Băn khoăn xung quanh đề xuất xét NSND, NSƯT cho nhiếp ảnh gia, soạn giả, kiến trúc sư

Thứ Bảy, 20/05/2023, 08:49

Liên quan đến việc xây dựng dự thảo nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT (sửa đổi), mới đây, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã góp ý với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị ngoài những đối tượng đang được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT theo quy định, cần bổ sung thêm các đối tượng là nhà nhiếp ảnh, soạn giả, kiến trúc sư. Kiến nghị này đã gặp phải ý kiến trái chiều của những người trong ngành.

Cần tạo ra sự công bằng

kiến trúc 1.jpg -0
Kiến trúc sư giới thiệu về đồ án "Hà Nội phố cổ - Nghìn năm văn hiến" tại không gian 22 Hàng Buồm (Hà Nội). Ảnh: Văn Tú

Chia sẻ với PV Báo CAND, đại biểu Quốc hội, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cho biết, vào tháng 6/2022, khi góp ý trước Quốc hội về Luật Thi đua - Khen thưởng, bà đã đề xuất bổ sung đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho nhà nhiếp ảnh, kiến trúc, soạn giả sân khấu và tác giả văn học (nhà văn).

Tuy nhiên, khi được Ban soạn thảo lấy ý kiến, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã có văn bản khẳng định: “Đồng ý bổ sung đối tượng. Tuy nhiên, nhà văn không phải là nghệ sĩ nên Hội Nhà văn Việt Nam đề xuất không xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho các nhà văn”. Vì vậy, mới đây khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi công văn đề nghị Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam trao đổi về dự thảo nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT (sửa đổi), bà Đông đề xuất mở rộng xét tặng danh hiệu cho ba đối tượng: Nhiếp ảnh gia, soạn giả, kiến trúc sư.

“Ngày 15/6/2022, Quốc hội đã ban hành Luật Thi đua - Khen thưởng, trong đó điểm b khoản 1 Điều 66 quy định xét tặng NSND, NSƯT cho “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật”. Hiện tại có 9 chuyên ngành nghệ thuật thì có 6 chuyên ngành được xét tặng NSND, NSƯT nên khi làm luật phải có sự công bằng. Hiện nay trong lĩnh vực sáng tác như họa sĩ, quay phim đã được xét tặng NSND, NSƯT, vậy tại sao các lĩnh vực sáng tác khác lại không được? Điều làm anh em vui nhất là được đối xử công bằng, còn vấn đề được xét tặng hay không còn phụ thuộc vào tiêu chuẩn, tiêu chí, khi xét thì phải xét đúng người, đúng tác phẩm”, bà Đông nhấn mạnh.

Chia sẻ về vấn đề này, TS, nhà viết chèo Trần Đình Ngôn phân tích, soạn giả nói riêng và tác giả nói chung đã được xét Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh rồi thì không nên xét danh hiệu NSƯT, NSND – vốn thuộc về lĩnh vực biểu diễn.

“Quy định đó từ trước đến nay là hợp lý, theo tôi không nên thay đổi. Soạn giả lại đi kèm danh hiệu nghệ sĩ thì nghe không vừa tai cho lắm. Bên Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã có ý kiến xin thôi thì chúng ta cũng nên đồng nhất như vậy. Việc xét tặng gây ra việc “loạn” danh hiệu, rất dễ gây ra sự háo danh. Như trường hợp của NSƯT Đoàn Thanh Bình chuyển sang dạy học ở Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội đến 20 năm, dạy rất giỏi nhưng cũng không được xét tặng NGƯT, NGND mà phải xét theo ngạch cao hơn là NSND. Chúng ta không thể hưởng một lúc 2 ngạch. Rất không nên!”, ông Trần Đình Ngôn nói.

Soạn giả Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam khẳng định, điều quan trọng là tác phẩm đến công chúng thật gần gũi, dễ hiểu, dễ hát và có sức sống lâu bền. “Danh hiệu là quý nhưng tình người còn quý hơn. Nếu chỉ là danh hiệu thôi thì rất dễ bị lợi dụng, khi ấy họ mang danh đi “bán hàng” thì sao?”, ông Mai Văn Lạng khẳng định.

Không cùng thang đánh giá nên không thể đưa lên “bàn cân”

Đứng trên góc độ là người có nhiều năm công tác trong lĩnh vực kiến trúc, kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Phương khẳng định, không nên xét danh hiệu NSND, NSƯT cho ngành Kiến trúc được vì trong kiến trúc chỉ có một phần là nghệ thuật, còn rất nhiều phần là kỹ thuật. Và cách trải nghiệm của con người là sống trong nó, khác với việc thưởng thức một tác phẩm với thời gian ngắn hạn. Thang đánh giá không giống nhau nên không thể dùng để cùng đưa lên một “bàn cân” được.

Đồng quan điểm đó, nhạc sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Vĩnh Tiến cho rằng, kiến trúc sư là một ngành nghề tổng hợp, có cả yếu tố sáng tạo không gian, hình khối, màu sắc, chất liệu nhưng đồng thời cũng là những nhà kỹ thuật đòi hỏi kiến thức khoa học, sự tỉ mỉ và chính xác. Kiến trúc sư đã có những giải thưởng riêng của ngành, của các hiệp hội, như: Giải thưởng kiến trúc quốc gia, các giải thưởng kiến trúc của khu vực, của châu Á và cao hơn nữa là Giải thưởng kiến trúc Pritzker, nên cũng không cần thiết danh hiệu NSƯT, NSND. “Danh hiệu thực sự nằm ở thành quả lao động và sáng tạo. Các dấu ấn, sự cống hiến, vì nghệ thuật và vì nhân dân thực sự”, ông Tiến bộc bạch.

Chia sẻ về việc xét duyệt này, ông Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam thẳng thắn cho rằng, kiến trúc sư chính là danh hiệu cao quý, là niềm vinh dự mà xã hội trao cho rồi còn việc được phong NSƯT, NSND là không cần thiết. Nhiệm vụ của kiến trúc sư là tạo ra không gian sống cho con người, gắn liền với nền kinh tế của đất nước.

“Họa sĩ, nhạc sĩ không ai “đặt hàng” cũng sáng tác được còn sáng tác của kiến trúc sư phải được “đặt hàng”. Không có kiến trúc sư nào ngồi vẽ chơi ra cái nhà hát hay công trình nào đó cả. Sắp tới, chúng tôi có một kiến trúc sư được trao Giải thưởng Nhà nước, đó là niềm vinh dự, tự hào lắm rồi. Tôi và nhiều kiến trúc sư khác đều không quan tâm đến việc xét tặng này. Hội Nhà văn Việt Nam đã từ chối việc xét tặng là rất có trách nhiệm xã hội, có sự tôn trọng nghề nghiệp. Càng lắm danh hiệu càng làm giảm giá trị chứ không phải là tôn vinh”, ông Tùng khẳng định.

Ngô Khiêm
.
.
.