Liên kết thực chất trong du lịch ĐBSCL

Thứ Hai, 08/08/2022, 05:00

Để níu chân du khách và cho họ có điều kiện tiêu tiền nhiều hơn, các địa phương làm du lịch ở ĐBSCL phải liên kết thực chất với nhau. Mỗi địa phương cần quy hoạch sản phẩm dịch vụ, vui chơi và vận động doanh nghiệp vào đầu tư để khách lưu trú có nơi giải trí.

Trong 6 tháng đầu năm, du lịch cụm phía Tây ĐBSCL (gồm 7 tỉnh, thành: Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang) đón trên 16 triệu lượt khách (tăng 57,3% so với cùng kỳ), doanh thu đạt trên 12.500 tỷ đồng (tăng 54%).

Tuy nhiên, khách lưu trú chỉ đạt 4,4 triệu lượt, trong đó Kiên Giang là 1,5 triệu lượt và Cần Thơ khoảng 1,2 triệu lượt, các tỉnh còn lại khoảng vài trăm nghìn lượt.

du lich 1.jpg -0
Du lịch sinh thái, tham quan vườn trái cây ở miền Tây.

Bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin - Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu nhận định: “Du lịch nội địa phục hồi khi dịch COVID-19 được kiểm soát, việc liên kết của các địa phương trong cụm phát sinh một số hạn chế, tồn tại. Đặc biệt xuất hiện việc mỗi địa phương, doanh nghiệp tự làm, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh”.

Lãnh đạo Sở Văn hoá - Thông tin - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho rằng hiện nay mỗi nơi đều tự làm lễ hội. Chẳng hạn như vừa qua Cần Thơ có Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ, Hậu Giang có lễ hội về cá thát lát và khóm, sắp tới Cà Mau cũng có Ngày hội cua… Ông Nguyễn Chí Công, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau nêu: “Tôi cảm nhận là mạnh ai nấy làm, tự thân vận động là chính, sự liên kết chưa rõ. Cần có sản phẩm chung như làm lễ hội đặc sản của các địa phương rồi đem về một địa phương trong cụm, và bán tour bán tuyến theo lễ hội này. Khách mua tour này phải rẻ hơn các tour khác từ 5-10%. Còn về địa phương trong cụm ở tại khách sạn được giảm giá nữa. Năm sau công ty đưa khách trở lại thì tiếp tục được ưa đãi từ 5-10%... Làm như vậy sẽ giải quyết bước đầu lễ hội trùng lắp, sản phẩm trùng lắp. Qua đó cũng quảng bá giới thiệu, có hoạt động chung của cụm thì liên kết sẽ rõ hơn”.

Theo bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Công ty Vietravel, chi nhánh Cần Thơ, trước đây khi công ty xây dựng tour tuyến mong muốn lựa chọn cho khách có chỗ ăn, nghỉ ngơi, vui chơi thuận lợi. Tuy nhiên, khi du lịch phục hồi trở lại sau dịch COVID-19 thì mong muốn của Vietravel là xây dựng sản phẩm có nhiều sự trải nghiệm và cảm nhận của du khách sau khi sử dụng dịch vụ là phải có gì lắng đọng lại, chứ không hẳn là đến tham quan. “Không thể 1 địa phương nào tự làm du lịch. Trong hành trình của chúng tôi phải chỉ đến cụm phía Tây hay cụm phía Đông mà đôi khi lồng ghép cả 2 cụm. Một trong những sản phẩm tốt nhất của ĐBSCL đó là hành trình Cần Thơ - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau. Vietravel đã xây dựng mảng sản phẩm mở rộng ra hướng tuyến An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, sắp tới  là Trà Vinh, hoặc có thể là Hậu Giang”, bà Thy cho biết.

Cái thiếu của du lịch ĐBSCL là thời gian lưu trú ngắn, chi tiêu tiền của du khách cho hoạt động du lịch địa phương thấp hơn so với các vùng khác, trong khi kinh phí để đi đến ĐBSCL không hề thấp. Bà Quảng Xuân Lụa, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang nói: “Kiên Giang có lợi thế về du lịch biển đảo. Ngày trước, khách đến Phú Quốc ở lại 3 ngày 2 đêm đã hết chỗ chơi nhưng hiện nay là 4 ngày 3 đêm vẫn chưa trải nghiệm hết các dịch vụ tại địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh. Khách đi về phía của Vinpearl thì 3 ngày 2 đêm mới chơi hết ở đây, còn đi về hướng An Thới, cáp treo và tham quan các đảo thì thêm 2 ngày nữa. Nếu đi phối hợp cả 2 điểm trên phải 4 ngày, còn đi 2 đầu là 5 ngày”. Bà Lụa thông tin để khách lưu trú dài ngày, Kiên Giang đã quy hoạch sản phẩm dịch vụ, vui chơi giải trí và vận động doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm. Nhờ vậy, thời gian lưu trú của khách tại Kiên Giang lâu hơn các địa phương khác.

Văn Vĩnh
.
.
.