Sự thay đổi của ông Park Hang-seo

Thứ Sáu, 15/10/2021, 06:42

Huấn luyện viên Park Hang-seo cần thời gian để làm mới tuyển Việt Nam. Đây là điều không phải dễ trong bối cảnh nền bóng đá vẫn đứng nguyên một chỗ.

Sau hàng loạt những thất bại của tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022, huấn luyện viên Park Hang-seo đã nhận khá nhiều ý kiến chỉ trích, phản biện đến từ truyền thông và giới chuyên môn. Những ý kiến góp ý với ông Park đều chung quan điểm là: Đội tuyển Việt Nam cần thay đổi.

Sự thay đổi đầu tiên mà ông Park tạo ra là trong trận đấu với tuyển Trung Quốc. Đó là việc thay thế đến 4 nhân sự so với trận gặp tuyển Trung Quốc. Tuy nhiên, khi phân tích kỹ có thể thấy đó đều là những trường hợp thay người bất khả kháng. Thực tế, những gì đội tuyển Việt Nam thể hiện trong trận đấu với Oman không có nhiều thay đổi.

vn220821-1629460158738.jpeg -0
Đội tuyển Việt Nam cần thay đổi. Ảnh: CTV

Việc chúng ta thua trận cũng là điều không khiến người xem bất ngờ. Và qua đây cũng cho tất cả thấy rằng, vấn đề của tuyển Việt Nam không chỉ nằm ở câu chuyện thay đổi nhân sự là làm mới. Đó là câu chuyện thay đổi của tư duy cầu thủ và sự thay đổi vận hành của nền bóng đá.

Sau 4 năm huấn luyện viên Park Hang-seo đến Việt Nam, ông đã mang đến nhưng thành tích ấn tượng. Bên cạnh đó, ông còn tạo cho các cầu thủ tâm lý chiến thắng qua từng giải đấu. Nếu như trước đây, các cầu thủ Việt Nam thường bị căng cứng ở các trận đấu quan trọng thì nay điều đó đã không còn nữa. Sự tự tin đã giúp cho đội tuyển Việt Nam gặt hái được nhiều thành công. Thế nhưng, khi ra đến biển lớn, các cầu thủ Việt Nam dần bộc lộ những thói quen xấu ở V.League.

Sau 4 trận đấu ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022, chúng ta nhận đến 4 quả phạt đền. Đó đều là những tình huống đến từ lỗi của các hậu vệ. Như ở trận đấu mới nhất gặp Oman, những cái vung tay thừa thãi của Duy Mạnh và Tấn Tài đã mang đến hệ quả là hai quả phạt đền đáng tiếc.

Cựu trọng tài Hoàng Ngọc Tuấn nhận xét: “Tuyển Việt Nam mới chỉ được trải nghiệm công nghệ VAR nên cũng không thể tránh khỏi những sai lầm dẫn tới những tình huống bị thổi 11m. Nhưng thẳng thắn mà nói rằng, có không ít tình huống, chúng ta sẽ không bị thổi phạt đền nếu như không có những thói quen tiểu xảo ở sân chơi V.League. Như mới đây ở trận đấu với Oman, tuyển Việt Nam nhận 2 quả phạt 11m đều đến từ những tình huống chơi tiểu xảo sau khi tranh chấp bóng, điều này có thể qua mắt được trọng tài chính, nhưng nên nhớ VAR sẽ không bỏ sót bất kì lỗi nào”.

Ngay cả huấn luyện viên Park Hang-seo cũng từng nói rằng: “Tôi cho rằng việc chúng ta bị nhiều phạt đền thế - tôi không giải thích cụ thể từng tình huống - nhưng tôi nghĩ có lẽ do thói quen từ phòng ngự từ trẻ họ đã được học. Rất khó để giải thích chính xác. Tôi chưa xem các đội tuyển khác chịu penalty thế nào”.

