17 kỷ lục ghép tạng Việt Nam

Thứ Hai, 30/10/2017, 10:06
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa vinh danh các đơn vị và cá nhân trong ngành ghép tạng 25 năm qua.

Các kỷ lục được trao tặng tại hội nghị khoa học lần 4 của Hội Ghép tạng Việt Nam diễn ra ở Vũng Tàu ngày 26 đến 28-10. Đây là lần đầu tiên hàng loạt kỷ lục có giá trị y học được xác lập tại một sự kiện nhằm tôn vinh những đóng góp của các tập thể và cá nhân trong lĩnh vực ghép tạng kể từ năm 1992 đến năm 2017.

Các kỷ lục được xác lập gồm:

Ca ghép thận đầu tiên trên người từ người cho sống tại Việt Nam

Kỷ lục này trao cho giáo sư tiến sĩ khoa học Lê Thế Trung và cố giáo sư Chue-Shue Lee. Ca ghép thận đầu tiên ở Việt Nam từ người cho sống được thực hiện tại Bệnh viện Quân y 103 vào ngày 4-6-1992. Ca mổ được thực hiện trong gần 10 giờ, gồm các bước lấy và chuẩn bị tạng ghép, ghép thận cho người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối.

Ca ghép gan đầu tiên trên người từ người cho sống tại Việt Nam

Ca này do giáo sư Phạm Gia Khánh và giáo sư Masatoshi Makuuchi tiến hành. Ca ghép gan đầu tiên ở Việt Nam từ người cho sống đã được thực hiện thành công tại Bệnh viện Quân y 103 ngày 31-1-2014. Ca mổ được thực hiện trong gần 17 giờ với các bước chuẩn bị và lấy một phần gan cho từ người bố, ghép gan cho con bị teo đường mật bẩm sinh. Sau mổ các chức năng gan của bệnh nhân sớm hồi phục.

Do sức khỏe yếu, giáo sư Lê Thế Trung không thể tham dự sự kiện, con trai ông là thiếu tướng, giáo sư Lê Trung Hải nhận bằng Kỷ lục thay bố. Ảnh: K.L

Kỷ lục kép: Người thực hiện ca phẫu thuật ghép thận từ người hiến thận chết não đầu tiên tại Việt Nam.

Người thực hiện ca phẫu thuật lấy và ghép thận từ người hiến thận tim ngừng đập đầu tiên tại Việt Nam

Sở hữu đồng thời hai kỷ lục này là giáo sư Trần Ngọc Sinh. Ca ghép thận từ người hiến thận chết não đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2008 nhưng đây là trường hợp chưa điển hình trong hiến tặng. Đến năm 2010, hai trường hợp đầu tiên hiến thận sau chết não được công nhận là điển hình trong hiến tặng. Ca mổ diễn ra lúc 11h ngày 11-2-2010 thành công. Hai người hiến tặng đã cứu sống bốn người trong cùng một ngày.

Ca ghép thận từ người hiến thận tim ngừng đập đầu tiên tại Việt Nam thành công diễn ra ngày 19-6-2015 tại Bệnh viện Chợ Rẫy sau khi một bệnh nhân đột quỵ được gia đình đồng ý hiến hai thận, cứu sống hai bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối.

Ca ghép tim đầu tiên trên người từ người cho chết não tại Việt Nam

Kỷ lục trao cho giáo sư Nguyễn Tiến Bình và giáo sư Jeng Wei. Ca ghép tim đầu tiên ở nước ta từ người cho chết não đã thực hiện thành công tại Bệnh viện Quân y 103 ngày 17-6-2010. Ca mổ thực hiện trong gần 10 giờ gồm các bước chuẩn bị và lấy nhiều tạng từ người cho chết não để ghép cho nhiều người trong đó có bệnh nhân được ghép tim. Sau mổ tim ghép hoạt động tốt.

Ca ghép tụy - thận đầu tiên trên người từ người cho chết não tại Việt Nam

Sở hữu kỷ lục là phó giáo sư Hoàng Mạnh An. Ông An và hơn 150 y bác sĩ Học viện Quân y, Bệnh viện 103 cùng tham gia ca ghép đa tạng (thận - tụy) lần đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 1-3-2014. Nguồn tạng là người cho chết não vì tai nạn giao thông. Ca mổ kéo dài 13 giờ. Cùng với ca ghép này, các bác sĩ cũng tiến hành ghép thận, gan cho hai bệnh nhân khác. Ca mổ thành công, các chức năng tụy - thận sớm bình phục. Bệnh nhân không cần dùng thuốc trị tiểu đường, trở về cuộc sống bình thường.

