90% người Việt Nam ăn quá nhiều muối –nguyên nhân bệnh tim mạch

Thứ Ba, 27/03/2018, 10:56
Bệnh tim mạch ở Việt Nam gia tăng. Nguyên nhân chính là do ăn quá nhiều muối, cao gấp đối khuyến cáo của WHO. Đây là thực trang rất đáng báo động ở Việt Nam.


Năm 2012, cả nước có khoảng 112.600 trường hợp chết do tai biến mạch máu não, chiếm tới 22% tổng số tử vong và 36.500 người chết do nhồi máu cơ tim, chiếm 7% số tử vong. Thế nhưng tỷ lệ mắc tăng huyết áp ở Việt Nam vẫn đang tăng nhanh: Cứ 5 người trưởng thành có một người bị tăng huyết áp; cứ 3 trường hợp tử vong thì có một người do bệnh tim mạch, chủ yếu tử vong do tai biến mạch máu não. Vấn đề đáng báo động này đã khiến Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức hội thảo về truyền thông vận động giảm muối trong khẩu phần ăn nhằm phòng chống tăng huyết áp, tai biến mạch máu não và bệnh không lây nhiễm tại Hà Nội ngày 27-3.

Ông Jun Nakagawa, Phó Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam

Theo ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ăn nhiều muối là yếu tố nguy cơ chính gây nhiều bệnh tim mạch, tăng huyết áp, dẫn đến tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, đồng thời, tăng nguy cơ gây suy thận, loãng xương và ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư dạ dày. Ở Hàn Quốc, tỉ lệ ung thư dạ dày rất cao và các chuyên gia cho rằng do ăn nhiều kim chi.

Trong khi đó, kết quả điều tra Quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2015 cho thấy, 90% người Việt Nam ăn rất nhiều muối, tới 10g muối/ngày (nam là 10,5g, nữ là 8,3g). Con số này cao gấp đôi so với khuyến cáo của WHO bỏi nhu cầu của con người chỉ cần 2g/ngày.

Ở các quốc gia phát triển, muối ăn vào cơ thể hằng ngày chủ yếu từ thực phẩm chế biến sẵn hoặc do ăn ở nhà hàng (chiếm 77%), còn ở Việt Nam hầu hết lượng muối ăn vào là từ muối, gia vị thêm vào trong khi nấu ăn hoặc do chấm/trộn mắm, muối, gia vị trên bàn ăn. Theo Viện Dinh dưỡng, 70% nguồn muối là từ muối, mắm và gia vị mặn cho vào thực phẩm khi chế biến và khi ăn;  20% từ thực phẩm chế biến sẵn; khoảng 10% từ muối có sẵn trong thực phẩm tự nhiên.

Các chuyên gia của WHO và Việt Nam công bố nhiều thông tin về bệnh tim mạch do ăn nhiều muối

Một nghiên cứu về thói quen sử dụng muối tại TP Hồ Chí Minh cho thấy 73% các hộ gia đình sử dụng mì ăn liền; 37% sử dụng đồ đóng hộp, 31% có ăn xúc xích, còn lại là các sản phẩm cháo ăn liền, các sản phẩm đóng gói ăn liền… Trong khi đó, hàm lượng muối trong một số thực phẩm bao gói sẵn có hàm lượng muối rất cao, gói mì ăn liền khoảng 5-7g muối/100g sản phẩm; 1,5-2,3 g muối/100g xúc xích.

“Theo điều tra năm 2015, 89,2% người nấu ăn luôn cho muối, mắm, gia vị mặn khác vào thực phẩm khi chuẩn bị, chế biến và nấu ăn; 70% thường xuyên trộn, chấm mắm, muối, bột ngọt, nước tương, mì chính và các gia vị có muối khác với thức ăn trong khi ăn; 19,5% thường xuyên ăn thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối như dưa, cà muối, mì ăn liền, lạc rang muối… ” – TS. Trương Đình Bắc cho hay.

