Bất cập khi triển khai bệnh án điện tử

Thứ Tư, 06/03/2019, 09:15
Từ 1-3, các bệnh viện hạng I triển khai bệnh án điện tử thay bệnh án giấy theo Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, sau 5 ngày triển khai, tồn tại lớn nhất hiện nay là cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, hầu hết các bệnh viện vẫn đang trong quá trình rục rịch chuẩn bị do còn quá nhiều khó khăn và những ràng buộc khắt khe của Thông tư 46.


Vẫn làm bệnh án giấy

Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày đầu triển khai bệnh án điện tử, hầu hết các bệnh viện hạng I đều chưa thực hiện được theo Thông tư 46/2018/TT-BYT. Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng chưa nâng cấp đầy đủ theo như thông tư quy định. Nhưng điều khiến người bệnh hài lòng là ở nhiều bệnh viện đã không sử dụng sổ khám bệnh, việc không đọc được chữ bác sĩ kê đơn đã được khắc phục. 

Có mặt ở Bệnh viện Mắt Trung ương chúng tôi chứng kiện bệnh nhân đến khám đều không cần sử dụng sổ khám bệnh, sau khi lấy số khám, tên bệnh nhân đã lưu trong máy tính, có mã số. Theo bác sĩ khám bệnh ở đây thì không phải từ 1-3 triển khai thực hiện Thông tư 46 bệnh viện không sử dụng sổ khám bệnh mà từ trước đó đã điện tử hóa bỏ sổ khám bệnh.

Từ năm 2019- 2024, các bệnh viện hạng I phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

Tương tự, tại nhiều bệnh viện tuyến Trung ương, việc không sử dụng sổ khám bệnh đã được triển khai. Tại Bệnh viện Bạch Mai, phiếu xét nghiệm, phiếu siêu âm, phiếu nội soi có chụp hình và ghi mô tả bệnh trạng mà bác sĩ khảo sát thấy được đều được in trên máy tính.

Nhưng đây mới chỉ là sử dụng máy tính trong công tác khám chữa bệnh, còn ước mơ bệnh án điện tử thì hầu hết chưa thực hiện được. Bệnh án điện tử hiện chỉ được sử dụng trong nội bộ bệnh viện vì chưa có giải pháp tin cậy để lưu hành liên viện. Nhiều bệnh viện hạng I với số lượng bệnh nhân tới khám và điều trị mỗi ngày quá tải, thực hiện bệnh án điện tử là rất khó khăn bởi để triển khai còn phải đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, tập huấn cho cán bộ y tế.

Cần thời gian chuẩn bị

Từ 1-3, Bộ Y tế cho phép các bệnh viện sử dụng bệnh án điện tử mà không cần sử dụng bệnh án giấy. Các bệnh viện hạng I sẽ quản lý hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh. Mỗi bệnh nhân chỉ có một mã quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. 

Hồ sơ bệnh án điện tử phải đáp ứng các yêu cầu như: Phải ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin hồ sơ bệnh án giấy, phải có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông tin được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử. Hồ sơ bệnh án điện tử phải tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định tại mục 2, chương II, Luật An toàn thông tin mạng.

Bệnh án điện tử nếu triển khai thành công, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh trong công tác khám bệnh, chữa bệnh vì nó công khai, minh bạch, đặc biệt sau này liên thông dữ liệu y tế. 

Theo Ths.BSCKII Phí Mạnh Công, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện 19-8, triển khai được bệnh án điện tử là một bước tiến của ngành y tế, hiện bệnh án giấy đang quá nhiều, phải làm thêm phòng để lưu trữ. Nhưng để triển khai bệnh án điện tử được thì Bộ Y tế cần phải có quy định rõ ràng hơn. 

Hiện nay, Bệnh viện 198 đã triển khai nối mạng máy tính trong việc khám chữa bệnh, kết nối với cổng thanh toán bảo hiểm y tế. Nhưng để triển khai thực hiện bệnh án làm trên hệ thống điện tử, lưu trữ trên máy tính thì hiện chưa làm được do còn thiếu về cơ sở hạ tầng, con người. Để thực hiện được thì còn là cả một quá trình, phải xây dựng phần mềm, thông tuyến bảo hiểm để thanh toán điện tử…

Theo TS Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai), thực hiện bệnh án điện tử không hề đơn giản, còn phải đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin. Nhiều vấn đề cần phải tính đến như việc lưu hồ sơ bệnh án phải đảm bảo hệ số an toàn ra sao; nếu mất mạng hay hỏng mất dữ liệu thì phải xử lý như thế nào; đảm bảo bí mật thông tin cho bệnh nhân ra sao...? Chủ trương đưa ra từ 1-3 các bệnh viện hạng I phải thực hiện, nhưng hiện bác sĩ vẫn làm bệnh án giấy, phải triển khai từng phần một, phải làm từng bước.

Khó khăn khi triển khai bệnh án điện tử ở một số bệnh viện hạng I nữa là kinh phí. Theo BS Lê Thị Thu Hà, cán bộ Phòng Kế hoạch – Tổng hợp (Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an) thì năm 2018 bệnh viện mới triển khai mạng LAN trong công tác khám chữa bệnh. Bệnh án điện tử là lĩnh vực rất sâu và rộng, để triển khai phải đồng bộ hóa, phải xây dựng kế hoạch và phải xin kinh phí thực hiện.

Bộ Y tế đưa ra lộ trình thực hiện, giai đoạn 1 từ 2019-2023, các cơ sở y tế hạng 1 sẽ nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để áp dụng quy định về bệnh án điện tử. Các cơ sở y tế khác tùy thuộc khả năng, năng lực thực tế để chuẩn bị điều kiện triển khai. 

Giai đoạn 2 từ 2024-2028 tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc bắt buộc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Ước mơ liên thông dữ liệu y tế có thực hiện được hay không cần phải được các bệnh viện tích cực vào cuộc. Người bệnh có số mã quản lý sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.

Trần Hằng
.
.
.