rằng, khi bị chó mèo cắn chảy máu cần sơ cứu ban đầu bằng cách sát trùng, rửa sạch vết thương, cầm máu nếu vết thương chảy máu rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí.

Thanh Hằng
.
.
.