Tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia tăng mạnh
- Chủ động phân luồng chống ùn tắc tại các cửa ngõ Hà Nội
- Tai nạn giao thông làm 109 người tử vong trong dịp nghỉ Tết Tân Sửu
Theo ghi nhận của phóng viên Báo CAND tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt Đức vào chiều mùng 5 Tết (16/2), số bệnh nhân nhập viện khá vắng vẻ, chỉ có khoảng hơn chục người với nhiều mặt bệnh đang được thăm khám, cấp cứu, trong số đó phần lớn là bệnh nhân TNGT.
Vừa được chuyển từ Bệnh viện Đa khoaTuyên Quang lên, bệnh nhân nam tên Tĩnh (21 tuổi) đang nằm chờ để chiếu chụp. Theo lời người nhà của Tĩnh, bệnh nhân bị TNGT xe do tự ngã, không va quệt vào bất kỳ phương tiện nào. Trước khi xảy ra TNGT, bệnh nhân đã uống rượu chúc Tết ở nhà một người bạn.
Bác sĩ đang cấp cứu một ca TNGT nặng có liên quan đến rượu bia vào chiều 5 Tết |
Mặc dù bệnh nhân Tĩnh khá tỉnh táo, nhưng theo Ths.BS Phạm Vũ Hùng, Quyền Trưởng Khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn và Chăm sóc vết thương, Trưởng kíp trực ngày mùng 5 Tết, bệnh nhân này tiểu cầu thấp, chấn thương vùng bụng, đang chờ kết quả XQ để quyết định có phải mổ hay không.
Nằm giường bên cạnh là 1 bệnh nhân nam tên Sơn (48 tuổi, trú tại Chi Lăng, Lạng Sơn) nhưng bị tai nạn xe máy ở Thanh Hóa. Trường hợp này đã được phẫu thuật vỡ tá tràng ở tuyến dưới trước đó. Tuy nhiên, khi chuyển về Bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân trong tình trạng chấn thương bụng, sốc suy đa tạng. Hiện bệnh nhân được đường hồi sức tích cực và làm tất cả xét nghiệm nhưng tiên lượng khá dè dặt, nguy cơ tử vong cao. Theo người nhà bệnh nhân, ca bệnh này tự ngã khi điều khiển xe máy sau khi uống rượu với bạn bè vào chiều mùng 3 Tết.
ThS.BS Phạm Vũ Hùng, Trưởng Kíp trực ngày mùng 5 Tết |
BS Hùng cũng cho hay, ngày 16/2, Bệnh viện tiếp nhận 6 cuộc gọi từ tuyến dưới có 6 ca bệnh TNGT nặng xin chuyển lên. Theo đánh giá của BS Hùng, tỷ lệ TNGT do rượu bia tăng cao, chỉ tính riêng trong buổi sáng mùng 5 Tết, 5/6 ca TNGT từ tuyến dưới xin chuyển lên đều có nguyên nhân từ sử dụng rượu bia.
“Cấp cứu chấn thương sọ não trong TNGT vốn rất khó khăn, tuy nhiên với các bệnh nhân có sử dụng rượu bia thường mê sâu và không thể xác định được mức độ tổn thương nên việc xử lý càng khó khăn gấp bội”, BS Hùng cảnh báo.
Người nhà bệnh nhân chờ ở ngoài Phòng Hồi sức cấp cứu |
BS Phạm Vũ Hùng cho biết, trong 6 ngày Tết, tính từ ngày 28 tháng Chạp (9/2) đến hết mùng 4 Tết (15/2), tổng số bệnh nhân bị tai nạn nói chung nhập Bệnh viện Việt Đức là 665 ca, giảm hơn so với năm 2020 là 103 ca; trong đó số bệnh nhân TNGT giảm 25 ca nhưng số bệnh nhân TNGT có sử dụng rượu bia lại tăng với 49 ca so với năm 2020 là 35 ca; tai nạn sinh hoạt giảm mạnh với 132 ca năm nay so với 206 ca trong dịp Tết 2020. Đáng lưu ý, số ca tai nạn do pháo nổ tăng với 12 ca năm nay so với 8 ca năm 2020.
Báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế chiều ngày 16/2, trong 6 ngày nghỉ Tết, các cơ sở y tế đã khám, cấp cứu cho 29.650 trường hợp liên quan đến TNGT, giảm 2,8% so với cùng kỳ Tết Canh Tý (chiếm 10,4% trong tổng số khám, cấp cứu chung).
Bệnh nhân vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức chiều mùng 5 Tết |
Trong đó 12.401 trường hợp phải nhập viện điều trị theo dõi chiếm 41,8% trong tổng số khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, tăng 7,9% so với cùng kỳ Tết Tân Sửu. Đã có 163 trường hợp tử vong TNGT, bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về, nhiều hơn 23 ca so với cùng kỳ Tết Canh Tý 2020. Tai nạn giao thông không tăng cả số ca đến khám, cấp cứu và nhập viện, tuy nhiên số ca tử vong không giảm.
Trong 6 ngày nghỉ Tết, đã có 4.001 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau, chiếm 1,3% trong tổng số cấp cứu của các bệnh viện, 73% trong số đó 1.855 ca phải nhập viện điều trị/theo dõi và đã có 8 trường hợp tử vong.