Lấy ý kiến về quy định xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT

Thứ Ba, 06/06/2023, 06:44

Sau 3 đợt tổ chức xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tiếp tục soạn thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Việc lấy ý kiến nhằm khắc phục những vấn đề còn bất cập trong quy định hiện hành, đồng thời góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng đối với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, bảo đảm quyền, nghĩa vụ của cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực này. Dự kiến, dự thảo được lấy ý kiến đến ngày 17/7.

Nhiều đối tượng được đề nghị nhưng không phù hợp

Được biết, việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT hiện nay được thực hiện theo Nghị định số 89/2014/NĐ-CP và Nghị định số 40/2021/NĐCP. Theo đó, xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT được hướng đến đối tượng người biểu diễn và trình bày tác phẩm văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp. Từ 2016 đến nay, Bộ VHTTDL đã tổ chức 3 đợt xét tặng danh hiệu (đợt 1: năm 2016; đợt 2: năm 2019; đợt 3: năm 2022).

Kết quả đã có 186 NSƯT được phong tặng danh hiệu NSND, 686 nghệ sĩ được tặng danh hiệu NSƯT. Hiện nay, Bộ VHTTDL đang trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, xét tặng danh hiệu NSND cho 136 NSƯT và xem xét, xét tặng danh hiệu NSƯT cho 347 nghệ sĩ. Theo Bộ VHTTDL, trong các đợt xét tặng này, cơ quan chuyên môn cũng như các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành trung ương chưa có ý kiến gì về việc đề nghị bổ sung việc xét tặng đối với các đối tượng khác.

Lấy ý kiến về quy định xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT -0
Niềm vui của các nghệ sĩ khi được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Ảnh: Trần Huấn

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022, ngoài những đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT như trước đây, sẽ còn có đối tượng được xét tặng danh hiệu là “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” trong 9 lĩnh vực: Âm nhạc; Điện ảnh; Kiến trúc; Múa; Mỹ thuật; Nhiếp ảnh; Sân khấu; Văn học; Văn nghệ dân gian.

Để lựa chọn, bổ sung đối tượng cá nhân được xét tặng, 9 hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành trung ương đã có văn bản báo cáo. Trong đó, 6 hội không đề xuất, gồm: Hội Điện ảnh Việt Nam; Hội Kiến trúc sư Việt Nam; Hội Mỹ thuật Việt Nam; Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; Hội Nhà văn Việt Nam; Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Có 3 hội đề xuất bổ sung đối tượng là Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đề xuất đối tượng là tác giả kịch bản múa; Hội Nhạc sĩ Việt Nam đề xuất đối tượng là nhạc sĩ sáng tác và phối khí; Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đề xuất đối tượng là nghệ sĩ sáng tác; nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh; giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh.

Tuy nhiên, theo Ban soạn thảo Nghị định thì một số đối tượng được đề nghị xét tặng nói trên chưa phù hợp. Cụ thể, tác giả kịch bản múa và nhạc sĩ phối khí không phải là tác giả sáng tạo độc lập của tác phẩm văn hóa, nghệ thuật. Giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh thuộc đối tượng xét danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú. Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh thuộc đối tượng xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.

Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL cũng cho rằng, một số đề xuất của các hội về cách tính thời gian hoạt động văn hóa, nghệ thuật cho đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” của các hội chuyên ngành đều mang tính chung chung, chưa lượng hóa được tiêu chuẩn “tác phẩm xuất sắc có giá trị cao về nội dung tư tưởng và nghệ thuật được công chúng yêu thích đón nhận”…

Xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT theo tiêu chuẩn nào?

Theo dự thảo Nghị định Quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đang được công bố, lấy ý kiến, nghệ sĩ được phong tặng phải đáp ứng các tiêu chí chung như trung thành với Tổ quốc, chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề, có tài năng nghệ thuật xuất sắc…

Ngoài ra, người được xét tặng danh hiệu NSND phải có thời gian hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật là 20 năm trở lên (15 năm đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa); đã được tặng danh hiệu NSƯT. Cá nhân hoạt động nghệ thuật phải có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia, trong đó có 1 giải Vàng là của cá nhân hoặc có ít nhất 3 giải Vàng quốc gia, trong trường hợp không có 1 giải Vàng của cá nhân.

Cá nhân là người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật thì phải có tác phẩm xuất sắc có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, được công chúng yêu thích đón nhận (tác phẩm đạt tiêu chí: có 1 tác phẩm đạt ít nhất 2 giải Vàng quốc gia hoặc có ít nhất 2 tác phẩm đạt giải Vàng quốc gia).

Với danh hiệu NSƯT, người được xét tặng phải có thời gian hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật là 15 năm trở lên (10 năm đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa). Cá nhân hoạt động nghệ thuật phải có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia, trong đó có 1 giải Vàng là của cá nhân hoặc có ít nhất 1 giải Vàng quốc gia và 2 giải Bạc quốc gia, trong đó có 1 giải Vàng là của cá nhân hoặc có ít nhất 3 giải Vàng quốc gia trong trường hợp không có 1 giải Vàng của cá nhân).

Cá nhân là người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật phải có tác phẩm xuất sắc có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, được công chúng yêu thích đón nhận (tác phẩm đạt tiêu chí: có 1 tác phẩm đạt ít nhất 2 giải Vàng quốc gia hoặc có ít nhất 2 tác phẩm đạt giải Vàng quốc gia).

Theo dự thảo, một số trường hợp đặc biệt được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là các cá nhân có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc: Cá nhân là người cao tuổi có nhiều đóng góp trong lĩnh vực hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp; cá nhân tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ nhiệm vụ chính trị lớn của địa phương và đất nước; cá nhân hoạt động trong loại hình nhạc giao hưởng thính phòng, nhạc vũ kịch; cá nhân là giảng viên các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đạt các giải thưởng cao tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp quốc gia, quốc tế và vẫn đang tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp.

N.Nguyễn
.
.
.