Đầu tư cho rạp chiếu phim: Công lập và tư nhân cùng than khó

Thứ Bảy, 25/05/2024, 07:03

Trong khi một số nhà sản xuất phim Việt thắng lớn về doanh thu thì hiện nay, hầu hết cơ sở rạp chiếu, kể cả tư nhân và nhà nước đều cho rằng họ gặp rất nhiều khó khăn trong phát huy hệ thống cơ sở chiếu phim, thậm chí nhiều rạp chiếu công lập đã đóng cửa.

Nhiều cơ sở chiếu phim công lập đóng cửa, bị sáp nhập

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ đầu năm 2014, Viện Phim Việt Nam đã tạm dừng hoạt động chiếu phim dịch vụ và chỉ còn duy trì các hoạt động chiếu phim chuyên đề, các chương trình giao lưu điện ảnh phục vụ nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Viện. Lý do là ngân sách Nhà nước hằng năm cấp cho Viện phim còn hạn chế, kinh phí hoạt động thấp, cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp, quy mô nhỏ, nguồn nhân lực tổ chức khai thác vận hành các đơn vị này còn thiếu, công nghệ điện ảnh ngày càng phát triển khiến cho các rạp chiếu phim của Viện Phim Việt Nam hoạt động khó khăn, không thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân đến hưởng thụ nghệ thuật, thu không đủ bù chi…

rap-chieu-phim.jpg -0
Khán giả xếp hàng mua vé xem “Đào, Phở và Piano” tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia từng là sự kiện bất ngờ của điện ảnh Việt.

Trao đổi chung về thực trạng hoạt động của hệ thống rạp chiếu phim hiện nay, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cũng cho rằng, hệ thống chiếu phim công lập đang có nhiều bất cập. Việc sáp nhập các Trung tâm chiếu bóng với các Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, triển lãm, nghệ thuật... ngày càng nhiều, khiến việc hoạt động chiếu phim tại rạp trở nên kém hiệu quả và dẫn đến tình trạng không có khán giả, không còn hoạt động dịch vụ chiếu phim. Tại các địa phương, do sức ép từ sự cạnh tranh với các hệ thống rạp có vốn đầu tư nước ngoài, tư nhân và không được trang bị các hệ thống, thiết bị chiếu phim hiện đại, cơ sở hạ tầng cũ, lạc hậu, các hoạt động đi kèm không thu hút khán giả nên không thể triển khai hoạt động chiếu phim kinh doanh tại rạp. Rạp chiếu là nơi tích hợp nhiều hoạt động khác, không còn được thiết kế chuyên biệt để chiếu phim. Có nhiều địa phương chưa đầu tư mua máy chiếu kỹ thuật số nên rạp đóng cửa, xuống cấp theo thời gian. Hoạt động điện ảnh tại các Trung tâm văn hóa tỉnh, thành phố đã co hẹp. Các đội chiếu bóng lưu động vô cùng khó khăn vì không có khán giả. Hiện nay, cả nước chỉ còn 12 cụm rạp của nhà nước còn hoạt động, nhiều rạp chiếu công lập đã đóng cửa hoặc sáp nhập với Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, chỉ chiếu phim lưu động.

Trong khi hệ thống rạp chiếu phim Nhà nước đang gặp nhiều khó khăn thì số lượng rạp nước ngoài, rạp tư nhân chiếm ưu thế trên thị trường. Tại các tỉnh, thành chủ yếu là các cụm rạp nước ngoài và các cụm rạp tư nhân được khai trương, mở rộng. Điển hình là sự tăng trưởng nhanh chóng của cụm rạp nước ngoài như CGV, Lotte, CGV và cụm rạp tư nhân như Galaxy, Beta,  BHD, Cinestar, Starlight... Hiện nay, một số Trung tâm phát hành và rạp chiếu phim tại một số tỉnh không được phổ biến phim đồng thời cùng các rạp tư nhân lớn. Việc chiếu sau các đơn vị tư nhân dẫn đến khi phim được chiếu không còn thu hút được nhiều khán giả quan tâm tới bộ phim. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các rạp chiếu cũng như thiệt thòi cho các đơn vị nhà nước trong việc phổ biến phim.