Ca ghép phổi đầu tiên trên người từ người cho sống tại Việt Nam

Kỷ lục trao cho giáo sư Đỗ Quyết và giáo sư Takahiro Oto. Ngày 21-2-2017, ca ghép phổi đầu tiên trên người từ người cho sống tại Việt Nam đã được thực hiện tại Bệnh viện Quân y 103 trong 10 giờ. Các bước chuẩn bị và lấy thùy phổi từ hai người cho là bố và bác ruột của bệnh nhân, lấy bỏ phổi bệnh của bệnh nhân và ghép thùy phổi cho vào bệnh nhân. Sau ca mổ, hai phổi ghép hoạt động tốt. 

Kỷ lục kép: Ca cấy tim nhân tạo đầu bán phần Heartware đầu tiên tại Việt Nam 

Ca ghép tim đầu tiên do người Việt Nam thực hiện

Hai kỷ lục thuộc sở hữu của giáo sư Bùi Đức Phú. Ca cấy tim nhân tạo đầu bán phần Heartware đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện vào ngày 6-6-2014 do giáo sư Phú và ê kíp Bệnh viện Trung Ương Huế thực hiện. Ca phẫu thuật đã cấy thiết bị hỗ trợ tâm thất Heartware cho bệnh nhân bị mắc bệnh cơ tim giãn giai đoạn cuối có tiên lượng sống còn dưới 6 tháng. 

Ca mổ được thực hiện lúc 8h sáng ngày 6-6, kéo dài 5 giờ. Sau mổ diễn biến khá thuận lợi, cung lượng tim từ 2 lít/phút đã tăng lên 4 lít/phút, quả tim nhân tạo hoạt động rất hiệu quả, bệnh nhân hồi phục tốt.

Giáo sư Bùi Đức Phú cũng là phẫu thuật viên chính, trưởng kíp mổ thực hiện ca ghép tim đầu tiên được thực hiện bởi ê kíp bác sĩ người Việt Nam, đồng thời là ca ghép tim thứ hai thành công tại Việt Nam, sau ca ghép tim thành công tại Bệnh viện 103. Ca ghép tim kéo dài trong 5 giờ, bắt đầu từ 22h ngày 1-3 và kết thúc thành công lúc 3h ngày 2-3-2011. Đến nay bệnh nhân đã sống với quả tim ghép khỏe mạnh hơn 6,5 năm và là người được ghép tim sống lâu nhất tại Việt Nam.

Phó giáo sư Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đại diện nhận bằng xác lập kỷ lục. Ảnh: K.L

Người tổ chức điều phối tạng hiến với hành trình chuyển tạng dài nhất từ Nam ra Bắc

Tiến sĩ Dư Thị Ngọc Thu sở hữu kỷ lục này. Bác sĩ Thu là Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy, có vai trò rất lớn trong việc tổ chức điều phối tạng hiến. Bác sĩ Thu là người trực tiếp tham gia vào tất cả các khâu như tiếp nhận ý nguyện gia đình và giúp duy trì ý nguyện hiến tạng, điều phối thông tin chung tại Bệnh viện Chợ Rẫy và thông tin tìm người nhận tạng cho cả nước, tổ chức phối hợp giữa các kíp mổ kịp thời cùng các thủ tục quan trọng khác trước và sau mổ…  

Sự thành công của ca ghép tạng xuyên Việt năm 2015 với hành trình vận chuyển tạng hiến là tim và gan hiến tặng đi xa hơn 1.700 km từ TP HCM đến Hà Nội bằng máy bay cứu sống hai bệnh nhân ghép tim và ghép gan có một phần lớn nhờ vào những nỗ lực của tiến sĩ Dư Thị Ngọc Thu.

Người thực hiện ca ghép thận đổi chéo người cho đầu tiên tại Việt Nam

Kỷ lục này thuộc về phó giáo sư Thái Minh Sâm. Kíp ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện thành công ca ghép thận chéo đầu tiên ở Việt Nam, thực hiện song song trên hai bệnh nhân vào ngày 11-1-2017. Ghép thận đổi chéo là một trong những phương pháp giúp mở rộng nguồn thận hiến, đảm bảo mức độ tương hợp tốt hơn cho bệnh nhân.