Thế nhưng hiểu biết về vấn đề này còn hạn chế khi chỉ có 16% người được hỏi cho rằng mình ăn mặn; trên 50% không nhận biết được đầy đủ những thực phẩm thông thường có nhiều muối. 43,9% số người biết ăn nhiều muối là nguy cơ gây tăng huyết áp; 9,2% biết nguyên nhân gây tai biến mạch máu não. Chỉ có 5% biết ăn nhiều muối có thể gây cơn đau tim, nhồi máu cơ tim.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Jun Nakagawa, Phó Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho hay, mỗi người chỉ nên tiêu thụ dưới 5g muối mỗi ngày sẽ cứu sống khoảng 2,5 triệu người/năm. Một trong 9 mục tiêu toàn cầu về tiêu thụ muối đến năm 2025 là giảm 30% lượng muối khẩu phần ăn. Vì thế, theo ông Jun Nakagawa, Việt Nam nên xây dựng khuyến nghị về lượng muối tối đa trong 100g thực phẩm, ưu tiên thực phẩm nhiều muối và phổ biến như mì ăn liền, xúc xích… Cần bắt buộc công bố sản phẩm của các công ty một cách tự nguyện. Việt Nam cũng nên xây dựng môi trường hỗ trợ tại trường học, bếp ăn tập thể cũng như ban hành và thực thi quy định về dán nhãn, cảnh báo sức khỏe; cấm quảng cáo thực phẩm nhằm vào trẻ em.

Các chuyên gia khuyến cáo hạn chế ăn muối 

Có lẽ một nguyên nhân để người dân ăn quá nhiều muối, gây gia tăng bệnh tim mạch là Việt Nam còn thiếu hụt chính sách, kế hoạch liên quan đến can thiệp giảm muối. Ví dụ như chính sách dán nhãn thực phẩm (công bố hàm lượng muối trong sản phẩm, cảnh báo thực phẩm nhiều muối, tại hại sức khỏe của ăn nhiều muối); quy định về hàm lượng muối tối đa có trong 100g thực phẩm đối với một số loại thực phẩm bao gói sẵn… Việt Nam cũng chưa có chính sách liên quan đến hạn chế quảng cáo, tiếp thị, kinh doanh các sản phẩm chứa nhiều muối; quy định về tổ chức bữa ăn học đường và cung cấp thực phẩm giảm muối cho học sinh…

Dựa trên cơ sở các khuyến nghị của WHO, Bộ Y tế đang xây dựng Kế hoạch quốc gia Truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng chống bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác, nhằm đến năm 2025 sẽ có hơn 90% người trưởng thành biết tác hại do ăn nhiều muối; giảm mức tiêu thụ muối ăn trung bình còn dưới 7g/người/ngày; hơn 70% số học sinh thực hiện ít nhất một biện pháp để giảm ăn muối theo khuyến cáo; hơn 90% số người được phát hiện mắc tăng huyết áp, bệnh tim mạch được tư vấn, hướng dẫn thực hiện chế độ ăn giảm muối.

Đại diện của WHO khuyến cáo mỗi người trưởng thành không nên ăn quá 5 gam muối/ngày (tương đương với 1 thìa cà phê) để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ, các bệnh tim mạch, ung thư và bệnh không lây nhiễm khác. Hiện, 19 quốc gia đã giảm muối trong ít nhất một sản phẩm chủ yếu là bánh mì. 11 quốc gia báo cáo giảm muối trong thịt chế biến, các loại ngũ cốc ăn sáng, nước sốt và các bữa ăn làm sẵn.

 Để hạn chế gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo: “Hãy giảm lượng muối và gia vị cho vào khi chế biến thức ăn, hạn chế lượng muối, gia vị, nước chấm đặt trên bàn ăn trong khi ăn và hạn chế lựa chọn, sử dụng thực phẩm có nhiều muối và thay bằng thực phẩm tự nhiên.”



Thanh Hằng
.
.
.