Vẫn loay hoay với bài toán nhân lực trong nhiều loại hình nghệ thuật
Nghệ thuật biểu diễn được xác định là một trong những lĩnh vực được đặc biệt quan tâm trong phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, đến nay, đây cũng là lĩnh vực có nhiều vấn đề bất cập, nhất là về nguồn nhân lực sáng tạo trong nhiều loại hình nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống.
Báo động đỏ về thế hệ kế cận
Thời gian gần đây, những người yêu nghệ thuật xiếc có dịp thưởng thức khá nhiều tác phẩm, chương trình thuộc hàng “độc, lạ” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, trong đó có các chương trình, vở diễn phối hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam, các nghệ sĩ biểu diễn nhạc rock…
Mới đây nhất, đón đầu dịp lễ Quốc tế thiếu nhi 1/6 và mùa hè 2024, Liên đoàn Xiếc Việt Nam công bố cùng lúc 2 chương trình: Ninja Magic Show; Giấc mơ tuổi thần tiên. Trong đó, Ninja Magic Show là chương trình đặc biệt được Liên đoàn phối hợp với các nghệ sĩ Nhật Bản thực hiện. Không khó để nhận thấy, trong các kịch mục ngày càng đa dạng của Liên đoàn, nghệ thuật xiếc có những cuộc “trở mình” đáng kể.
Khán giả không chỉ xem các trò diễn đặc sắc mà qua mỗi chương trình, các nghệ sĩ đều cố gắng chuyển tải những câu chuyện nhất định với rất nhiều yếu tố nhằm chuyển tải bản sắc riêng có về văn hóa, lịch sử, yếu tố giáo dục qua mỗi chương trình. NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng không ít lần bày tỏ tham vọng về một tương lai rực rỡ hơn cho nghệ thuật xiếc, không chỉ ở trong nước mà còn là ở nước ngoài. Mặc dù tràn đầy nhiệt huyết nhưng không ít lần, nam nghệ sĩ cũng than thở vì những khó khăn chồng chất của nghệ thuật xiếc. Một trong những vấn đề nan giải là nhân lực cho đơn vị.
Theo Liên đoàn Xiếc Việt Nam, hiện nay, Liên đoàn có 113 biên chế được bố trí làm việc, vẫn thiếu 14 chỉ tiêu so với số lượng biên chế được giao. Lao động từ 41 - 50 tuổi có 45 người; từ 51- 55 tuổi là 5 người; từ 56-60 tuổi là 6 người. Đội ngũ diễn viên lớn tuổi (nam 45 tuổi, nữ 40 tuổi) sau một thời gian cống hiến không còn đủ sức khỏe vẫn đang hưởng lương. Ở tuổi này tỷ lệ mắc bệnh xương khớp, cơ bắp, gân, dây chằng, loãng xương rất cao do trong thời gian dài các nghệ sĩ phải tập luyện và biểu diễn các tiết mục nhào lộn trên cao, đu dây trên không trung vốn rất nguy hiểm, với đu bay, đu quăng, nhào lộn trên sào, cầu bật… Do luôn phải tiếp xúc với ánh sáng cường độ cao trong không gian rạp xiếc, đặc biệt sự tập trung biểu diễn trong các thể loại thăng bằng, trò khéo và nhào lộn vì vậy ảnh hưởng rất nhiều đến thị lực, nhịp tim của các nghệ sĩ. Hầu hết các diễn viên biểu diễn trên cao đều mắc bệnh tim mạch sau khi thôi biểu diễn. Nghệ sĩ biểu diễn, nuôi dạy thú dễ mắc bệnh về hô hấp. Một số người phải nghỉ, chuyển công tác. Trong khi đó, công tác tuyển dụng diễn viên xiếc tại đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Những năm gần đây, số lượng học sinh đăng ký học xiếc rất ít. Chế độ tiền lương đối với các nghệ sĩ còn rất thấp chưa tương xứng với mức độ nặng nhọc và nguy hiểm của nghề.
