Bóng đá Việt Nam cần gì để đến World Cup 2026?

Thứ Hai, 14/11/2022, 08:38

Trong lúc World Cup 2022 sắp sửa khởi tranh, người hâm mộ lại đau đáu câu hỏi bao giờ Việt Nam mới có thể xuất hiện trong ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Thực tế, bóng đá Việt Nam đã có nhiều đại diện tham dự World Cup, từ đội tuyển futsal nam, tuyển U20 nam và mới nhất là tuyển nữ quốc gia.

Đó là cơ sở cho thấy tuyển Việt Nam không hề mơ mộng quá đáng, đặc biệt khi World Cup sẽ mở rộng lên 48 đội tham dự từ năm 2026.

Cơ hội của bóng đá Việt Nam

Bắt đầu từ vòng chung kết năm 2026, World Cup sẽ tăng số đội tham dự từ 32 lên 48. Điều này mở ra cơ hội cho một loạt quốc gia trên thế giới. Theo phân bổ của FIFA, châu Phi và châu Á được hưởng lợi nhiều nhất. Trong khi châu Phi tăng từ 5 suất lên 9 suất, thì châu Á cũng tăng từ 4 suất rưỡi lên 8 suất. Cả hai đều có thêm 1 suất đá play-off liên lục địa (tương đương 1/3 vé).

Bóng đá Việt Nam cần gì để đến World Cup 2026? -0
Tuyển Việt Nam sẽ có cơ hội lớn ở vòng loại World Cup 2022 với đà tiến hiện tại.

Nếu AFC giữ nguyên thể thức vòng loại như hiện tại, 8 đội đứng đầu ở vòng loại thứ 3 khu vực châu Á sẽ giành vé đến World Cup 2022. Hai đội đứng thứ 5 mỗi bảng sẽ đá play-off tranh suất đá play-off liên lục địa. Khi đó, nhiệm vụ của tuyển Việt Nam sẽ đơn giản hơn rất nhiều.

Ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 vừa qua, tuyển Việt Nam đứng cuối bảng B, nơi có sự hiện diện của Saudi Arabia, Nhật Bản, Australia, Oman, Trung Quốc. Như đã biết, bảng đấu này cực khó khi có tổng cộng 3 đội giành vé đến Qatar. Tuy nhiên, thầy trò HLV Park Hang-seo không trắng tay mà giành được 4 điểm. Đội bóng áo đỏ ghi tổng cộng 8 bàn thắng và chỉ thủng lưới 19 bàn. Nói cách khác, khoảng cách giữa tuyển Việt Nam và các đội đầu bảng như Saudi Arabia hay Nhật Bản có thể khó san lấp, nhưng với Australia, Oman hay Trung Quốc thì không.

Tìm cách vượt qua những đối thủ tầm trung như Oman hay Trung Quốc là mục tiêu thiết thực của tuyển Việt Nam. Nếu may mắn, tuyển Việt Nam hoàn toàn có thể lọt vào top 4 của bảng đấu và giành vé đi thẳng. Hoặc không, đội bóng áo đỏ đủ sức tranh vị trí thứ 5, qua đó có cơ hội dự World Cup qua đường play-off.

Dựa theo đà tiến bộ của bóng đá Việt Nam trong những năm gần đây, mục tiêu trên không hề nằm ngoài tầm với. Đó cũng có thể là lý do quan trọng khiến VFF chấp nhận chia tay HLV Park Hang-seo để làm mới đội tuyển, và tiến lên một đẳng cấp khác.

Bóng đá Việt Nam cần những gì?

Có rất nhiều yếu tố tạo nên một đội tuyển quốc gia mạnh. Các cầu thủ Việt Nam được đánh giá cao về kỹ thuật và tư duy chiến thuật. Tuy nhiên, họ lại thiếu tốc độ, thể lực và sức mạnh. Trong bất cứ môn thể thao nào, thể chất vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu. Mọi yếu tố khác sẽ trở nên vô nghĩa nếu bạn không có nền tảng thể lực đủ tốt.

Đó chính là vấn đề lớn nhất của bóng đá Việt Nam hiện tại. Trong lúc các lò đào tạo mọc lên như nấm sau mưa, chỉ có một vài nơi thực sự tạo ra các cầu thủ đủ khả năng vươn tầm, và tất cả đều hiểu rõ tầm quan trọng của việc rèn luyện, duy trì thể chất một cách khoa học.