Và vấn đề lớn hơn được chỉ ra đó chính là các giải chuyên nghiệp quốc gia Việt Nam vẫn đang tồn tại những hạn chế. Nhìn lại 4 năm thành công của huấn luyện viên Park Hang-seo cùng tuyển Việt Nam, dường như V.League vẫn giậm chân tại chỗ nếu như không nói là thụt lùi hơn. Mà bản chất rõ ràng đang nằm ở sự thiếu chuyên nghiệp đến từ một số câu lạc bộ. Chỉ từ năm 2020 đến 2021 mà hàng loạt các vấn đề nổi cộm diễn ra như công tác trọng tài, vấn nạn bạo lực sân cỏ hay là chuyện đội bóng nợ lương cầu thủ, tạm dừng hoạt động như Than Quảng Ninh.

Đáng buồn hơn, mùa giải 2021 phải huỷ giữa chừng mà đại đa số ý kiến lại đến từ chính các câu lạc bộ, những nhân vật chính của cuộc chơi. Điều đó khiến cho những hoạt động của bóng đá Việt Nam trong thời gian còn lại của năm 2021 chỉ xoay quanh các đội tuyển quốc gia. Nhưng nên nhờ rằng, các giải chuyên nghiệp quốc gia mới là linh hồn xương sống của nền bóng đá. Và cũng từ đây mà một vấn đề khác được chỉ là là ông Park không có nguồn cung cầu thủ chất lượng khi các câu lạc bộ không thi đấu.

Tất cả cùng hô hào ông Park cần phải thay đổi và làm mới, thế nhưng cái gốc của nền bóng đá lại cũ kỹ và thiếu chuyên nghiệp, rấy khó để tạo ra một sự mới mẻ ở cấp độ đội tuyển quốc gia. Thực tế, ông Park đã đến và thay đổi, làm mới nền bóng đá trong 4 năm qua. Chỉ tiếc rằng, chính chúng ta đã không nắm bắt cơ hội đó để rồi tự cũ kỹ và đòi hỏi cái mới.

Đây là vấn đề mà VFF cần có những hoạch định chiến lược trong thời gian tới, cụ thể là sau vòng loại World Cup 2022.

Tuyển Việt Nam vẫn ở top 100 thế giới

Theo bảng xếp hạng chính thức được FIFA công bố hôm 16.9, tuyển Việt Nam đứng hạng 95 thế giới, với số điểm 1.244,09. FIFA sẽ dựa vào kết quả các trận vòng loại World Cup 2022 trong tháng 10 để tính điểm xếp hạng cho các đội tuyển. Tuy nhiên, với công thức có sẵn, trang Football Ranking đã tính toán được thứ hạng của đội tuyển Việt Nam sau 2 trận thua trước tuyển Trung Quốc và Oman. Cụ thể, tuyển Việt Nam sẽ bị trừ 10,81 điểm sau trận thua 1-3 trước Oman hôm 12.10. Trước đó, đội tuyển đã bị trừ 16,76 điểm sau hai trận thua trước Saudi Arabia và Australia hồi tháng 9 và 10,35 điểm sau trận thua Trung Quốc hôm 8.10.

Football Ranking dự đoán đội tuyển Việt Nam sẽ rơi từ hạng 95 xuống hạng 98 thế giới với 1.222,93 điểm. Tuyển Việt Nam vẫn duy trì vị thế số 1 Đông Nam Á nhưng đã bị tuyển Thái Lan thu hẹp khoảng cách. Đội bóng của huấn luyện viên Polking có thể tăng 5 bậc lên hạng 117 dù không thi đấu trận nào trong tháng 10. Bảng xếp hạng chính thức sẽ được trang chủ FIFA công bố vào ngày 21.10.

Sau 4 trận, tuyển Việt Nam là đội duy nhất chưa giành được điểm nào tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực Châu Á. Trong lượt trận tháng 11, thầy trò ông Park Hang-seo sẽ đối đầu 2 đối thủ rất mạnh là Nhật Bản (11.11) và Saudi Arabia (16.11). Nếu thua cả 2 trận này, tuyển Việt Nam có thể văng khỏi top 100 thế giới.

Hưng Hà
.
.
.