Hạn chế rượu bia, thuốc lá và chăm vận động để không chết vì bệnh tim mạch

Thứ Ba, 02/05/2017, 09:59
Số bệnh nhân tim mạch tăng là do thói quen sử dụng thuốc lá, bia rượu, stress, ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt không điều độ, thiếu vận động, béo phì...

Theo điều tra mới nhất của Viện Tim mạch Việt Nam thì tỉ lệ mắc bệnh tim mạch ở Việt Nam ngày càng cao, trong đó, 47,3% là ở người trên 25 tuổi.

Đáng lưu ý là có rất nhiều người còn trẻ đã tử vong do bệnh tim mạch. Bộ Y tế cho biết bệnh tim mạch nằm trong top 10 bệnh có số mắc và tử vong cao nhất hằng năm.

Để tìm hiểu thêm về căn bệnh này, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Đỗ Doãn Lợi, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam nhân hội thảo quốc tế về bệnh tim mạch do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội:

+ Nhiều người lo ngại về bệnh tim mạch ở Việt Nam tăng nhanh những năm gần đây. Thực tế có đến mức phải lo lắng như vậy không, thưa ông?

GS.TS. Đỗ Doãn Lợi: Sự thực là số người mắc bệnh tim mạch đang tăng lên với tốc độ khủng khiếp và nguy cơ tử vong rất cao, như bệnh nặng như nhồi máu cơ tim, bệnh phình vỡ động mạch chủ. Nhiều bệnh nhân suy tim do tăng huyết áp. Tăng huyết áp vừa là bệnh lý, vừa là yếu tố nguy cơ của các bệnh tim mạch.

Lâu nay, chúng ta sợ bệnh ung thư, sợ tai nạn giao thông nhưng số tử vong do ung thư chỉ chiếm 18%, còn tử vong do tim mạch chiếm 33% tổng số tử vong. Mỗi năm, số người chết do tai nạn giao thông là 9.000-10.000 người, nhưng tử vong do bệnh tim mạch khoảng 200.000 người/năm.

Tại Viện Tim mạch Việt Nam, mỗi ngày có 700-800 người đến khám, trong đó, số phải vào điều trị nội trú chiếm 8-10%. Chưa kể, hằng ngày tại Viện Tim mạch có khoảng 500 bệnh nhân điều trị nội trú.

GS.TS. Đỗ Doãn Lợi khám bệnh cho bệnh nhân tim mạch.

+ Vì sao lại có tình trạng trẻ hóa bệnh nhân mắc tim mạch, thưa Giáo sư?

GS.TS. Đỗ Doãn Lợi: Tôi cho rằng, đây là việc cần phải cảnh báo bởi bệnh nhân mắc tim mạch thường từ 50 đến 90 tuổi, nhưng hiện nay nhiều bệnh nhân trẻ ở độ tuổi thanh niên 30-35 tuổi cũng tử vong do nhồi máu cơ tim.

Riêng tại Viện Tim mạch Việt Nam, số lượng bệnh nhân trẻ từ 25-40 tuổi đến khám và điều trị ngày càng tăng, chiếm tỉ lệ cao ở nam giới.

Số bệnh nhân tim mạch tăng là do thói quen sử dụng thuốc lá, bia rượu, stress, ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt không điều độ, thiếu vận động, béo phì, nhất là ở những người trẻ tuổi, dẫn tới béo phì, tăng huyết áp.

Trong các bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim  có tỷ lệ tử vong cao nhất, tiếp đó là biến chứng mạch máu do mỡ đóng trong thành mạch máu. Bệnh này thường gặp ở người cao tuổi, khi thành mạch lão hóa, mỡ đóng trong thành mạch, gây ra xơ vữa nên khi huyết áp cao khiến mạch máu giãn dần và vỡ ra. Dự báo trong vòng 20 năm tới, bệnh tim mạch vẫn là một trong những căn bệnh gây tử vong hàng đầu .

+ Được biết, với đội ngũ bác sĩ giỏi, Viện Tim mạch Việt Nam đã triển khai được nhiều kỹ thuật hiện đại để năng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị cho người bệnh. Ông có thể chia sẻ về những kỹ thuật này?

GS.TS. Đỗ Doãn Lợi: Là đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực tim mạch, hiện Viện Tim mạch đã ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật cao về chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch mà các nước đang làm: các kỹ thuật cao về xử lý tắc động mạch vành, nhồi máu cơ tim, nong động mạch vành, đặt stent động mạch vành, khoan phá mảng xơ vữa, siêu âm trong lòng mạch đánh giá tổn thương mạch để nong và đặt stent cho đúng.

Viện đã triển khai kỹ thuật khoan phá các mảng xơ vữa cho bệnh nhân bị thành mạch vôi hóa nhiều, hay kỹ thuật can thiệp tim bẩm sinh, chữa các loại rối loạn nhịp tim bằng tim mạch can thiệp với ống thông, điện cực, chữa bệnh phình động mạch chủ… thay vì phải mổ hoặc chấp nhận vì không điều trị được như trước.

Đặc biệt, chúng tôi cũng đã bắt kịp tốc độ của thế giới trong việc ứng dụng tế bào gốc trong điều trị tim mạch, điều trị tăng huyết áp kháng trị bằng đốt thần kinh giao cảm ở động mạch thận, thay van động mạch chủ không cần mổ; thay van hai lá qua mổ nội soi...

Với các kỹ thuật phẫu thuật để làm cầu nối qua chỗ hẹp, điều trị bệnh van tim ở người lớn tuổi, chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm. Các bác sĩ ở Viện hoàn toàn làm chủ kỹ thuật thay van bằng ống thông vào mạch máu cho những bệnh nhân bị suy các chức năng tim mạch…

+ Nguy cơ nhiều, tỉ lệ mắc và tử vong cao, nhưng bệnh tim mạch có thể phòng và điều trị được không, thưa Giáo sư?

GS.TS. Đỗ Doãn Lợi: Điều tôi muốn nhấn mạnh với mọi người là cho dù nguy cơ tử vong do tim mạch lớn, nhưng đây lại là căn bệnh hoàn toàn có thể phòng được bằng việc không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia, chế độ ăn hợp lý, giảm mỡ và muối, hạn chế tình trạng béo phì và tăng cường hoạt động thể lực như tập thể dục, tập yoga… Kiểm soát được các yếu tố nguy cơ này là có thể giảm tới 70-80% bệnh tim mạch.

Một điều nữa mà tôi muốn lưu ý là nếu bệnh tim mạch được chẩn đoán sớm, điều trị đúng cách thì hoàn toàn có thể chữa được. Bởi vì hiện nay, bệnh huyết áp cao, rối loạn mỡ máu đều đã có thuốc chữa. Ngay cả với bệnh nhồi máu cơ tim cũng có thể dự phòng bằng việc điều trị sớm bệnh thiếu máu cơ tim, hoặc phát hiện và điều trị sớm với bệnh nhân đã bị nhồi máu cơ tim.

Vì thế, cùng với việc loại trừ các yếu tố nguy cơ, mọi người nên chú ý đến việc tầm soát để phát hiện sớm bệnh tim mạch, tránh để khi bệnh đã muộn mới đưa đến bệnh viện. 

+ Cám ơn ông đã trao đổi!

.
.
.