ĐTQG toàn thua: Nền bóng đá Việt Nam cần chiến lược phát triển dài hơi

Thứ Năm, 14/10/2021, 10:13

Thất bại toàn diện của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 châu Á cho thấy vị trí thực tế của chúng ta trên bình diện bóng đá châu Á hiện nay. Nếu muốn đặt chân vào nhóm các nền bóng đá mạnh nhất châu lục, Việt Nam cần có chiến lược phát triển đúng đắn và dài hạn.

Điểm giới hạn của bóng đá Việt Nam

Trước khi HLV Park Hang-seo đến, tuyển Việt Nam chỉ vô địch AFF Cup một lần duy nhất vào năm 2008. Ở thời điểm đó, tuyển Việt Nam lên ngôi đầy ấn tượng nhưng chúng ta bị Malaysia loại ngay ở vòng bán kết sau đó 2 năm. Tại SEA Games, thành tích tốt nhất của bóng đá nam Việt Nam cũng chỉ dừng được huy chương bạc.

que ngoc hai.jpg -0
Bóng đá Việt Nam cần có chiến lược phát triển đúng đắn và dài hạn.

Các giải đấu ở cấp độ châu lục? Có lẽ người hâm mộ không có bất cứ ký ức nào. Asian Cup duy nhất mà tuyển Việt Nam được tham dự là vòng chung kết năm 2007. Khi đó, chúng ta chỉ có vé với tư cách đồng chủ nhà cùng các quốc gia Đông Nam Á khác, bao gồm Malaysia, Indonesia và Thái Lan.

Trước khi HLV Park Hang-seo đến, tuyển Việt Nam dừng bước ở bán kết AFF Cup 2016 và tệ hơn, đội U23 bị loại ngay từ vòng bảng SEA Games 2017. Sau khi HLV người Hàn Quốc đến, U23 Việt Nam lập tức lọt vào chung kết U23 châu Á 2018, đội Olympic tiến vào bán kết ASIAD 2018, tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018. Đến năm 2019, chúng ta lập thêm cột mốc lịch sử khi vào top 8 đội mạnh nhất châu Á tại Asian Cup đồng thời thỏa mộng vàng tại SEA Games.

Nói cách khác, chỉ trong vòng 2 năm, HLV Park Hang-seo đã giúp tuyển Việt Nam chinh phục mọi mục tiêu mà chúng ta mong muốn. Ông thậm chí đưa bóng đá Việt Nam vượt ra khỏi Đông Nam Á và trở thành cái tên quen thuộc ở các sân chơi châu lục.

Nếu liệt kê thành tích này, người hâm mộ sẽ giật mình khi nghĩ đến bước tiến tiếp theo của bóng đá Việt Nam. Chúng ta đã thống trị các giải đấu Đông Nam Á, đã vào sâu ở các giải đấu tầm cỡ châu Á. Nếu cứ chạy theo thành tích, chúng ta chỉ thỏa mãn khi tuyển Việt Nam vào bán kết Asian Cup, giành chiến thắng tại vòng loại cuối cùng đến World Cup hay thậm chí giành vé dự World Cup? Đáng tiếc, đó đều là các mục tiêu mà không có phép màu nào có thể biến thành sự thật chỉ sau một đêm.

Nói cách khác, bóng đá Việt Nam đang đi đến cực hạn. Trước đây, chúng ta có quyền tiếc nuối khi đội nhà không thể vô địch AFF Cup hay giành HCV SEA Games, bởi lẽ thực lực của bóng đá Việt Nam đủ khả năng làm điều đó. Nhưng hiện tại, sẽ là ảo tưởng nếu nói rằng tuyển Việt Nam đủ sức vào đến bán kết Asian Cup hay cạnh tranh vé dự World Cup. Vậy chúng ta phải thỏa mãn với thành tích này? Không hẳn, điểm giới hạn hiện tại chính là bước đệm quan trọng cho bóng đá Việt Nam tiến lên đẳng cấp cao hơn.

Có điều, mọi thứ sẽ không diễn ra nhanh chóng và thuận lợi như những bước đầu. Thậm chí, bóng đá Việt Nam có nguy cơ tụt lại phía sau nếu không có chiến lược đúng đắn và dài hạn.

Chiến lược phát triển dài hạn

Mô hình phát triển bóng đá châu Âu là điều mà chúng ta có thể học hỏi. Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) đã triển khai chương trình phát triển, thu hút người chơi bóng đá trên khắp lục địa già từ lâu.