Cũng theo Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, khi hệ thống rạp lớn chủ yếu nằm trong tay các tập đoàn nước ngoài và tư nhân thì sẽ gây ra một số bất lợi cho nền điện ảnh trong nước. Cụ thể, phim nội làm ra khi vào được hệ thống rạp sẽ khó đạt tối đa tỷ lệ lợi nhuận trên tỷ lệ phân chia doanh thu. Thời gian “sống” của phim tại rạp không lâu, giờ chiếu và tỷ lệ các suất chiếu không tương xứng với phim nhập ngoại... Phim điện ảnh do nhà nước đặt hàng sản xuất ít có cơ hội được chiếu rộng rãi trên toàn hệ thống rạp do không thể cạnh tranh với các phim thương mại, phim bom tấn. Thực trạng này còn dẫn tới việc khó tạo ra một hệ sinh thái điện ảnh tuần hoàn để có thể hỗ trợ các đơn vị sản xuất cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho ngành điện ảnh.

Rạp chiếu tư nhân khó khăn vì vốn, thuế, phí

Trong khi đó, đại diện của khối tư nhân, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty BHD cũng than thở, các công ty phát hành phim Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong 10 thiết chế rạp chiếu phim chỉ có 1 thiết chế của Nhà nước là Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, số còn lại đều của nước ngoài và tư nhân. Hàn Quốc chiếm 65% thị phần phòng chiếu. Còn lại là các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp này đang rất khó khăn về nguồn vốn. Vì vậy, trong số thiết chế của Việt Nam, quản lý là người Việt Nam nhưng vẫn phải bán một phần cho đối tác nước ngoài, cụ thể, BHD bán 30%, Galaxy bán 49%, Mega là 49%. Nhìn vào thực tế của điện ảnh Việt hiện nay cũng không khó để nhận thấy, nguồn nhân lực cho điện ảnh chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài và tư nhân. Cái mà nhà nước có thể hỗ trợ cho điện ảnh là chính sách về thuế và phí. Tại các hội thảo, các doanh nghiệp nhiều lần xin nhà nước có chính sách tốt về thuế cho điện ảnh. Luật Điện ảnh sửa đổi đã ban hành với nhiều ưu đãi cho điện ảnh hơn song thực tế vẫn chưa có chính sách mới gì về thuế cho các doanh nghiệp. Thậm chí, dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi còn đang đề xuất tăng thuế cho các rạp chiếu từ 5% lên 10%. Các doanh nghiệp rất khó khăn và đang xin là nếu không giảm thì đừng tăng lên 10%.

Cũng theo bà Hạnh, phí là điểm yếu nóng nhất của các doanh nghiệp rạp chiếu phim Việt Nam. Vì chi phí lên quá cao nên hầu như các doanh nghiệp khó có lãi, thậm chí lỗ, lãi rất thấp. Lý do là giá cho thuê đất quá cao, trong khi các rạp chiếu thuê ở các trung tâm thương mại, giá giống như các quán ăn hay các cửa hàng khác. Việc ưu đãi về vốn cho các đơn vị tư nhân cũng tương tự. Tại TP Hồ Chí Minh có mô hình rất tốt là Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh có chính sách cho các doanh nghiệp trên địa bàn vay vốn với lãi suất 0% trong 7 năm. Thế nhưng, với các rạp chiếu phim thì 7 năm chưa thể đủ thu hồi vốn, vì rạp chiếu thường ký hợp đồng từ 20-25 năm và việc đi vay ở các ngân hàng cũng chỉ vay được 5 năm trung hạn, rất khó để phát triển. “Nếu các tỉnh có lãi suất về thuế như TP Hồ Chí Minh thì chỉ cho vay những dự án mới, còn các dự án cũ không được vay, trong lúc các doanh nghiệp sau đại dịch khó khăn, 20% đóng cửa, trong khi không hỗ trợ hệ thống rạp cũ thì rất khó để phát triển”, bà Ngô Thị Bích Hạnh chia sẻ.

N.Nguyễn
.
.
.