TS.NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng cho biết, Nhà hát Cải lương Việt Nam thiếu nguồn nhân lực trẻ kế cận như diễn viên, nhạc công, kỹ thuật viên âm thanh, ánh sáng, hậu đài… Chỉ tiêu biên chế giao Nhà hát ngày càng giảm (biên chế giao năm 2018: 86 chỉ tiêu; biên chế giao 2023: 74 chỉ tiêu). Thêm nữa, sự bất hợp lý về độ tuổi nghỉ hưu và tuổi hưởng lương hưu do số lượng nghệ sĩ “hết tuổi nghề” nhưng chưa đến tuổi nghỉ chế độ đã lấp đầy chỉ tiêu biên chế, không còn chỗ cho nhân lực trẻ. Ngay cả khi còn chỉ tiêu biên chế thì cũng hiếm có được tài năng trẻ để tuyển dụng. Lương và bồi dưỡng tập, bồi dưỡng biểu diễn của cán bộ, viên chức và người lao động thấp, không đủ trang trải cuộc sống, khiến họ phải làm thêm các công việc khác, không thể toàn tâm toàn ý cho nghề nghiệp chuyên môn.
Nhiều hệ lụy do thiếu nhân lực
Theo TS.NSND Triệu Trung Kiên, tại các trường nghệ thuật như Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội; Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TP Hồ Chí Minh và nhiều trường nghệ thuật tại các địa phương trên cả nước, trong nhiều năm nay hầu như không có thí sinh thi tuyển vào các lớp diễn viên, nhạc công Tuồng và Cải lương. Lực lượng giảng dạy cũng mai một. Tại khoa Cải lương, thuộc Khoa Kịch hát dân tộc, Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội chỉ có 1 giảng viên chính thức, còn lại là các giảng viên thỉnh giảng. Thực tế thiếu trò, thiếu cả thầy đã dẫn đến nguy cơ thiếu trầm trọng nguồn nhân lực biểu diễn trẻ kế cận. Tình hình này là rất đáng báo động, nếu không có biện pháp khắc phục, trong tương lai gần, nghệ thuật truyền thống sẽ lâm vào thoái trào.
Những bất cập về nguồn nhân lực cho nhiều loại hình nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẳng thắn thừa nhận. Cụ thể là việc thiếu nguồn nhân lực sáng tạo ở một số loại hình nghệ thuật dẫn đến một số đơn vị nghệ thuật thiếu kịch bản hay, mới, có chất lượng để dàn dựng và biểu diễn. Đội ngũ làm công tác lý luận phê bình nghệ thuật ở các đơn vị hiện nay hầu như không có. Vì vậy, chức năng lý luận, phê bình và định hướng cho ngành nói chung, cho đơn vị nói riêng đang là vấn đề cần quan tâm để bổ sung. Phòng Nghệ thuật trong các đơn vị nghệ thuật Trung ương hiện gồm các thành viên hoạt động kiêm nhiệm nên chưa phát huy vai trò trong định hướng sáng tác, thẩm định, đánh giá chất lượng về nội dung, hình thức thể hiện tác phẩm. Có đơn vị chưa có bộ phận chuyên môn trong định hướng sáng tạo nghệ thuật.
Cũng theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phần lớn lực lượng nghệ sĩ, diễn viên biểu diễn hiện nay có trình độ trung cấp. Lực lượng này được đào tạo tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp trong cả nước, thuộc các loại hình nghệ thuật: Múa, Tuồng, Chèo, Cải Lương, Múa rối, Xiếc, nhạc công ngành nghệ thuật truyền thống. Đây là lực lượng nòng cốt biểu diễn trong các đơn vị nhưng mức lương rất thấp và không được nâng lương, ngạch, bậc trong quá trình công tác. Đó là yếu tố đặc thù của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn chưa được đưa vào chính sách pháp luật để giải quyết phù hợp với tình hình thực tế. Các đơn vị nghệ thuật đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chuyên môn chất lượng. Bên cạnh đó, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập còn tồn tại những bất cập bởi nhiều đơn vị chưa đảm bảo cơ cấu hợp lý, trong đó số lượng người làm việc tại các đơn vị việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung, không đạt tỷ lệ tối thiểu 65% tổng số lượng người làm việc chuyên môn, nghiệp vụ biểu diễn nghệ thuật của đơn vị.