Trong kế hoạch đó, nổi bật nhất bao gồm ba vấn đề lớn: Bóng đá trong trường học, bóng đá trẻ ở cấp độ cơ sở, các CLB địa phương và chất lượng HLV nội địa. Cả ba vấn đề này cần được giải quyết, phát triển cùng lúc để thúc đẩy cả nền bóng đá đi lên một cách bền vững.

Thống kê cho thấy hơn 80% trẻ em, các buổi học thể dục là cơ hội duy nhất để tham gia hoạt động thể chất. Vì vậy, trường học và các trung tâm thể dục thể thao cấp xã, phường trở lên là nơi nhiều trẻ em sẽ chơi bóng đá lần đầu tiên. Các em cần có trải nghiệm đủ tốt để hình thành thói quen tập thể thao và chơi bóng, qua đó nuôi dưỡng đam mê, tình yêu với bóng đá.

Trong khi đó, các CLB cấp cơ sở chính là nơi “sàng lọc” tài năng đầu tiên trong một hệ thống bóng đá chuyên nghiệp. Không phải cầu thủ nào cũng có thể lọt vào mắt xanh của các tuyển trạch viên nếu chỉ chơi bóng đá phong trào, bóng đá tự phát. CLB bóng đá địa phương là nền tảng của cộng đồng và ngược lại, CLB cung cấp nơi để mọi người xích lại gần nhau vì mục tiêu chung. Sẽ dễ dàng hơn cho các tài năng trẻ có vé vào các học viện lừng danh nếu có một sân chơi tốt ở địa phương.

Cuối cùng, sẽ không có học trò giỏi nếu không có đủ thầy giỏi. Chất lượng HLV tại Việt Nam vẫn là một dấu hỏi lớn và không có tiêu chí nào đánh giá đủ rõ ràng. Chúng ta đang thiếu HLV ở mọi cấp độ, từ đội trẻ cho đến đội chính. Việc sử dụng lẫn lộn HLV cho các lứa tuổi khác nhau đôi khi làm chậm sự phát triển của các cầu thủ trẻ, hoặc tệ hơn, khiến họ đi sai hướng.

Tất nhiên, ngoài ba vấn đề nói trên, những điều quan trọng hơn cũng phải đảm bảo, từ cơ sở vật chất cho đến các giải vô địch quốc gia chất lượng. Tất cả đều không phải những vấn đề có thể giải quyết trong chốc lát. Nếu Việt Nam quả thực muốn hướng đến nhóm các đội mạnh nhất châu Á, chúng ta sẽ phải tiến từng bước, chậm nhưng chắc.

Bài học lớn từ Bỉ

Trước khi có được vị trí số 1 trên bảng xếp hạng FIFA như ngày nay, bóng đá Bỉ cũng trải qua một thập kỷ đau thương, bắt đầu từ việc bị loại ngay từ vòng bảng EURO 2000 - giải đấu mà họ đóng vai đồng chủ nhà cùng Hà Lan. Kể từ sau thất bại cay đắng đó, bóng đá Bỉ gần như biến mất trên bản đồ thế giới. Họ không thể giành vé dự 5 vòng chung kết lớn liên tiếp, bao gồm EURO 2004, 2008, 2012 và World Cup 2006, 2010.

Tuy nhiên, khi trở lại vào World Cup 2014, Bỉ lập tức trở thành “hiện tượng” với dàn cầu thủ trẻ đắt giá và được săn đón nhất thời điểm đó. Các ngôi sao của Bỉ có thể kể đến như Thibaut Courtois, Toby Alderweireld, Eden Hazard, Kevin de Bruyne, Romelu Lukaku… Bên cạnh đó là rất nhiều cầu thủ chất lượng, đủ khả năng tạo thành một đội bóng mạnh trong nhiều năm.

Để có sự thay đổi đó, Bỉ cũng phải làm lại từ đầu, từ bóng đá học đường, từ các lò đào tạo trẻ ở cấp cơ sở cho đến các học viện của các CLB lớn đồng thời nâng cao chất lượng HLV. Họ kiên trì với chiến lược này trong suốt 10 năm, 15 năm và thu về trái ngọt. Đến giờ, cách làm bóng đá của Bỉ đã trở thành mô hình mà nhiều quốc gia khác học hỏi.

An Khánh
.
.
.