"Giải mã" nghề trọng tài thể thao
Họ là những người hiểu rõ nhất về luật, cũng như phán xử người thắng kẻ thua trong từng môn thể thao. Nhưng trong bối cảnh các giải đấu chưa thực sự nhiều, trọng tài chỉ như một nghề tay trái giúp họ thỏa đam mê, bên cạnh công việc chính diễn ra hằng ngày.
Doanh nhân làm trọng tài
Trọng tài Vương Trọng Nghĩa đã rút khỏi các giải Boxing quốc gia trong nhiều năm. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của ông đến Boxing Việt Nam vẫn rất lớn. Lý do bởi ông chính là người vươn đến đỉnh cao sự nghiệp của một trọng tài Boxing, dù chỉ là "người ngoài ngành" về mặt hình thức.
Ông Vương Trọng Nghĩa chính là trọng tài có đẳng cấp cao nhất trong lịch sử Boxing Việt Nam từ trước đến nay. Từ một doanh nhân nuôi niềm đam mê cùng Boxing, ông đã trau dồi bản thân để vươn ra thế giới. Nhiều giải Boxing quốc tế trong quá khứ có trọng tài Vương Trọng Nghĩa làm nhiệm vụ, với tư cách đại diện của Boxing Việt Nam.
"Thi đấu quốc tế là điều rất khó khăn với nhiều VĐV Việt Nam. Chúng tôi không biết ngoại ngữ, lại chưa nắm được thông lệ. Chính chú Vương Trọng Nghĩa là người giúp đỡ đoàn Việt Nam rất nhiều trên danh nghĩa trọng tài. Chú thậm chí còn bỏ tiền túi ra thưởng các VĐV Việt Nam đạt thành tích tốt", một cựu VĐV chia sẻ.
Theo quy định của các giải quốc tế, kinh phí đi lại, ăn ở của trọng tài được ban tổ chức đảm nhận. Nhưng bên cạnh những phần kinh phí "cứng" đó, trọng tài thể thao còn rất nhiều khoản chi khác trong thời gian ở nước ngoài. Với ông Vương Trọng Nghĩa, làm trọng tài như một thú "chơi" giúp ông thỏa đam mê, bên cạnh công việc kinh doanh.
Với ông Vương Trọng Nghĩa, việc trao thưởng cho VĐV ngay trên đất khách quê người mang ý nghĩa đặc biệt. Khi đó, các võ sĩ không cảm thấy mình cô đơn khi ở nước ngoài. Số tiền một, hai trăm USD cũng là phần khích lệ không nhỏ, giúp VĐV có thể mua đồ lưu niệm, quà bánh mang về tặng bạn bè, người thân ở quê nhà.
Giữa năm 2012, ông Vương Trọng Nghĩa đến Italia theo học khóa đào tạo trọng tài đặc biệt của Hiệp hội Boxing Quốc tế (IBA) và đạt điểm số rất cao. Đây là cơ sở giúp ông được phong cấp trọng tài quốc tế 3 sao, đủ điều kiện làm nhiệm vụ tại Olympic. Ở 2 kỳ Thế vận hội sau đó, trọng tài Vương Trọng Nghĩa đều có mặt làm nhiệm vụ.
Hồi tưởng về khoảng thời gian làm việc cùng ông Vương Trọng Nghĩa, một trọng tài Boxing Việt Nam cho biết: "Thầy Nghĩa là người có kiến thức sâu rộng. Chúng tôi chỉ được mở mang tư duy, và phát triển bản thân sau khi được thầy chỉ dạy. Chỉ tiếc là thầy đã rút lui khỏi ngay thời điểm Boxing Việt Nam bắt đầu vươn ra quốc tế".
Trọng tài Vương Trọng Nghĩa là hình mẫu của một người cầm cân nảy mực. Ông cũng trở thành nguồn động lực giúp nhiều người thử sức với nghiệp trọng tài. Giờ đây, Việt Nam có không ít trọng tài sở hữu "nghề tay phải" hoàn toàn không liên quan đến ngành thể thao. Họ được xem là đội ngũ trọng tài độc lập, làm nhiệm vụ công bằng, khách quan.