Bệnh viện tổ chức và thực hiện quy trình ghép thận từ người hiến thận tim ngừng đập đầu tiên tại Việt Nam

Sở hữu kỷ lục này là Bệnh viện Chợ Rẫy. Ca ghép thận từ người hiến thận tim ngừng đập đầu tiên tại Việt Nam thành công diễn ra ngày 19-6-2015 tại Bệnh viện Chợ Rẫy sau khi một bệnh nhân đột quỵ được gia đình đồng ý hiến hai thận, cứu sống hai bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối.

Ca phẫu thuật ghép thận từ người hiến thận chết não đầu tiên tại Việt Nam 

Kỷ lục do Bệnh viện Chợ Rẫy sở hữu. Ca ghép thận từ người hiến thận tim ngừng đập đầu tiên tại Việt Nam thành công diễn ra ngày 19-6-2015 tại Bệnh viện Chợ Rẫy sau khi một bệnh nhân đột quỵ được gia đình đồng ý hiến hai thận, cứu sống hai bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối.

Đơn vị thực hiện nhiều ca ghép thận nhất Việt Nam.

Kỷ lục thuộc về Khoa Ngoại Tiết Niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Tính đến ngày 30-9-2017, khoa đã thực hiện thành công 622 trường hợp ghép thận, trong đó có 588 ca ghép thận từ người cho sống, 31 ca từ người cho chết não và 3 trường hợp ghép thận từ người cho tim ngừng đập. Sau hơn 25 năm thực hiện, đây là đơn vị ghép thận nhiều nhất tại Việt Nam, góp phần mang lại kết quả và cuộc sống tốt hơn cho các bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối.

Đơn vị tổ chức vận chuyển tạng hiến với hành trình chuyển tạng dài nhất từ Nam ra Bắc để cứu người.

Kỷ lục của Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy. Ngày 3-9-2015, Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy nhận được sự tình nguyện hiến tặng từ mẹ của bệnh nhân chết não tại Khoa Hồi sức Ngoại Thần kinh. Người mẹ tình nguyện hiến tạng tất cả các cơ quan trừ giác mạc. Người hiến tạng là nam giới 32 tuổi hiến hai quả thận, một gan, một tim.

Khi đó tại Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ có ghép thận là tự chủ được, ghép gan phải nhờ đến các chuyên gia từ Hàn Quốc, ghép tim phổi thì chưa triển khai. Bệnh viện Việt Đức là nơi tiếp nhận hai bộ phận gan và tim này. Ngay sau đó tim và gan hiến tặng đã được vận chuyển hơn 1.700 km từ TP HCM đến Hà Nội bằng máy bay ngay trong đêm 4-9. Tất cả ê kíp tham gia đã chạy đua với thời gian. Tạng hiến đã kịp thời cứu sống hai bệnh nhân ghép tim và ghép gan vào ngày 4 đến 5-9-2015 tại Bệnh viện Việt Đức. Hai bệnh nhân sau đó bình phục và xuất viện.

Đây được xem là ca phẫu thuật xuyên Việt đầu tiên tại Việt Nam.

Kỷ lục kép: Ca ghép tụy, thận đầu tiên trên người từ người cho chết não tại Việt Nam.
Ca ghép phổi đầu tiên trên người từ người cho sống tại Việt Nam.

Sở hữu của hai kỷ lục này là Học viện Quân y - Bộ Quốc phòng. Ca ghép tụy - thận đầu tiên trên người từ người cho chết não tại Việt Nam được thực hiện vào ngày 1-3-2014 tại bệnh viện này. Nguồn tạng là người cho chết não vì tai nạn giao thông. Ca mổ kéo dài 13 giờ. 

Cùng với ca ghép này, các bác sĩ cũng tiến hành ghép thận, gan cho hai bệnh nhân khác. Ca mổ thành công, các chức năng tụy - thận sớm hồi phục, bệnh nhân không cần dùng thuốc trị tiểu đường, trở về cuộc sống bình thường.

Ngày 21-2-2017, ca ghép phổi đầu tiên trên người từ người cho sống tại Việt Nam cũng được thực hiện tại Bệnh viện Quân y 103 trong 10 giờ với các bước chuẩn bị và lấy thùy phổi từ hai người cho là bố và bác ruột của bệnh nhân, lấy bỏ phổi bệnh của bệnh nhân và ghép thùy phổi cho vào bệnh nhân. Sau ca mổ, hai phổi ghép hoạt động tốt. 

Theo VnExpress
.
.
.