Ngay cả HAGL của bầu Đức cũng chuyển mình theo tiêu chuẩn này. Năm ngoái, HAGL đã chấm dứt cuộc tình kéo dài 15 năm với JMG. Học viện HAGL Arsenal JMG từng tạo ra thế hệ vàng 1995 lừng danh với nhiều ngôi sao lớn, nhưng thành công của họ chỉ gói gọn trong khóa đầu tiên. Lý do rất đơn giản, giáo trình của JMG tập trung hoàn toàn vào kỹ chiến thuật mà bỏ qua yếu tố thể lực, điều vốn là điểm yếu cố hữu của cầu thủ Việt Nam trước đây.

Thực tế, JMG vốn đặt đại bản doanh và phát triển từ châu Phi. Họ gặt hái thành công vang dội ở các quốc gia châu Phi, bởi lẽ các cầu thủ ở đây vốn sở hữu sức khỏe trời ban. Trước HAGL, học viện JMG tại Thái Lan (liên kết với CLB Chonburi) cũng sớm bị đóng cửa vì các học viên không đạt yêu cầu chất lượng của Thái League.

Dù sao, thành công ban đầu của HAGL với JMG cũng thúc đẩy các đại gia khác đầu tư mạnh hơn vào bóng đá trẻ, bao gồm Viettel và Hà Nội. Ngoài ra, một số lò đào tạo lớn cũng ra đời, đảm bảo cho các tuyển Việt Nam không rơi vào tình cảnh tre già mà măng chưa kịp mọc. Trong vài năm gần đây, các tuyển trẻ Việt Nam chịu rất nhiều nghi ngờ vì thiếu cơ hội thi đấu do dịch bệnh. Tuy nhiên, các tài năng của chúng ta vẫn lần lượt xuất hiện và chứng minh bản thân.

Minh chứng rõ nét nhất là thành tích đối đầu giữa bóng đá trẻ Việt Nam và đại kình địch Thái Lan. Trong vòng 5 năm qua, các đội tuyển trẻ của Việt Nam, từ U16 đến U23 chưa từng thua một trận trước người Thái.

Về lý thuyết, các cầu thủ Việt Nam đã phần nào hội nhập với quốc tế về kỹ chiến thuật. Bây giờ là lúc họ - hay chính xác là những người làm bóng đá quay lại với điều cơ bản nhất: cải thiện thể chất. Nếu có đủ sức mạnh, tuyển Việt Nam đủ sức tranh tài với những Oman, Trung Quốc, Iraq, Syria… Khi đó, đội bóng áo đỏ thậm chí có thể mơ mộng trở thành những Hàn Quốc, Nhật Bản mới của châu Á.

VFF xây dựng lộ trình phát triển tuyển Việt Nam đến năm 2030

Đại hội LĐBĐ Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2022- 2026) vừa qua, VFF quyết định xây dựng lộ trình phát triển đến năm 2030, đặt mục tiêu tuyển Việt Nam lọt vào top 10 đội mạnh nhất châu Á, lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2026, cạnh tranh cơ hội dự VCK World Cup 2026 và hướng tới tham dự VCK World Cup 2030.

Đây là lộ trình phù hợp với đà phát triển hiện tại của bóng đá Việt Nam, không tạo áp lực quá mức với thế hệ cầu thủ mới. VFF đã rất khéo léo khi đặt mục tiêu tham dự World Cup 2030 thay vì 2026, cho thấy họ tự hiểu rõ bản thân và nền tảng ở phía dưới. Thực tế, người hâm mộ chắc chắn vẫn mơ mộng World Cup đến sớm hơn, nhưng VFF với nhiệm vụ của "người lái tàu" không được phép tỏ ra nóng vội. Trong khi các lò đào tạo có trách nhiệm cải thiện cầu thủ từ bước đầu, thì VFF phải đảm bảo hoàn thành những công việc vĩ mô hơn, đặc biệt là nâng tầm giải vô địch quốc gia. Khi tất cả cộng hưởng vào với nhau, Việt Nam sớm muộn cũng sẽ có một đội tuyển đủ mạnh để tranh vé dự World Cup.

An Khánh
.
.
.