Những ngày nghỉ không lương
Theo lịch thi đấu được Cục Thể dục Thể thao ban hành, mỗi môn thể thao thành tích cao thường có 3 giải đấu tổ chức hằng năm. Bóng đá là môn thể thao hiếm hoi có nhiều giải đấu diễn ra liên tục, đồng thời thi đấu với mật độ dày đặc trong năm. Điều đó cũng giúp trọng tài bóng đá có công việc ổn định, cùng mức thu nhập cao so với mặt bằng chung.
Trọng tài bóng đá ở cấp độ cao nhất có thể là những người làm việc toàn thời gian. Trung bình, mỗi trọng tài V.League nhận khoản thù lao 5-8 triệu đồng cho mỗi trận đấu làm nhiệm vụ. Với tần suất làm việc 3 trận mỗi tháng, mức thu nhập của trọng tài V.League vào khoảng 20-25 triệu đồng, giúp những người cầm cân nảy mực sống đủ với nghề.
Với những trọng tài bóng đá chưa đủ kinh nghiệm để làm nhiệm vụ tại V.League và giải hạng Nhất, họ có nhiều sân chơi khác để cải thiện thu nhập. Đó là những giải đấu nằm ngoài hệ thống chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam. Các sân bóng phủi, hay giải hội làng giờ đây cũng sẵn sàng trả tiền để mời trọng tài về làm nhiệm vụ.
Một thành viên trong ban tổ chức giải bóng đá lễ hội làng Nội Đông (xã Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) cho biết, sân chơi hội làng cũng quyết liệt không kém thi đấu chuyên nghiệp. Vì lý do đó, giải đấu cần có trọng tài tốt để phân xử nghiêm minh, tránh rơi vào cảnh "vỡ trận" khi có tình huống phức tạp. Phương án giải quyết khả thi nhất là mời trọng tài "trung ương" về làm nhiệm vụ.
Ở chiều ngược lại, phần lớn các trọng tài thể thao của Việt Nam chỉ coi nhiệm vụ này như một nghề tay trái. Họ có thể là giáo viên, huấn luyện viên tại các địa phương, hoặc doanh nhân. Tất cả đến với công việc trọng tài như một cái duyên, rồi gắn bó với nghề kể từ đó.
Một vấn đề khác với nghề trọng tài là khoảng thời gian làm nhiệm vụ ngắt quãng. Mỗi giải đấu thường kéo dài 5-7 ngày, nếu nhân lên 3 giải hằng năm, sẽ là 15-20 ngày. Với những trọng tài có công việc kinh doanh, làm nghề tự do, việc dành thời gian để làm nhiệm vụ tương đối thoải mái. Nhưng với những người là cán bộ, công chức nhà nước thì sao?
"Có 2 việc trọng tài cần làm để lên đường làm nhiệm vụ. Thứ nhất, chúng tôi phải có trước lịch thi đấu để làm kế hoạch, đơn xin nghỉ phép từ cơ quan chủ quản. Nếu đã hết số ngày phép nghỉ có lương theo quy định, chúng tôi chấp nhận nghỉ không lương. Thứ hai, công việc vẫn phải thực hiện, chỉ đạo từ xa", một trọng tài chia sẻ.
Không bản lĩnh, không nên làm trọng tài
Bóng đá không phải môn thể thao duy nhất chứng kiến tình trạng cầu thủ, HLV, cổ động viên bức xúc, thậm chí tấn công trọng tài. Điều này xuất hiện không ít lần tại các giải thể thao thành tích cao ở Việt Nam. Đó là kỷ niệm "hú vía" với nhiều trọng tài, nhưng cũng là trải nghiệm giúp họ có thêm bản lĩnh khi làm nhiệm vụ.
Về những tình huống tranh cãi trong thi đấu, trọng tài cần có bản lĩnh vững vàng mỗi khi làm nhiệm vụ. Họ phải sở hữu góc nhìn khách quan nhất để phân biệt đúng sai, cũng như nhận định của bản thân. Vì lý do đó, trọng tài là công việc không hề dễ, và chỉ có một số ít vươn đến đỉnh cao của nghề.