Sống lại kỳ diệu sau 14 ngày xuất huyết não, hôn mê sâu

Thứ Ba, 21/05/2019, 18:04

Đây có thể được coi là một trường hợp đột quỵ xuất huyết não rất nặng nhưng đã được cứu sống hiếm có từ chương trình City Plus của Bệnh viện Quốc tế City (CIH).


Nam bệnh nhân Trần Thanh T. (63 tuổi, ngụ Đồng Nai), nhập viện bệnh viện Quốc tế City ngày 28-4-2019, trong tình trạng hôn mê sâu, ngưng thở hoàn toàn, phải thở máy khi di chuyển từ Đồng Nai lên TP Hồ Chí Minh. Con gái bệnh nhân cho hay, vào lúc 1 giờ sáng cùng ngày bệnh nhân tự phát hiện bị liệt nửa người bên phải nhưng còn tỉnh táo, thân nhân đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay tại một bệnh viện tại địa phương. 

Tại đây bệnh nhân đã được chẩn đoán nhồi máu não cấp và được chỉ định truyền thuốc tiêu sợi huyết. Sau truyền thuốc, bệnh nhân hồi phục ngay vận động nửa người bên phải. Tuy nhiên khoảng 2 giờ sau đó bệnh nhân đột ngột nhức đầu dữ dội, bứt rứt, huyết áp tăng vọt và rơi vào hôn mê. Đây là tình trạng xuất huyết não nặng do biến chứng của thuốc tiêu sợi huyết. Dù đã được hồi sức cấp cứu, đặt nội khí quản thở máy, theo dõi tích cực nhưng bệnh càng lúc càng nguy kịch, các bác sĩ gần như tuyệt vọng, thân nhân bệnh nhân đã chủ động liên hệ Chương trình City Plus của bệnh viện Quốc tế City và yêu cầu được chuyển viện bằng xe cứu thương.

Bệnh nhân sống lại kỳ diệu đã mang lại niềm vui vô bờ bến cho các bác sĩ và người thân.

Xác định đây là một trường hợp bị biến chứng chuyển dạng xuất huyết nặng sau khi sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, bệnh nhân có khả năng phải phẫu thuật khẩn cấp mở sọ lấy máu tụ, giải áp. Ê kíp phẫu thuật gồm bác sĩ Ngoại thần kinh, Gây mê hồi sức và Chăm sóc tích cực đã chuẩn bị trang thiết bị, máu và các sản phẩm của máu sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân.  

Khi được chuyển tới Bệnh viện, bệnh nhân đã trong tình trạng hôn mê sâu, chỉ số Glasgow 5 điểm, đồng tử giãn rộng 1 bên kèm tình trạng thiếu máu nuôi não. Xét nghiệm tiền phẫu xác định lượng fibrinogen trong máu giảm nặng dưới 1g/L do tác dụng của thuốc tiêu sợi huyết. Ê kíp đã tiến hành phẫu thuật khẩn cấp mở sọ lấy máu tụ và mở nắp sọ vùng thái dương đính phải giải áp đã được thực hiện chỉ sau hơn 1 giờ sau khi nhập viện. 

Việc chăm sóc với bệnh nhân hậu phẫu là vô cùng chặt chẽ nhưng nhiều lúc các bác sĩ tưởng rằng không còn hy vọng giữ được bệnh nhân. Song các bác sĩ ở tất cả các khâu đều bền bỉ kiên trì từ việc Hồi sức tới điều trị nhiễm trùng, dinh dưỡng tích cực, giữ ổn định áp lực nội sọ. Và điều kỳ diệu đã xảy ra: tri giác bệnh nhân cải thiện dần dần rồi tỉnh hẳn sau 14 ngày hôn mê sâu. Bệnh nhân đã được rút nội khí quản ngưng máy thở sau đó và tỉnh táo hoàn toàn, ăn uống tốt, đi lại được, theo dõi điều trị tiếp tại Đơn vị đột quỵ và xuất viện ngày 18-05-2019 vừa qua.

 Chia sẻ về bệnh tình của bố mình, chị Trần Thị M.L chia sẻ: “Trước đó khoảng hơn 1 tuần, bố tôi có dấu hiệu bị chóng mặt, tê nửa người phải như bị chuột rút thoáng qua khi đang đi làm rẫy, rồi tự khỏi ngay sau đó khoảng vài phút. Tuy nhiên, do chủ quan bố tôi đã không đi khám bệnh, không ngờ cơn đột quỵ lại xảy đến thình lình trong giấc ngủ. Thật may mắn bệnh viện Quốc tế City đã hết sức tận tình cứu chữa cho bố tôi”.

 Theo các bác sĩ Bệnh viện Quốc tế city, nguy cơ đột quỵ não có thể xảy ra không trừ một ai. Tỉ lệ xảy ra đột quỵ não sẽ tăng theo tuổi tác và trên bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ đi kèm như cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, bệnh lý tim mạch khác... Vì vậy nếu có tình cờ cảm thấy bị tê hay yếu một cánh tay, tê nửa người, méo miệng, nói khó, nuốt khó thoáng qua thì đừng xem thường nó, hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa Nội Thần Kinh để phòng ngừa đột quỵ xảy ra, giảm thiểu nguy cơ đe dọa tính mạng cũng như tàn phế. 

H.Nga
.
.
.