5% người Việt mắc phình động mạch não

Thứ Bảy, 24/10/2020, 07:53
Tỷ lệ người Việt Nam mắc dị dạng mạch máu não rất cao, chiếm khoảng 5% dân số. Không chỉ người lớn, thậm chí có trẻ 4-5 tuổi đã mắc mắc phình động mạch não. Các yếu tố nguy cơ gây túi phình mạch não vỡ là huyết áp cao, nghiện rượu, hút thuốc lá, béo phì…


Mắc nhiều nhưng tỷ lệ tai biến thấp

Có tiền sử nghiện rượu và hút thuốc lá, sau một lần tai nạn sinh hoạt tự ngã, bệnh nhân N.V.H (SN 1962) hôn mê, được điều trị ở tuyến tỉnh, sau đó chuyển lên  BV Việt Đức. Tại đây, qua thăm khám và chụp cắt lớp, các bác sĩ đã phát hiện có túi phình mạch não vỡ và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

Những trường hợp mắc phình động mạch não nhưng không biết, chỉ khi vỡ phải vào viện cấp cứu như trường hợp bệnh nhân H rất phổ biến. Phình động mạch não chưa vỡ rất hiếm khi biểu hiện lâm sàng. Do vậy, người bệnh thường không đi khám bệnh. 

Chẳng hạn như ca bệnh 24 tuổi, bị viêm màng não, xuất huyết não dẫn tới hôn mê được chuyển từ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương sang BV Việt Đức can thiệp phẫu thuật là một ví dụ.

PGS.TS Đồng Văn Hệ đang xem phim chụp 1 ca phình mạch não

Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc BV Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh cho biết, dị dạng mạch máu não có rất nhiều loại, nhưng hay gặp nhất là phình động mạch não, u máu não, u máu thể hang, dò động tĩnh mạch não…Nguyên nhân của phình động mạch não, chưa biết rõ nguyên nhân, có một số yếu tố có liên quan đến nguyên nhân dễ gặp hơn như: Viêm nhiễm, chấn thương, những người có bệnh lý thành mạch máu...

Một số yếu tố liên quan khác cũng cho liên quan đến phình mạch não như huyết áp cao, hút thuốc. Nhưng u máu ở não phần lớn là bẩm sinh, nhưng không có nghĩa là di truyền, mà bệnh hình thành trong quá trình mang thai, không phải bố mẹ truyền cho con. Tỷ lệ u máu ở não do bố mẹ truyền cho con cũng có nhưng rất ít. Tại BV Việt Đức đã gặp nhiều trường hợp u máu não ở trẻ em, có bệnh nhi 4-5 tuổi đã phình mạch máu não. Có cháu 8 tuổi ở miền Trung chuyển ra đã mắc phình mạch não khổng lồ.

Tỷ lệ dân số Việt Nam mắc dị dạng mạch não rất cao, chiếm tới 5% dân số, nhưng do không có. Phần lớn dị dạng mạch não không gây tai biến gì, người bệnh sống suốt đời với nó. Tỷ lệ nguy hiểm (tai biến) của dị dạng mạch não rất ít, chiếm 0,25%, nghĩa là 1 nghìn người có phình mạch thì chỉ có 2 người vỡ, còn lại sống chung suốt đời.

Làm gì để không vỡ phình mạch não?

Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, hơn 99% người mắc phình động mạch não chung sống suốt đời với bệnh, nên người bệnh cần hết sức chú ý vì triệu chứng của bệnh  rất ít, khó phát hiện. Thường nhiều người bị vỡ mới phát hiện mình mắc dị dạng mạch não.

Do tỷ lệ mắc trong cộng đồng cao, ngay cả các nước phát triển người ta cũng không khuyến cáo người dân đi tầm soát. Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh khuyến cáo: Nếu như người có biểu hiện đau đầu nhiều, đau đột ngột, đau kinh khủng, tê bì nửa người, liệt, đặc biệt co giật thì phải đến viện ngay để tránh nguy cơ vỡ. Đặc biệt người trưởng thành lần đầu tiên bị co giật, phải tới bác sĩ ngày để tiến hành tầm soát, tìm nguyên nhân, nếu để lâu dễ vỡ.

Dấu hiệu của vỡ phình động mạch não là chảy máu, đau đầu, nôn, buồn nôn, lơ mơ, hôn mê và tử vong. Phần lớn trường hợp vào viện là khi vỡ mới phát hiện mình mắc bệnh.

PGS.TS Đồng Văn Hệ cho biết: Các BV tuyến tỉnh đều được trang bị máy chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ, đây là hai biện pháp tốt trong việc sàng lọc phình mạch não. Tất cả các địa phương trong toàn quốc đều có hai loại máy này, không chỉ ở BV tỉnh mà còn BV tư nhân. Vì thế, bệnh phình mạch não đã được phát hiện từ tuyến dưới.

PGS.TS Đồng Văn Hệ đang khám cho bệnh nhân

Với trang thiết bị tại Việt Nam hiện nay đều có thể điều trị bệnh dị dạng mạch máu não và tỷ lệ thành công không thua kém các nước phát triền. Phình động mạch não chưa vỡ được điều trị bằng phẫu thuật (kẹp túi phình) hoặc nút mạch. Đây là hai phương pháp điều trị thường quy ở nhiều cơ sở y tế. Tỷ lệ thành công của hai phương pháp này tương đương nhau. Phương pháp nút mạch chi phí cao hơn do hầu hết dụng cụ, vật tư được nhập khẩu.

Theo Phó Giám đốc BV Việt Đức, nhiều trường hợp người cao tuổi mắc phình mạch não nhưng không vỡ tìm đến gặp ông để được can thiệp phẫu thuật. Với những bệnh nhân 70 tuổi, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh sống chung an toàn và chúng sống lành mạnh (ăn, uống giảm bớt các chất gây bệnh mỡ máu, huyết áp cao…). “Người cao tuổi, nhất là mắc bệnh nền như huyết áp, đái tháo đường, nếu nếu phẫu thuật sẽ gặp nhiều nguy cơ cao. Nhưng với người trẻ mắc phình mạch não không vỡ, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh kiểm tra định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/lần, nếu thấy túi phình to lên, biến dạng sẽ can thiệp phẫu thuật.

PGS.TS Đồng Văn Hệ khuyến cáo, huyết áp cao rất dễ gây vỡ phình mạch não, có thể dẫn tới tử vong nếu không phát hiện và cấp cứu kịp thời.

Do vậy, để phòng chống vỡ phình mạch não, theo khuyến cáo của chuyên gia, người dân nên kiểm soát huyết áp, không hút thuốc lá, giảm bớt rượu, bia, kiểm soát cân nặng, thường xuyên tập luyện, đặc biệt là chạy và đi bộ rất tốt cho tim mạch và giảm nguy cơ dị dạng mạch não.

Vào 7h30 sáng 31/10 tới đây, BV Việt Đức sẽ tổ chức chương trình Khám và tư vấn miễn phí bệnh lý dị dạng mạch máu não, người dân sẽ có cơ hội thăm khám trực tiếp cùng chuyên gia hàng đầu là PGS.TS Đồng Văn Hệ. Để đặt lịch khám và tư vấn miễn phí, người dân vui lòng liên hệ Tổng đài CSKH 19001902.

Trần Hằng
.
.
.